Điểm tựa hậu cần tại chỗ của ngư dân giữ biển

Với các ngư dân hoạt động trên vùng biển quần đảo Trường Sa, họ luôn yên tâm vì đã có các điểm đảo giúp đỡ

Sự giúp đỡ kịp thời mỗi khi gặp biển động, bão gió, thậm chí ốm đau, hết nước ngọt, xăng dầu, lương thực, máy móc hư hỏng… Ngư dân luôn có được thứ mình cần để tiếp tục bám biển vươn khơi, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Lòng hồ tự nhiên tại đảo Đá Tây, với khu vực hậu cần nghề cá là địa chỉ quen thuộc của ngư dân mỗi khi biển động hay tàu gặp nạn

Lòng hồ tự nhiên tại đảo Đá Tây, với khu vực hậu cần nghề cá là địa chỉ quen thuộc của ngư dân mỗi khi biển động hay tàu gặp nạn

Các cán bộ Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây bơm nước vào thùng nhựa để chuyển lên tàu cấp miễn phí cho ngư dân

Hậu cần trên biển

Huyện đảo Trường Sa có một số âu tàu để tàu thuyền của ngư dân tránh trú bão, lấy nước ngọt, đặt tại đảo Đá Tây, Tốc Tan, Song Tử, Sinh Tồn. Ngoài ra, các điểm đảo đều là nơi sẵn sàng giúp đỡ tàu cá và ngư dân mỗi khi gặp sự cố trên biển.

Hằng năm, mỗi điểm đảo giúp đỡ hàng trăm lượt tàu cá, khám chữa bệnh cho ngư dân ốm đau, cung cấp nước ngọt, lương thực, thậm chí cả xăng dầu, sửa chữa máy móc tàu thuyền…

Chúng tôi tới đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) vào những ngày gió mùa đông bắc thổi mạnh, biển động dữ dội, những con sóng bạc đầu nối đuôi đuổi nhau giữa trùng khơi.

Trên xuồng từ tàu HQ-561 vào đảo Đá Tây, những con sóng cao 3-4m như muốn ôm trọn chúng tôi vào lòng biển, rồi bất chợt ngọn sóng khác lại nâng con xuồng nhỏ lên cao đẩy về phía trước.

Khi chiếc xuồng còn cách đảo vài trăm mét bỗng mặt biển lặng sóng, thay vì những ngọn sóng cao 3-4m, chỉ còn những con sóng nhỏ, xuồng lướt êm trên mặt biển vào điểm đảo.

Thấy lạ, hỏi các chiến sĩ thì được biết đây là lòng hồ tự nhiên giữa Biển Đông, xung quanh hồ được bao bọc bởi dải san hô như bờ đê kè chắn sóng. Nhờ bức tường san hô này, mỗi khi mưa bão, biển động, sóng lớn bị ngăn lại, lòng hồ chỉ còn sóng nhè nhẹ nên tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu trong lòng hồ rất an toàn.

Trung tâm Dịch vụ Hậu cần nghề cá đảo Đá Tây (thuộc Bộ NN&PTNT) được thành lập tháng 5/2005.

Trung tâm là điểm cung ứng các dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt trên ngư trường Trường Sa, như nước ngọt miễn phí; cung cấp xăng dầu, lương thực, thực phẩm bằng giá trong đất liền; sửa chữa tàu tuyền miền phí tiền công; tham gia cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương…

Không chỉ cung cấp dịch vụ, trung tâm còn có nơi ăn nghỉ để ngư dân vào nghỉ ngơi mỗi khi biển động, hoặc đau yếu. Đây hiện là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, là một hậu phương vững chắc nơi đầu sóng ngọn gió.

Ngư trường Trường Sa có rất nhiều tàu ngư dân ra câu mực, mỗi chuyến đi kéo dài 2-3 tháng. Mỗi khi tới dịp trăng sáng, tàu của ngư dân lại về các đảo neo nhờ đợi hết tuần trăng mới đi câu tiếp, những kỳ như vậy các âu tàu Trường Sa lại chật kín tàu ngư dân.

Theo các cán bộ tại trung tâm, mỗi khi tàu gặp sự cố, ngư dân lập tức nghĩ ngay tới các trung tâm dịch vụ hậu cần, hoặc bộ đội trên huyện đảo Trường Sa để nhờ giúp đỡ.

Các tàu cá của ngư dân Việt Nam phần lớn là loại nhỏ, khi biển động, máy móc của tàu cá thường hỏng hóc, đặc biệt bộ phận bánh lái bị sóng đánh gãy. Khi nhận được tin cầu cứu của ngư dân, trung tâm lại phối hợp với hải quân điều phương tiện kéo tàu cá vào đảo sửa chữa.

Do các đảo chưa có đường đưa tàu lên bờ sửa, nên các cán bộ kỹ thuật phải lặn xuống biển tháo bánh lái đưa lên khắc phục. Không chỉ sửa chữa máy móc ngay trên biển, việc cung cấp nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm cũng được chở từ đảo ra tận tàu để tiếp tế cho ngư dân.

Không chỉ cung cấp dịch vụ hậu cần, các điểm đảo Trường Sa còn là bệnh xá ngoài khơi cứu giúp ngư dân mỗi khi đau ốm. Theo các chiến sĩ, ngư dân thường mắc các bệnh như: Ngộ độc thực phẩm, cảm cúm, xương khớp…

Một ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi đang neo nhờ trong âu tàu đảo Thuyền Chài do biển động cho hay:

“Mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ mất 1-2 tháng, nhiều khi tàu thiếu nước ngọt, hết lương thực trên biển, anh em đau ốm, chúng tôi lại tìm về các trung tâm dịch vụ hậu cần, hoặc lên đảo nhờ bộ đội giúp đỡ. Mỗi chuyến tàu ra Trường Sa, tàu đều tạt qua một vài đảo thăm anh em bộ đội, biếu vài cân mực, cá tươi”.

Với ngư dân, Trường Sa không chỉ có sóng, gió và thủy sản… nơi đây còn là điểm tựa để ngư dân bám biển quê hương, nơi cha ông đã phải đánh đổi bằng máu để giữ gìn cho mai sau.

Âu tàu tại đảo Đá Tây thuộc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá có sức chứa khoảng 200 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão. Các bến cập cho tàu có công suất 200 CV, 400 CV và 1.000 tấn vào tiếp nhận hàng hóa và bốc xếp hải sản.

Năm 2018, có 427 lượt tàu vào làm dịch vụ cung ứng, với trên 22 tấn lương thực thực phẩm, hơn 250.000 lít nhiên liệu, cấp miễn phí trên 55.000 cây đá và hơn 150m3 nước ngọt cho ngư dân; sửa chữa 28 tàu thuyền…

Lê Hữu Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/diem-tua-hau-can-tai-cho-cua-ngu-dan-giu-bien-3395537/