Điểm tựa mới của người có HIV

Ngày 8-3 vừa qua, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt tổ chức sự kiện 'Những bệnh nhân đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế (BHYT)'.

Lăng kính an sinh

Đây là một trong những hoạt động trọng điểm nhằm tuyên truyền về việc quỹ BHYT đã thực hiện chi trả chi phí thuốc ARV (thuốc có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi-rút HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS) cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS có thẻ BHYT tới đông đảo người dân, nhất là những người nhiễm HIV. Có thể nói, đây là một trong những dấu mốc quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị HIV nói riêng tại Việt Nam.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có khoảng 200 nghìn người nhiễm HIV, trong đó gần 140 nghìn người được điều trị bằng thuốc ARV. Theo tính toán, nếu không tính tới các chi phí liên quan như chi phí khám bệnh, xét nghiệm định kỳ, các dịch vụ đặc thù và điều trị nhiễm trùng cơ hội..., mỗi người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV theo phác đồ bậc một mất hơn bốn triệu đồng/năm, còn theo phác đồ bậc hai thì chi phí cao gấp bảy đến tám lần, trong khi đây là loại thuốc phải sử dụng liên tục suốt đời.

Nhiều năm trước, tất cả các chi phí này đều được bảo đảm từ nguồn tài trợ quốc tế và ngân sách; người nhiễm HIV được phát thuốc miễn phí. Tuy nhiên, những năm gần đây, theo lộ trình đã thông báo, các tổ chức quốc tế cắt giảm dần chi phí hỗ trợ, giảm nguồn thuốc viện trợ. Từ năm 2018, gần như toàn bộ nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình đã kết thúc. Trong bối cảnh đó, quỹ BHYT được xem là nguồn tài chính thay thế quan trọng. Quỹ BHYT đã đảm nhận thanh toán các chi phí như phí khám bệnh, xét nghiệm, điều trị nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT tại các cơ sở điều trị HIV đủ điều kiện và từ ngày 8-3 vừa qua đã bắt đầu mở rộng chi trả chi phí thuốc ARV.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, với sự thay đổi quan trọng này, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân, tiếp tục thể hiện những cam kết mạnh mẽ trong việc chặn đứng HIV/AIDS, xứng đáng là mô hình cho các quốc gia khác học tập.

Mặc dù vậy, việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV không phải không có những khó khăn. Thực tế, người nhiễm HIV thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau và họ sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đã được quy định trong Luật BHYT. Tuy nhiên, phần đông lại thuộc nhóm không được hỗ trợ từ Nhà nước mà phải tham gia BHYT theo hộ gia đình. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ chỉ đạo các địa phương phải bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho tất cả những người nhiễm HIV. Với trách nhiệm của mình, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT. Cơ chế tham gia đối với những trường hợp đặc biệt như không có giấy tờ tùy thân cũng được giải quyết... Điều đó đã góp phần giúp tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT tăng nhanh, trong đó tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đã tăng từ 30% vào năm 2015 lên 90% tính đến cuối năm 2018.

Cùng với bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia BHYT, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và thực hiện quy định hỗ trợ để đạt mục tiêu tất cả người nhiễm HIV có thẻ BHYT trong thời gian sớm nhất. Qua đó, BHYT trở thành “điểm tựa” tài chính bền vững cho tất cả những người có HIV, góp phần hiện thực hóa mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/39531802-diem-tua-moi-cua-nguoi-co-hiv.html