Điểm tựa của đồng bào Rơ Măm

Rơ Măm là một trong 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người, sinh sống chủ yếu ở làng Le, xã Mô Rai (Sa Thầy, Kon Tum).

Những năm qua, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15 đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp góp phần bảo tồn, phát triển dân tộc Rơ Măm cả về chất lượng dân số, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đồng bào nơi đây quan niệm: “Nếu như trước đây, điểm tựa của người Rơ Măm là núi rừng thì nay là Đoàn KT-QP 78”.

Xua đuổi cái đói

Chúng tôi đến Đoàn KT-QP 78 đúng lúc mặt trời gác núi. Ánh hoàng hôn rọi chiếu xuống những rừng cây xanh mướt và từng tốp công nhân, đồng bào các dân tộc đi làm về tíu tít trò chuyện, tạo nên bức tranh đẹp, ấm áp nơi vùng biên cương. Đón chúng tôi ngay sảnh nhà chỉ huy, Trung tá Nguyễn Chí Kiên, Chính ủy Đoàn KT-QP 78 hồ hởi nói: “Biết các anh đi đường xa nhưng chúng ta xuống làng luôn, gặp đồng bào Rơ Măm thì giờ này là thích hợp nhất”. Xe đưa chúng tôi đến làng Le, nơi sinh sống của đồng bào Rơ Măm. Trên xe, Trung tá Nguyễn Chí Kiên cho biết: "Làng Le hiện có 178 hộ với 543 nhân khẩu người Rơ Măm. Trước đây, gần như 100% đồng bào Rơ Măm trồng trọt trên rẫy theo quy trình sản xuất thô sơ phát, đốt, chọc, trỉa và các hoạt động săn bắt, hái lượm. Ngay sau khi thành lập, Đoàn KT-QP 78 xác định đồng bào Rơ Măm là lực lượng quần chúng đặc biệt, phải tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả thì các anh cứ nghe đồng bào Rơ Măm nói cho khách quan”. Trung tá Nguyễn Chí Kiên dừng câu chuyện cũng vừa lúc chúng tôi đến nhà ông A Dói.

Ông A Dói là người uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm. Từng chứng kiến những thăng trầm, vui buồn của đồng bào Rơ Măm, ông kể: "Người Rơ Măm trước đây không chỉ du canh không đâu mà còn du cư nữa. Vì thế, khi về làng Le, xã Mô Rai, ai cũng nghĩ ở một thời gian, đốt hết rẫy rồi lại đi. Nhưng Đoàn KT-QP 78 đã giữ chân người Rơ Măm ở lại xây dựng đời sống mới. Bộ đội bám làng, bám dân kiên trì vận động bà con không du canh, đốt rừng nữa; khai sáng nhận thức, tư tưởng của bà con để ai cũng hiểu muốn có năng suất cao thì phải phát triển sản xuất theo mô hình trang trại; kết hợp trồng trọt với chăn nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Rồi hỗ trợ bà con cây giống, con giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm đất, tu sửa kênh mương, khai hoang, phục hóa ruộng lúa nước, bao tiêu một số sản phẩm... giúp đồng bào Rơ Măm đuổi cái đói ra khỏi làng và từng bước xóa nghèo".

Hiện làng Le chỉ còn 31 hộ nghèo và đang vươn lên để thoát nghèo trong những năm tới. Nhiều hộ làm kinh tế giỏi, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, như: Gia đình A Khải, A Thái, A Chấp, A Thu, A Glôi... Sau này, khi trò chuyện với họ, chúng tôi mới biết những người làm kinh tế giỏi ở làng Le đều có nhận thức cao và học được phương pháp canh tác công nghiệp, khoa học từ Đoàn KT-QP 78.

Đội cồng chiêng làng Le luyện tập chuẩn bị đón Tết cổ truyền với Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78.

Đội cồng chiêng làng Le luyện tập chuẩn bị đón Tết cổ truyền với Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 78.

"Đánh thức" cồng chiêng

Câu chuyện với ông A Dói đang sôi nổi thì tiếng cồng chiêng cất lên mê hoặc, lôi cuốn chúng tôi. Ông A Dói nói: “Đội cồng chiêng làng Le đang luyện tập ở nhà rông để đón Tết cổ truyền của dân tộc với Đoàn KT-QP 78 đấy. Vui lắm, chút nữa già cũng lên đấy”. Đúng như ông A Dói chia sẻ, khi đến nhà rông, chúng tôi chứng kiến không khí rất rộn ràng. Đội cồng chiêng dưới sự chỉ huy của Đội trưởng A Toa say sưa luyện tập các bài nhạc dành cho lễ hội, còn các cô gái Rơ Măm với trang phục truyền thống nhảy những điệu xoang quyến rũ. “Trước đây, người Rơ Măm không ăn Tết Nguyên đán và chỉ đánh cồng chiêng trong các lễ hội chọc tỉa, cúng mừng lúa lên đòng, cúng lúa mới, bỏ mả... Mặc dù làng có rất nhiều chiêng nhưng cuộc sống du cư, du canh và những khó khăn về kinh tế đã làm cho tiếng chiêng thưa dần. Rất may được cấp ủy, chính quyền địa phương và Đoàn KT-QP 78 hỗ trợ khôi phục lại các lễ hội, truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, mỗi khi Tết đến, xuân về, Đoàn KT-QP 78 đến tặng làng thịt lợn, gạo nếp, hướng dẫn bà con gói bánh chưng, tổ chức ăn Tết cổ truyền, đánh cồng chiêng và cùng nhảy chung một điệu xoang thắm tình quân dân. Hoạt động đó góp phần đánh thức những chiếc chiêng ngủ quên của người Rơ Măm chúng tôi”, anh A Toa chia sẻ với chúng tôi khi đội cồng chiêng nghỉ giải lao.

Chị Y Doan, Chi ủy viên, Trưởng ban Mặt trận thôn cũng có mặt động viên đội cồng chiêng luyện tập và trò chuyện cởi mở: “Ngày trước, người Rơ Măm nhiều hủ tục lạc hậu lắm, ảnh hưởng đến nòi giống và sự phát triển kinh tế-xã hội. Bây giờ thì không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nữa. Trai gái tự do tìm hiểu, yêu đương, xây dựng gia đình, con cái sinh ra khỏe mạnh. Cũng không còn ai mổ bò, mổ lợn và mời thầy mo về cúng khi đau ốm nữa mà đến các cơ sở y tế, nhất là trạm xá quân dân y của Đoàn KT-QP 78 để khám, điều trị. Từ nhiều năm nay, người Rơ Măm đã biết ăn chín, uống sôi, biết phòng các loại dịch bệnh; không chôn tài sản theo người chết và không làm lễ bỏ mả nhiều ngày tốn kém...”.

Cũng theo chị Y Doan, kết quả đó có công rất lớn của Đoàn KT-QP 78. Với một thái độ trọng dân, gần dân và giúp đỡ dân một cách trong sáng, Đoàn KT-QP 78 đã triển khai nhiều cách làm, mô hình dân vận hiệu quả như: Tổ chức kết nghĩa giữa làng Le với các đội sản xuất và gắn kết hộ giữa hộ người Rơ Măm với các dân tộc khác của đơn vị; giúp làng Le củng cố chi bộ, phát huy vai trò đội ngũ đảng viên trong tuyên truyền, vận động nhân dân; hỗ trợ kinh phí, ngày công xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Rơ Măm; tặng quà đồng bào lúc giáp hạt khó khăn, thiên tai tàn phá, trao chăn ấm tặng người nghèo; vận động, hỗ trợ các cháu đến trường theo đội tuổi... Những vui buồn của người Rơ Măm đều có bộ đội Đoàn KT-QP 78 chia sẻ nên bà con tin và nghe theo bộ đội xây dựng đời sống văn hóa mới.

Những cư dân Rơ Măm của đơn vị

Đó là cách gọi vui của lãnh đạo Đoàn KT-QP 78 dành cho 25 gia đình đồng bào Rơ Măm đang làm việc tại đơn vị, nhưng nó mang lại nhiều ý nghĩa lớn trong bảo tồn, phát triển dân tộc Rơ Măm. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78, những gia đình Rơ Măm khi vào làm công nhân cho đơn vị sẽ có rất nhiều thuận lợi phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Mặc dù năng suất lao động của đồng bào Rơ Măm thường thấp hơn dân tộc khác nhưng đảng ủy, chỉ huy đoàn vẫn chủ trương hy sinh những lợi ích kinh tế, vận động được càng nhiều đồng bào Rơ Măm vào làm công nhân càng tốt. Các gia đình như: Y Vác (Phòng Kỹ thuật-Công nghệ), A Biên (Đội sản xuất số 4), A Tói, A Hoan, A Thiên (Đội sản xuất số 10), Y Nhíp (Đội sản xuất số 11)... kinh tế ngày càng vững, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc đã chứng minh cho sự đúng đắn của chủ trương này.

Người đầu tiên chúng tôi gặp trong số cư dân Rơ Măm của Đoàn KT-QP 78 là chị Y Vác, nhân viên Phòng Kỹ thuật-Công nghệ, với tác phong nhanh nhẹn, ứng xử tinh tế, suy nghĩ chín chắn so với tuổi 26 của chị. Y Vác tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum năm 2016, là một trong những người hiếm hoi của đồng bào Rơ Măm có trình độ cao đẳng, đại học. Theo Y Vác, điều làm chị hạnh phúc nhất và thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư tưởng, cuộc sống là từ ngày được Đoàn KT-QP 78 nhận vào làm việc. “Ở môi trường quân đội, tôi không chỉ được lãnh đạo, chỉ huy các cấp và đồng đội hướng dẫn để tinh thông chuyên môn nghiệp vụ mà còn có cơ hội học tập, rèn luyện tính kỷ luật, tác phong làm việc khoa học, lối sống văn hóa... giúp tôi trưởng thành từng ngày”, Y Vác chia sẻ và mong các bạn trẻ người Rơ Măm tận dụng tốt cơ hội, chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của Đoàn KT-QP 78 để học tập, lập thân lập nghiệp; không tự ti hoặc nản chí, trông chờ ỷ lại.

Khi chúng tôi hỏi vợ chồng A Hoan và Y Đỏi, có thâm niên gần 10 năm làm công nhân tại Đoàn KT-QP 78: “Nếu cho chọn lại, các bạn có chọn làm công nhân Đoàn KT-QP 78 không?”. A Hoan nhìn vợ và các con nở nụ cười hạnh phúc rồi nói: “Đoàn KT-QP 78 không chỉ cho gia đình tôi cuộc sống ngày hôm nay mà cả tương lai sau này. Vì vậy, nếu chọn lại một trăm lần tôi vẫn chọn làm công nhân của đơn vị”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/diem-tua-cua-dong-bao-ro-mam-652054