'Điểm tựa' của người dân trong thiên tai

Ở khu vực biên giới, BĐBP đã trở thành 'điểm tựa' của mỗi người dân khi gặp phải thiên tai (TT), địch họa. Nói vậy là bởi những chiến sĩ quân hàm xanh luôn có mặt đầu tiên, hỗ trợ, giúp đỡ người dân ứng phó với tai ương và khắc phục hậu quả. Những người lính Biên phòng cũng là niềm hy vọng cho rất nhiều người dân khi họ đã cận kề hiểm nguy.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh, BĐBP Quảng Nam phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn giúp người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Hồng Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tam Thanh, BĐBP Quảng Nam phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn giúp người dân di dời đến nơi an toàn. Ảnh: Hồng Anh

Người đầu tiên tôi nghĩ tới là các anh Biên phòng

Đó là chia sẻ của anh Phan Văn Cường ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với chúng tôi khi kể lại câu chuyện suýt mất mạng trên biển hồi đầu năm 2019. Các anh Biên phòng mà anh Cường nhắc tới là những người lính ở Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây, BĐBP Thừa Thiên Huế.

Anh Cường vẫn nhớ như in trận giông lốc hãi hùng đó: “Sáng sớm hôm đó, biển động quá. Khi đi qua cửa lạch thì sóng lớn dồn dập khiến chiếc ghe của tôi chao đảo chực lật. Tôi vội gọi điện bảo vợ cầu cứu đồn Biên phòng. Sau đó, tôi bị sóng quất va vào mạn ghe, rơi xuống biển. Tôi cố gắng ngoi lên, đu được vào thành ghe. Thời gian trôi đằng đẵng, từng con sóng phủ chùm lên như muốn nhấn chìm ghe xuống. Có một số ghe thuyền đi qua, nhìn thấy tình cảnh của tôi như vậy nhưng không thể nào tới cứu được. Hàng chục năm làm nghề biển rồi, tôi chưa khi nào rơi vào tình huống nguy hiểm như thế. Tôi từng nghĩ có lẽ sẽ mất mạng”.

Những người đi trên ghe thuyền ở gần đó chứng kiến cảnh anh Cường đu bám vào ghe, mặc cho trồi lên, chìm xuống theo từng cơn sóng biển đều nghĩ anh không thể sống nổi. Thế rồi, tia hy vọng nhen lên khi những bóng áo xanh xuất hiện. “Các anh Biên phòng tới rất đông. Nhìn thấy thuyền của BĐBP, tôi tự nhủ thế là mình sống rồi" - Anh Cường kể.

Lao vào bão tố, sóng cả để cứu dân

Thực tế là trong những giờ phút sinh tử, khi chẳng may gặp giông lốc, rủi ro do TT, những ngư dân như anh Cường đều nghĩ tới những người lính Biên phòng đầu tiên. Bởi, BĐBP đã trở thành “điểm tựa” của ngư dân khi xảy ra TT. Niềm tin của ngư dân đối với BĐBP được xây dựng, bồi đắp từ những lần họ lao vào nguy hiểm cứu dân mà không mảy may đắn đo, suy tính thiệt hơn.

Một người lính Biên phòng đã từng tâm sự với tôi rằng, chưa khi nào anh phải cân nhắc hay đắn đo khi đi cứu dân, dù rằng lúc dân cầu cứu thường là thời điểm sóng to, gió lớn và hiểm nguy nhất. Thế nhưng sự can trường, tinh thần hết lòng vì dân đã giúp những người lính Biên phòng vượt lên tất cả để lao mình vào đêm tối, gió mưa mịt mùng tìm kiếm, cứu nạn.

Trong đợt mưa lũ kỷ lục tại miền Trung tháng 10 vừa qua, nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ bị ảnh hưởng nặng nề, nhà cửa bị cuốn trôi, hư hỏng... Một số đơn vị Biên phòng bị hư hỏng, thậm chí, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cha Lo (BĐBP Quảng Bình) bị sập đổ, Đồn Biên phòng A Xan (BĐBP Quảng Nam), Đồn Biên phòng Rơ Long (BĐBP Kon Tum) bị lún, nứt. Ước tính thiệt hại tài sản do TT gây ra đối với các đơn vị BĐBP khoảng trên 50 tỷ đồng. Dù vậy, vượt lên trên tất cả, BĐBP vẫn luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, giúp đỡ, hỗ trợ người dân trước tiên. Họ luôn là những người có mặt đầu tiên tại các điểm ngập sâu, dầm mình trong mưa lớn để di dời, ứng cứu người dân tới nơi an toàn.

Cũng chính những người lính Biên phòng đã lao mình vào bão tố, sóng cả để cứu hộ tàu thuyền gặp nạn trên biển, như vụ cứu tàu Công Thành 27 với 11 thuyền viên tại cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên Huế); tàu Thanh Thành Đạt 55 với 11 người, Viet Ship 01 với 12 người trên vùng biển Quảng Trị. Đặc biệt, trong các vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Trạm Kiểm lâm tiểu khu 67, Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quảng Trị) và xã Trà Leng, huyện Nam Trà My và xã Phước Sơn, huyện Phước Lộc, tỉnh Quảng Nam, BĐBP đã tích cực tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, dù nguy hiểm luôn cận kề.

Trước khi bão lũ ập đến, những người lính Biên phòng còn đón cả người dân về đơn vị tránh trú bão, chăm lo từng bữa ăn, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân như người thân của mình. Theo thống kê của Bộ Tư lệnh BĐBP, chỉ tính riêng tháng 10, trên hai tuyến biên giới, vùng biển đảo đã xảy ra 111 vụ TT, làm chết, mất tích 103 người; bị thương 32 người; chìm, hư hỏng 133 phương tiện; trôi dạt, mắc cạn 12 phương tiện; cháy 7 phương tiện, 2 nhà dân.

Ngoài ra, TT đã làm sập, tốc mái, hư hỏng khoảng 6.000 nhà dân bị ngập lụt, hư hỏng; nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; sạt lở hàng triệu khối đất, đá gây ách tắc giao thông các tuyến đường liên xã, liên huyện và đường tuần tra biên giới (Lai Châu, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam...).

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Hòa, BĐBP Phú Yên giúp dân kéo ghe thuyền bị gió bão số 9 nhấn chìm ở đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phương Oanh

Trước tình hình đó, BĐBP các tỉnh đã điều động 17.478 lượt cán bộ, chiến sĩ, 748 lượt phương tiện phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng huy động 40 phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả TT. Đồng thời, phối hợp với địa phương di dời 28.856 hộ/125.164 khẩu tới nơi an toàn, đưa 734 phương tiện nhỏ lên bờ, chằng chống, gia cố 1.967 nhà; hỗ trợ 1.587 người dân vào các đơn vị tránh bão; thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 215.340 lượt phương tiện/990.303 lượt người biết hướng di chuyển của bão số 6,7,8,9 để vòng tránh.

Sứ giả bảo vệ môi trường

Thực thi công tác phòng chống TT, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thảm họa, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ở khu vực biên giới - một trong những nhiệm vụ quy định trong Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, từ lâu đã được những người lính Biên phòng luôn dốc sức, dốc lòng thực hiện không ngoài mục đích giúp người dân ứng phó hiệu quả với TT và giảm thiểu thiệt hại do TT gây ra.

Với những cách tiếp cận khác nhau, những người lính Biên phòng đã nghĩ ra những mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế để bảo vệ môi trường - một biện pháp gián tiếp phòng ngừa, giảm thiểu TT. Có thể kể đến mô hình “Ngày chủ nhật xanh” - ngày mà những người lính quân hàm xanh dành để vệ sinh môi trường bãi biển, vận động, nhắc nhở người dân cùng giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp trên các bãi biển.

Hay như mô hình “Kế hoạch nhỏ, để trái đất sạch hơn”, với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên sẽ thu gom, phân loại các sản phẩm từ nhựa, rác thải tái chế, túi nilon sau khi đã qua sử dụng vào nhà mô hình tại các điểm quy định nhằm bảo vệ môi trường. Đó còn là mô hình đầy ý nghĩa “Ngôi nhà xanh” - một sáng kiến gom lại các vỏ chai nhựa, lon bia, nước ngọt đã dùng, túi nilon của đơn vị và các hàng quán dọc bãi biển để ở một chỗ, sau đó đem bán. Số tiền thu được sẽ được dùng để hỗ trợ cho các em nhỏ gia đình nghèo mà hiếu học trên địa bàn. Đó còn là những vụ cứu hộ động vật hoang dã, thả chúng về môi trường tự nhiên...

Những việc làm cụ thể của người lính Biên phòng không chỉ có giá trị về vật chất mà còn lan tỏa yêu thương, có ý nghĩa tạo động lực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do TT gây ra.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-cua-nguoi-dan-trong-thien-tai-post434902.html