Điểm tựa vững chắc cho đồng bào nơi biên giới

Những năm qua, Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động, mở rộng diện tích sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cán bộ Biên phòng đã đến tận các xóm, từng gia đình, trực tiếp hướng dẫn người dân áp dụng các mô hình vào chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh ở địa bàn biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy phối hợp với dân quân tự vệ tuần tra biên giới. Ảnh: T.Trà

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đàm Thủy phối hợp với dân quân tự vệ tuần tra biên giới. Ảnh: T.Trà

Thực hiện chủ trương đưa cán bộ BĐBP xuống tăng cường cho các xã, phường, thị trấn biên giới, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Cao Bằng, Đảng ủy Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã cử 3 đồng chí cán bộ tăng cường cho 2 xã biên giới thuộc địa bàn đơn vị phụ trách. Trong đó, Thượng tá Mê Văn Đạt được tăng cường cho xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh giữ cương vị Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2007.

Trước khi Thượng tá Mê Văn Đạt về nhận nhiệm vụ tại xã Đàm Thủy, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn diễn biến phức tạp, có nhiều người nghiện ma túy, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Đội ngũ cán bộ của xã có trên 50% chưa đạt chuẩn về chuyên môn; một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng nhiều năm không đạt kế hoạch trên giao. Hệ thống chính trị cơ sở từ xã đến các thôn, xóm chậm được củng cố, kiện toàn.

Trước thực trạng khó khăn trên, Thượng tá Mê Văn Đạt đã tập trung bám địa bàn, nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Anh đã cùng tập thể cấp ủy tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể từ xã đến các thôn, xóm. Đảng ủy xã cũng đã phân công cán bộ xã xuống phụ trách các thôn, xóm với nhiệm vụ nắm chắc tình hình tư tưởng và lắng nghe ý kiến của nhân dân; đồng thời, giúp cơ sở triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước kịp thời đến với người dân, giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn trong nhân dân.

Trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng các "điểm sáng văn hóa" ở khu vực biên giới để đẩy lùi các tệ nạn xã hội và những tập tục lạc hậu. Đơn vị đã tham gia vận động được 640 gia đình đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”; vận động 128 cháu học sinh bỏ học tiếp tục trở lại trường học tập, nhận hỗ trợ, đỡ đầu 3 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi tháng 500 nghìn đồng/học sinh đến khi học hết Trung học phổ thông; khám, điều trị miễn phí cho 3.163 lượt người; chủ trì, phối hợp với MTTQ các cấp xây dựng 12 ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” với tổng trị giá 170 triệu đồng.

Trong 10 năm qua, cùng với sự chỉ đạo từ cấp trên, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã cùng chính quyền xã Đàm Thủy củng cố, kiện toàn 6 chi bộ thôn, xóm; tham mưu cho Đảng bộ xã Đàm Thủy bồi dưỡng, kết nạp được 129 đảng viên; xóa được các xóm “trắng” về đảng viên. Từ năm 2009 đến nay, 80% các chi bộ trực thuộc đều đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh, không có tổ chức Đảng yếu kém; có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ năm 2009, Đảng bộ xã Đàm Thủy liên tục đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Để triển khai thực hiện mô hình “Giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy tổ chức đảm bảo cung ứng các loại giống cây trồng, đưa giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và đã cung ứng được gần 112 nghìn kg ngô giống mới, hơn 111 nghìn kg giống lúa mới; tổ chức 50 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa, ngô, chăn nuôi thú y cho trên 2.250 lượt người tham gia. Đơn vị đã phân công cán bộ xuống bám nắm địa bàn, bám dân, vừa tuyên truyền, vừa hướng dẫn, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, tự chủ, dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế, đồng thời, tư vấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất; tận dụng sức kéo, nguồn phân bón từ chăn nuôi trâu, bò, lợn tập trung để phục vụ trồng trọt, phát huy thế mạnh hiệu quả kinh tế. Nhiều gia đình trước đây chỉ nuôi từ 1 đến 2 con lợn, trong những năm gần đây đã nuôi với quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Mạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đàm Thủy cho biết: Đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho nhân dân ở các xóm gần điểm du lịch thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao về phát triển dịch vụ du lịch. Đồn đã tham mưu, hỗ trợ cho chính quyền xã tạo việc làm cho 23 người dân; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các xóm gần các điểm du lịch, mỗi xóm làm một sản phẩm mang đặc trưng bản sắc văn hóa của địa phương, đồng thời, vận động nhân dân xây dựng 7 nhà hàng, khách sạn, 2 khu du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho 400 lao động có thu nhập ổn định. Những việc làm trên đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2008 là 23% thì đến năm 2019, giảm xuống còn 13,47% theo tiêu chí nghèo đa chiều. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,5 triệu đồng/người/năm.

Mai Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-vung-chac-cho-dong-bao-noi-bien-gioi-post429920.html