Điểm sáng xây dựng 'xã hội học tập' trên cao nguyên Bắc Hà

Qua 5 năm triển khai Đề án 'Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015-2020', xã vùng cao Tà Chải (Bắc Hà - Lào Cai) được ghi nhận là 'điểm sáng' trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tại đây ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập” tiêu biểu được vinh danh.

Bà con Na Lang sẵn sàng chia sẻ cách làm ăn, chăm sóc mận, phát triển kinh tế gia đình.

Xây dựng mô hình học tập

Những năm qua, Tà Chải đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như: duy trì đạt chuẩn phổ cập tiểu học, xóa mù chữ; phổ cập THCS; GDMN đúng độ tuổi. Các danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập hàng năm được duy trì và tăng lên đáng kể. Năm 2019, số hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình học tập” của xã tăng 1,8% so với năm 2018; cộng đồng thôn bản học tập, đơn vị học tập duy trì 100%; hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn huyện, được công nhận đơn vị xuất sắc của tỉnh, của huyện.

Tà Chải cũng duy trì, giữ vững danh hiệu “cộng đồng học tập” cấp xã được công nhận năm 2016.

Ông Mai Quang Huy, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bắc Hà, cho biết: “Tà Chải là xã vùng II, có 771 hộ, 3.097 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em cùng chung sống ở 6 thôn, bản. Nơi đây đang có những bước đi vững chắc trong xây dựng “Cộng đồng học tập cấp xã giai đoạn 2016-2020”, với việc xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có vị trí quan trọng, cần ưu tiên trước nhất, nhằm góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đặc biệt khi địa phương đang chú trọng phát huy nội lực, chung tay duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã chuẩn nông thôn mới đã đạt được từ năm 2014 và “hiện thực hóa” mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.

Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Tà Chải, ông Vàng Đình Vi, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tà Chải, cho biết: Xã luôn xác định, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh hay yếu gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, Tà Chải chú trọng xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho cả giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quán triệt, học tập đến đảng viên trong chi bộ; đưa tiêu chí “xây dựng mô hình học tập” vào việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chi bộ, thôn bản, nhờ đó phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, được bà con hưởng ứng, tham gia tích cực, tự giác.

Trưởng thôn Na Lang Lâm Văn Bình chia sẻ về những nỗ lực trong xây dựng cộng đồng học tập tại thôn.

Tiêu biểu có thể kể đến các thôn “kiểu mẫu” như Na Lang với 129 hộ, 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, “điển hình’ trong xây dựng “cộng đồng học tập”; Na Thá, điển hình xây dựng các “dòng họ học tập”.

Kênh kết nối hiệu quả

Đến thăm thôn kiểu mẫu Na Lang đúng lúc bà con người Tày đang xây kè, góp sức gia cố đoạn đường cạnh sân nhà họp thôn, tiếng loa truyền thanh vang vọng trên nóc nhà văn hóa thôn- chương trình thời sự của Trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thông huyện Bắc Hà.

Trưởng thôn Na Lang, ông Lâm Văn Bình cho biết: “Đây là kênh hữu hiệu để bà con Na Lang nắm được tin tức thời sự trong tỉnh, trong nước và của huyện nhà, nhất là chương trình phổ biến kiến thức, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nông hộ hiệu quả… Chính vì thế, thôn thường mở loa vào các buổi sáng, trưa, tối, thời điểm phát sóng thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh Lào Cai và Trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thông huyện. Giờ đây, tiếng loa truyền thanh cơ sở đã thành quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống đồng bào quê tôi”.

Theo chia sẻ của Trưởng thôn Lâm Văn Bình và Bí thư Chi bộ thôn Na Lang Đào Trọng Đề, mặc dù thôn có tới 10 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, nhưng người dân lại đoàn kết và có ý thức trách nhiệm cao với các công việc của thôn, xóm.

Theo rà soát đánh giá mới đây, Na Lang có 129 hộ thì có tới 117 hộ đạt “gia đình học tập”, trong đó có nhiều hộ tiêu biểu, như Trần Ngọc Hà, Giàng Seo Giả, Lương Minh Điện, Lâm Văn Sử... Vui nhất là sự học của con em địa phương đã được bà con quan tâm, nhờ đó, thôn không có tình trạng trẻ nghỉ học giữa chừng. Với người lớn thì học tập, bảo ban nhau cách làm ăn, chăm sóc vườn mận, trồng rau, bảo vệ môi trường… Cùng với xây dựng nông thôn mới, đến nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo.

Hội Khuyến học xã Tà Chải hiện có 6 chi hội thôn bản, 4 Ban khuyến học do xã quản lý, 2 ban khuyến học dòng họ học tập với tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt trên 25% dân số toàn xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng intenet đạt trên 90%. Những năm qua, Hội Khuyến học xã Tà Chải đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực như: Xây dựng quỹ hội, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học... Hội Khuyến học xã cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo để “xã hội hóa” nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến học.

Theo thống kê, 5 năm qua, Quỹ khuyến học cấp xã của Tà Chải luôn duy trì 120-150 triệu đồng đồng, quỹ các chi hội thôn, bản duy trì 65-70 triệu đồng... Tất cả quỹ vận động được hàng năm đều sử dụng vào việc trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, chăm ngoan học giỏi, khen thưởng hội viên sản xuất giỏi chân chính, nhất là gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu, xuất sắc trên địa bàn, qua đó tạo “sức bật” để xây dựng phong trào ‘xã hội học tập’ địa phương ngày càng phát triển vững chắc.

Khuất Linh

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/diem-sang-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-tren-cao-nguyen-bac-ha-post32247.html