Điểm tên những hiệu sách cũ... thách thức thời gian ở Sài Gòn

Mặc các hiệu sách mới dần chiếm ưu thế, các cửa hiệu sách cũ vẫn khiêm tốn tồn tại mặc thời gian phủ bụi trên những trang giấy đã ố màu. Vì sách cũ, có một vị trí riêng.

Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu qua một số tiệm sách quen thuộc ở Sài Gòn với người mua sách, như một nhắc nhớ cho những ai yêu sách, muốn thưởng thức cái mùi xưa cũ của sách, của giấy, và trên hết, của thời gian.

Sài Gòn rộng lớn bây giờ, trên các cung đường ta qua, dễ bắt gặp những nhà sách lớn có thương hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc, chiếm lĩnh vị trí đắc địa trên những con đường đông đúc. Mừng chứ, người Sài Gòn vốn hào phóng, sẵn sàng dành hầu bao cho những cuốn sách ưa thích. Nhưng bên cạnh những nhà sách lớn với hàng hà sa số đầu sách mới cùng những dịch vụ tiện ích đi kèm, nếu nhớ tiếc những gì xưa cũ, ta vẫn bắt gặp đâu đó, những hiệu sách cũ với diện tích khiêm tốn và cũ mèm như bảng hiệu lâu thay của nó, kiên gan tồn tại cùng thời gian.

Sài Gòn rộng lớn bây giờ, trên các cung đường ta qua, dễ bắt gặp những nhà sách lớn có thương hiệu khắp trong Nam ngoài Bắc, chiếm lĩnh vị trí đắc địa trên những con đường đông đúc. Mừng chứ, người Sài Gòn vốn hào phóng, sẵn sàng dành hầu bao cho những cuốn sách ưa thích. Nhưng bên cạnh những nhà sách lớn với hàng hà sa số đầu sách mới cùng những dịch vụ tiện ích đi kèm, nếu nhớ tiếc những gì xưa cũ, ta vẫn bắt gặp đâu đó, những hiệu sách cũ với diện tích khiêm tốn và cũ mèm như bảng hiệu lâu thay của nó, kiên gan tồn tại cùng thời gian.

Chừng hơn 10 năm trước khi ta có nhu cầu mua sách cũ, có thể dong xe đảo qua những con đường là thủ phủ của các tiệm sách cũ như Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Trần Nhân Tôn (quận 5), Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)... thì hiện nay, các tiệm sách cũ dần vắng bóng theo thời gian. Nơi đường Nguyễn Thái Sơn chỉ còn duy nhất một tiệm sách cũ mà bà chủ tiệm trung niên dành thời gian nhiều cho việc xem phim hơn là bán sách vì ít khách đảo qua, đường Nguyễn Thị Minh Khai chỉ còn hai hiệu sách cũ. Khá khẩm hơn, là đường Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu.

Tiệm sách cũ mang tên Sách cũ tổng hợp 160 trên đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận. Đúng như tên gọi của tiệm, nơi đây là hàng hà sa số những sách đủ mọi thể loại, từ văn học đến lịch sử, từ điển hay triết học, ngoại ngữ hay văn hóa... Ngoài những đầu sách cũ xuất bản gần đây, tiệm có cả sách trước 1975. Người mua nếu quen với chủ tiệm, sẽ được nghe những trao đổi về sách rất thú vị với sự am tường của vợ chồng chủ tiệm tuổi chừng 70. Mà các chủ tiệm bán sách cũ, hầu như ai cũng thế, hỏi sách gì, tác giả nào hay năm xuất bản là có thể kể ra vanh vách như chính họ là một pho từ điển sống về sách vậy.

Lợi thế của tiệm ở chỗ đây cũng là nhà riêng nên không phải thuê mặt bằng. Vợ chồng chủ tiệm vốn là giáo viên về hưu, yêu sách cũ và theo nghề bán sách từ năm 1986. Đường Trần Huy Liệu một thời là con đường sách cũ với nhiều hiệu sách, nhưng qua thời gian, tiền thuê mặt bằng ngày một tăng, các tiệm sách cũ trên con đường này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như hiệu sách Thiên Thanh, nhà sách Tín Nghĩa, cửa hàng 190 Trần Huy Liệu...

Hiện nay, đường Trần Nhân Tôn, quận 5 là con đường còn nhiều tiệm sách cũ nhất của Sài Gòn. Ngoài cửa hàng sách Tấn Phương (số 29) còn nhiều tiệm sách cũ khác như sách cũ Minh, sách cũ Phước Hậu, sách cũ Khải Vinh... Riêng hiệu sách Tấn Phương có mặt ở đây từ năm 1999, chủ tiệm nối nghiệp bán sách từ cha mẹ khi gia đình còn bán sách ở con đường sách Đặng Thị Nhu, quận 1. Sách liên tục được mua vào hoặc bán ra nên chủ tiệm phải để sách tràn cả xuống nền nhà. Bù lại khi bạn cần mua sách nào, chủ tiệm có thể tìm cho bạn ngay nếu có.

Người mua sách cũ tự do hoặc đứng, hoặc ngồi bao lâu tùy thích để tìm cuốn sách mình cần. Ngoài bán sách tại tiệm, chủ sách cũng đã tiếp cận rộng rãi người mua qua Facebook được 3 năm nay và tỏ ra là người bán hàng rất có duyên nên có nhiều khách mối. Nguồn sách của các tiệm ở đây chủ yếu từ những người thu mua ve chai, sách các gia đình hoặc thư viện thanh lý. Với những sách bao cấp giấy đen, giá cả rất phải chăng. Những đầu sách cũ hiếm trước 1975 hầu như tiệm sách cũ nào trên cung đường này cũng đều có. Tuy nhiên vì quý hiếm, giá trị về nội dung cũng như nhu cầu sưu tầm của nhà chơi sách nên giá khá cao, có những bộ sách được bán vài triệu đồng là việc rất bình thường.

Nằm trên Đường sách TP.HCM góc đường Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Bình, khu sách cũ được ra đời chưa lâu với các tiệm sách cũ góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn cho độc giả khi đến đường sách. Điểm ưu thế của các tiệm sách cũ là không gian thoáng mát, nằm trên cung đường sách, tiệm sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ, đầu sách phong phú nên thu hút lượng lớn người mua tìm đến chọn sách.

Đến với Đường sách TP.HCM chủ yếu là độc giả trẻ. Nhưng khu sách cũ ở đây vẫn đón một lượng lớn độc giả tìm đến, bởi một trong những ưu thế của sách cũ lại chính là ở độc giả của nó, những trí thức, những người người từ tuổi trung niên trở lên. Vì thế ta sẽ không lạ gì khi bắt gặp những hình ảnh như trong hình với cụ già cẩn thận lật giở từng trang sách cũ vừa để xem nội dung, vừa như nhớ một thời kỷ niệm đã qua với sách cũ sờn mép, giấy đen.

Nếu như khoảng 10 năm trước, đường Nguyễn Thị Minh Khai khu vực gần vòng xoay ngã Sáu cho đến Bệnh viện Từ Dũ tập trung nhiều tiệm sách cũ, thì nay chỉ còn lác đác các tiệm Quang Huy, cửa hàng sách 470. Là một trong những tiệm còn bám trụ lại nơi đây, cửa hàng sách 470, quận 3 thu hút người mua ở sự phong phú thể loại sách cùng sự sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp các thể loại sách theo từng chủ đề. Nhờ đó người mua dễ dàng tìm được mảng sách yêu thích. Giá bán của tiệm khá hợp túi tiền, chủ tiệm lại thường giảm giá cho những khách quen.

Sách cũ không như đa phần hàng hóa thông thường càng để lâu càng mất giá. Ngược lại, sách cũ càng cũ xưa về mặt thời gian, càng ít về mặt số lượng lại càng quý hiếm và có giá cao. Có thể làm một minh chứng giản đơn cho giá trị của sách cũ qua 3 đầu sách được mua tại cửa hàng sách 470. Trong hình là bộ 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi) in năm 1994, giá 100.000 đồng, cuốn Sưu tập Nguyễn Thái Bình (Huỳnh Ngọc Trảng, Cao Tự Thanh) in năm 1984 giá 70.000 đồng. Nhưng bộ Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) in năm 1971 giá tới 800.000 đồng. Lần giở những trang sách cũ, dù giấy có thể đen, có thể nhám, chữ khó đọc, gáy long hay bìa sờn mép nhưng lại có cái thú riêng của nó, không chỉ từ giá trị nội dung, mà dấu thời gian cũng in đọng trên đó.

Trần Đình Ba

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/diem-ten-nhung-hieu-sach-cu-thach-thuc-thoi-gian-o-sai-gon-post998868.html