Điểm tựa cho những gia đình liệt sĩ

'Bố mẹ ơi, anh Hoàn đã về!', ông Vũ Ngọc Toàn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định thắp nén hương trầm lên bàn thờ gia tiên, nghẹn ngào khấn. Người mà ông Toàn nhắc đến là liệt sĩ Vũ Ngọc Hoàn, nguyên chiến sĩ Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, hy sinh ở mặt trận Nam Lào.

Tận tâm, tận lực hỗ trợ các gia đình liệt sĩ

“Bố, mẹ tôi lúc còn sống luôn đau đáu một ước mơ là đưa anh Hoàn trở về với quê hương, được ôm anh Hoàn (dẫu chỉ là một nắm xương) vào trong lòng. Trước khi về với tổ tiên, bố, mẹ tôi đều dõi mắt nhìn ra ngoài cửa. Hơn 40 năm trôi qua từ ngày anh Hoàn lên đường chiến đấu, đến hôm nay, nhờ Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (GĐLS) tỉnh Sơn La mà chúng tôi có thông tin và đưa anh trai về quê. Tuy muộn màng nhưng chúng tôi thấy nhẹ lòng và hạnh phúc vì đã làm tròn ước mơ của bố, mẹ”, ông Toàn nức nở nói.

Nước mắt, hạnh phúc và sự cảm động, lòng biết ơn vô bờ bến là những điều chúng tôi cảm nhận được ở các gia đình thân nhân liệt sĩ khi được Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La hỗ trợ về mọi mặt trong các hành trình đưa liệt sĩ trở về quê hương. Anh Cầm Văn Tiệp, ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, con trai Liệt sĩ Cầm Văn Nánh (hy sinh ở chiến trường Vị Xuyên), bùi ngùi chia sẻ:

- Gia đình đi tìm và được biết bố đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Thế nhưng, nguyện vọng đưa bố về với quê hương mãi không thực hiện được một phần do hoàn cảnh quá khó khăn thiếu thốn về kinh phí và phần do không biết phải làm những thủ tục để đưa được bố về. Khi được người thân giới thiệu, chúng tôi đã liên lạc và được sự giúp đỡ tận tình về cả vật chất và tinh thần của các chú, các bác ở Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La nên gia đình mới có ngày đoàn tụ hôm nay.

 Cất bốc hài cốt liệt sĩ Vũ Ngọc Hoàn từ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 về quê nhà huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Cất bốc hài cốt liệt sĩ Vũ Ngọc Hoàn từ Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 về quê nhà huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Tiếng lành đồn xa, khi Liệt sĩ Cầm Văn Nánh trở về quê hương, thân nhân gia đình Liệt sĩ Đinh Văn Hải (hy sinh trong chiến tranh biên giới, được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vị Xuyên) ở xã Tường Thượng, huyện Phù Yên cũng ngỏ lời và được Ban liên lạc Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La, giúp đỡ cất bốc, tổ chức truy điệu, cải táng Liệt sĩ Đinh Văn Hải ở quê nhà cho các con cháu và thân nhân gia đình tiện việc chăm sóc phần mộ và thờ cúng.

Mới thành lập từ năm 2018, đến nay, Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La đã hỗ trợ đưa 3 liệt sĩ về quê nhà và cung cấp nhiều thông tin giá trị về mộ chí tới GĐLS. Cựu chiến binh, Đại tá Trần Phi Hùng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La, thành viên Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La chia sẻ:

- Trong chiến tranh, những người lính chúng tôi cùng chia từng vắt cơm, miếng nước trong lửa đạn. Có những đồng đội, vừa ngồi với nhau tâm sự mà chỉ vài giây sau đã mãi mãi nằm xuống để chúng tôi được sống, được tận hưởng tháng năm hòa bình, quây quần bên gia đình và con cái. Ơn nghĩa ấy trong lòng những người còn sống không bao giờ quên. Chính vì vậy, chúng tôi luôn thấy mình có trách nhiệm phải hết lòng hết sức đưa các anh trở về đoàn tụ với gia đình, với quê hương.

Ký ức không phai

Tình đồng chí, đồng đội trong chiến tranh luôn là dòng ký ức không phai trong trái tim CCB, thương binh 4/4 Bùi Minh Thuyên nguyên là chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, (nay là Chi hội trưởng chi hội hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La). Ông Thuyên nhớ lại:

- Tối 24-3-1971, tôi được lệnh cùng với chiến sĩ Lê Nguyên Soái quê Hà Nam đón bộ phận hậu cần của đại đội để đưa về vị trí tập kết cho trận đánh bốt địch ở cầu Cha Ki (gần Bản Đông (Nam Lào)). 9 giờ sáng ngày 25-3 thì về tới hậu cứ. Lúc đó, chúng tôi gặp Tiểu đoàn trưởng Phùng Đình Cảnh, 2 tay hai khẩu súng ngắn hớt hải đi từ chỗ đóng quân của bộ phận hậu cần đi xuống. Gặp chúng tôi, ông giao nhiệm vụ, “hai đồng chí lên gặp đồng chí Ngọt (phó đại đội trưởng phụ trách bộ phận hậu cần) ngay, cố gắng không để địch tràn xuống”.

Đến nơi, đồng chí Ngọt thông tin nhanh, địch vừa đổ một đại đội quân trên đỉnh đồi cao. Phía dưới chân đồi bên kia gần khe suối lại là vị trí bệnh viện dã chiến của Trung đoàn. Địa hình nơi đây gồm 2 quả đồi cỏ gianh, le, nứa, trúc um tùm được nối nhau bằng yên ngựa. Nếu địch tràn qua yên ngựa, đi chéo xuống đúng nơi bệnh viện thì rất nguy hiểm cho các y, bác sĩ cũng như các thương bệnh binh của mặt trận đang được cứu chữa tại đây. Thuyên và Soái được lệnh kìm chân địch. Ông Thuyên kể tiếp:

- Chúng tôi nhanh chóng cơ động và lợi dụng cây cối um tùm che khuất để phục kích địch. Một lúc sau bọn địch tràn xuống và tôi quan sát thấy có 3 thằng đang cầm dao phát cây mở lối. Lập tức tôi và Soái nổ súng. Tên đi trước ngã gục. Bọn đằng sau hốt hoảng la ó, bắn trả vu vơ lại. Địch không dám tiến lên. Chúng tôi vẫn nằm im phục kích. Đột nhiên khói ở đâu bỗng bay đến mù mịt. Địch đánh dấu để cho hỏa lực chi viện. Ngay lập tức, tôi và Soái lợi dụng rừng cây rậm rạp, bò lên áp sát địch để tránh hỏa lực. Tuy gần địch, nhưng chúng tôi không nổ súng để cho địch hoang mang không dám tràn xuống vì không biết rõ lực lượng của ta.

Đến hơn 2 giờ chiều, Thuyên cùng Soái quyết định tấn công địch lần nữa để tìm đường rút. Trong lúc nổ súng, bỗng Soái hô to: “Cẩn thận!”. Vừa dứt câu, một tiếng nổ chát chúa vang lên. Thuyên cảm thấy tê dại ở tay, khẩu AK rơi xuống đất. Biết mình bị thương do lựu đạn địch ném lại, Thuyên nhìn sang bên thì thấy Soái cũng bị thương, máu chảy đầy mặt. Nén đau, Thuyên lấy băng băng kín mặt cho Soái. Rồi hai người bị thương dìu nhau lách rừng rút xuống chân đồi.

Ông Thuyên kể tiếp: Về sau được điều trị tôi mới biết, Soái bị mảnh đạn bằng hạt thóc cắt đúng động mạch. Tôi thì bị một mảnh ghim vào mông, một xuyên đế giầy ghim vào gan bàn chân, và một vào tay. Nếu không có Soái dìu, tôi cũng khó có thể về được hậu cứ. Sau đó, tôi được đưa về tuyến sau chữa trị, Soái ở lại tiếp tục chiến đấu. Khi vết thương lành và trở lại chiến trường, tôi nhận được hung tin Soái bị thương và bị hi sinh vì B52 đánh đúng đội phẫu thuật.

Hội tụ những tấm lòng

Chiến tranh đã cướp đi hàng chục, hàng trăm người đồng đội của ông Thuyên. Hòa bình lập lại, ông day dứt trong nỗi đau của những người bố, mẹ chờ trông con, vợ chờ chồng. Nhiều người còn tốn tiền cho thầy bói, thầy tâm linh để tìm kiếm liệt sĩ. Ông nhận thấy, đã từng chiến đấu trên chiến hào, chỉ có những đồng đội là hiểu rõ ai nằm ở đâu và được chôn cất như thế nào? Lời Bác Hồ dạy về tình đồng chí, đồng đội; về lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ và trách nhiệm của xã hội đối với gia đình liệt sĩ đã hình thành trong ông một mệnh lệnh không lời.

CCB Bùi Minh Thuyên (thứ hai từ phải sang) đại diện Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La trao tiền hỗ trợ giúp gia đình liệt sĩ gặp khó khăn xây nhà tình nghĩa.

Thế là đầu những năm 2000, bằng tiền lương hưu ít ỏi, ông Thuyên bắt đầu hành trình tri ân tìm kiếm thông tin liệt sĩ cho các gia đình. Noi gương ông, các cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh Sơn La cùng chung tay góp sức để tạo sức sống cho hoạt động tri ân và Chi hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh Sơn La trực thuộc Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt nam ra đời với mục tiêu chung tay góp sức hỗ trợ đưa liệt sĩ trở về khi gia đình liệt sĩ đề nghị; Tổ chức các hành trình về nguồn, thăm chiến trường xưa; hỗ trợ xây tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình thân nhân gia đình liệt sĩ gặp khó khăn trong cuộc sống. CCB Bùi Minh Thuyên tâm sự:

- Nhờ sự chung tay góp sức của mọi người, tôi đã về Quảng Trị, sang bên Lào xác định được mộ chí và nhờ Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam giúp đỡ xét nghiệm ADN và xác định được danh tính cho 5 liệt sĩ. Thông tin và kết quả xét nghiệm được gửi về gia đình thân nhân liệt sĩ. Mừng nhất là tôi đã tìm được và trả lại tên cho Liệt sĩ Lê Nguyên Soái hiện đang an nghỉ tại 12, khu 14, lô 14 Nghĩa trang Liệt sĩ đường 9.

Mỗi ước nguyện của gia đình liệt sĩ được hoàn thành là một niềm hạnh phúc vô bờ bến trong trái tim của các thành viên Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Sơn La. Đặc biệt hơn, có nhiều gia đình gợi ý “tặng quà” cá nhân, nhưng các thành viên đều từ chối vì cho rằng, nếu nhận “quà” sẽ thành thông lệ xấu ảnh hưởng đến tư tưởng vì đồng đội, vì gia đình liệt sĩ của chính mình và các hội viên.

Bài, ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thong-tin-liet-si/ket-qua/diem-tua-cho-nhung-gia-dinh-liet-si-588959