Điểm tựa của người dân xóm biển Hòn Rớ

Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Hòn Rớ (thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Trang, BĐBP Khánh Hòa) nằm ở cuối làng chài Phước Đồng, kề bên chân núi Hòn Rớ. Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của trạm luôn bám sát địa bàn, hỗ trợ nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn lên phát triển kinh tế, xã hội, xây nên một thành trì lòng dân vững chắc trên khu vực biên giới biển phụ trách.

Sau mỗi chuyến biển, ngư dân Võ Tấn Hớn lại gặp gỡ cán bộ Trạm KSBP Hòn Rớ để trao đổi tình hình trên biển. Ảnh: Phương Oanh

Sau mỗi chuyến biển, ngư dân Võ Tấn Hớn lại gặp gỡ cán bộ Trạm KSBP Hòn Rớ để trao đổi tình hình trên biển. Ảnh: Phương Oanh

Nơi làng biển an bình

“Từ ngày chúng tôi chuyển từ xóm nhà Chồ về khu tái định cư này lập làng đến nay đã tròn 15 năm. Cuộc sống của người dân bây giờ yên vui, ổn định, nhà cửa khang trang, đã sắm được tàu thuyền hiện đại hơn trước rất nhiều. Thế mà hồi đó cứ nghĩ, chỉ có quay về làng cũ mới sống được” - Ngư dân Võ Tấn Hớn, chủ một chiếc tàu đánh bắt xa bờ nói trong niềm phấn khởi. Anh Hớn cho biết, nhiều đời gia đình anh cũng như bà con trong làng đã bám trụ sống và mưu sinh ngay dưới chân cầu Bóng (phường Vĩnh Phước), vùng hạ lưu sông Cái Nha Trang. Nhà cửa là những túp lều lụp xụp chắp vá được dựng ngay bên sông, bao quanh bằng những tấm cót, hay mảnh tôn, sàn nhà là ván ép, đó cũng là cơ nguyên của tên gọi “xóm nhà Chồ”. Phương tiện làm ăn là những chiếc thuyền thúng hay sõng được cột tại những cọc trụ chân nhà. Mỗi ngày, hễ bước xuống sàn nhà là lên thuyền, sõng, chỉ vài giờ chạy ra biển là có rổ cá đem về bán, lo đủ một ngày ăn của cả gia đình.

Khi chính quyền có chủ trương cải tạo bộ mặt thành phố để phát triển du lịch, vì nằm ngay dưới chân cầu, trên con đường cửa ngõ ra vào thành phố, xóm nhà Chồ bị giải tỏa để chuyển về Hòn Rớ. “Ngày ấy, làng mới chưa hoàn thiện hạ tầng, môi trường mưu sinh lại thay đổi nên người dân tái định cư gặp nhiều khó khăn. Làng lại là nơi hội tụ của dân cộng cư từ nhiều nơi, khác biệt nhau về cách sống, ứng xử, nên thường xảy ra hiềm khích, xung đột. Những phức tạp là nạn trộm cắp dầu, ngư cụ trên ghe thuyền diễn ra khá thường xuyên. Vậy là, Trạm KSBP Hòn Rớ đã trở thành một địa chỉ tin cậy và là chỗ dựa để người dân yên tâm bám trụ làm ăn, sinh sống” - Anh Hớn nhớ lại.

Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng cho biết, ngày mới lập làng, cuộc sống nghèo khó, nhà lại ở quá xa trường học, nên không mấy người quan tâm đến việc học hành của con cái. Thấy những đứa trẻ vất vơ, phơi nắng ngoài bãi biển, các chiến sĩ Biên phòng quá sốt ruột nên đứng ra gọi các cháu về trạm, chỉ bày cho chúng các trò chơi.

Sau khi đề xuất với địa phương chuyện dạy chữ cho các cháu, anh em trạm đã cùng Hội Phụ nữ ngày đêm nỗ lực đi tới từng gia đình vận động phụ huynh. Tiếng hát, tiếng cười của những đứa trẻ nghèo trong những lớp học tình thương tại Trạm KSBP Hòn Rớ đã thắp sáng nghĩa tình quân dân nơi vùng đất khó này. Ngoài những phần quà từ nguồn vận động, quyên góp các nhà hảo tâm, mạnh thường quân để trao cho những em học sinh nghèo, hằng tháng, các chiến sĩ Biên phòng còn bỏ tiền túi ra mua sách vở, cặp viết động viên các cháu lớn, mua từng cái bánh, viên kẹo “dụ” cháu nhỏ siêng năng đến lớp.

Và, “trong cảnh giao thông còn cách trở ngày ấy, Trạm KSBP không khác một trụ sở chính quyền. Ở đây, anh em BĐBP cùng với chính quyền thường xuyên tổ chức những buổi họp dân, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và gặp gỡ động viên, khích lệ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi, mở rộng ngư trường làm ăn.

Khi gặp những vướng mắc về chính sách, luật pháp không biết hỏi ai, bà con lại tìm tới trạm để nhờ BĐBP tháo gỡ, hướng dẫn. Làng xóm có bất hòa, anh em trong trạm đến can ngăn, hòa giải. Mùa biển động, các anh ra bến, dõi theo những chuyến ghe, nhắc nhở bà con cẩn thận. Những gia đình neo đơn, thiếu đói, bệnh tật, anh em lại đề xuất với chỉ huy điều động quân y đồn đến thăm khám, hỗ trợ gạo, thuốc men” - Chị Hoa xúc động kể.

Điểm tựa vươn khơi

Thượng úy Nguyễn Văn Giang, Trạm trưởng Trạm KSBP Hòn Rớ cho biết, ngày trước, đa phần ngư dân Hòn Rớ chỉ quẩn quanh đánh bắt ven bờ bằng thuyền nhỏ, sõng thúng. Nhiều năm gần đây, bà con đã dần sắm tàu công suất lớn vươn ra khơi xa đánh bắt. Hiện, làng chài Hòn Rớ có trên 300 tàu đánh bắt xa bờ. Điều đáng quý là trong những chuyến biển, ngư dân luôn gắn kết mật thiết với cán bộ Biên phòng. Mỗi một sự cố xảy ra trên biển hay phát hiện tình hình, dấu vết tàu thuyền lạ nào, bà con đều điện thoại, liên lạc báo về trạm. Khi tàu về cập bờ, các thuyền trưởng sẽ đi thẳng tới trạm để trình báo cụ thể.

Thượng úy Nguyễn Văn Giang luôn gần gũi, gắn bó với ngư dân địa phương để tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Phương Oanh

Theo lão ngư Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng, mỗi ngư dân làng biển Hòn Rớ luôn coi việc chia sẻ thông tin, giúp BĐBP nắm bắt tình hình để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển thực sự là bổn phận mà họ luôn thấy vui, tự hào mỗi khi tham gia. Ông Phúc kể: “9 giờ đêm một ngày cuối tháng 11, giữa mùa mưa năm ngoái, từ Trạm KSBP Hòn Rớ, Thượng úy Giang gọi cho tôi thông báo, tàu cá của ngư dân Dương Minh Lý (trong làng) đang đi qua vùng biển Bãi Dài (thành phố Cam Ranh) thì có một thuyền viên rơi xuống biển. Biển đang động rất mạnh nên lo sợ người bị nạn sẽ bị sóng dữ nhấn chìm. Thượng úy Giang nhờ tôi và một số ngư dân cao tuổi trong làng cùng các anh đến hỗ trợ cho gia đình chủ tàu.

Còn Trạm trưởng Giang, sau khi điện thoại nhanh về đồn báo cáo với Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Nha Trang để huy động các lực lượng tìm kiếm ngư dân, anh cùng đồng đội huy động nhiều lão ngư cao niên trong làng đến ngay gia đình chủ tàu để trao đổi tình hình, trấn an người dân. Vừa nghe tin con tàu của chồng mình có người bị nạn, chị Nguyễn Thị Thủy, vợ của anh Lý như người mất hồn, ngất đi và ngã quỵ xuống nền nhà.

“Đó là một cú sốc lớn bởi một tàu cá đi biển mà có người chết, mất tích, gia đình chủ tàu có khi phải bỏ nghề chứ khó cất đầu lên được. Chưa nói, phải đền bù cho gia đình người bị nạn, bởi họ đã mất đi lao động chính, nguồn nuôi sống cả nhà” - Ông Phúc giải thích.

Suốt đêm đó, những người lính Trạm KSBP Hòn Rớ đã ngồi lại, kiên nhẫn trò chuyện, động viên gia đình. Những lời tâm sự, khuyên giải, sự quan tâm, lo lắng hết sức chu đáo của các chiến sĩ Biên phòng Hòn Rớ đã giúp chị Thủy dần bình tâm. Đêm khuya đi qua trong sự lo âu và dường như đã hết hy vọng. Khoảng 2 giờ 30 phút sáng hôm ấy, cuộc điện thoại từ Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa cho biết, một tàu tuần tra của Hải quân Vùng 4 tiếp nhận đề nghị cứu nạn của BĐBP Khánh Hòa, đã tổ chức tìm kiếm và cứu vớt được ngư dân này trong tình cảnh đã kiệt sức. Giữa đêm khuya, làng biển Hòn Rớ như vỡ òa. Mọi người đã ôm chầm lấy các chiến sĩ Biên phòng mà khóc trong sự mừng vui, xúc động. Đó là một trong rất nhiều những câu chuyện về người lính Biên phòng nơi vùng đất này đã sát cánh, hỗ trợ nhân dân trong cuộc làm ăn.

Còn người Trạm trưởng Trạm KSBP Hòn Rớ thì hồn hậu tâm sự: “Với chúng tôi, nếu có nhiều đêm thức trắng mà giúp bà con bình yên trong cuộc bám biển mưu sinh, chúng tôi cũng sẵn sàng”.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/diem-tua-cua-nguoi-dan-xom-bien-hon-ro/