Điểm sáng về quản lý bệnh không lây nhiễm

Với 50% số bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện (BV) là người cao tuổi (NCT), BV Đa khoa Đống Đa đã có những phòng khám chuyên về các bệnh không lây nhiễm mà người già hay mắc như tiểu đường, huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Được tư vấn chữa bệnh, lập hồ sơ theo dõi và tham gia vào các câu lạc bộ bệnh không lây nhiễm, mô hình này tại BV đã mang lại sự hài lòng của nhiều bệnh nhân.

Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân tại phòng khám tiểu đường. Ảnh: Trần Nga

Chăm sóc như bác sĩ tư

Không phải vất vả bon chen xếp hàng lấy số khám hay chờ đợi hàng giờ để lấy máu xét nghiệm, bà Châu Thị Hối (phường Thổ Quan, Đống Đa) đến phòng khám tiểu đường theo lịch hẹn từ một tháng trước đó để kiểm tra tình hình bệnh. Lấy máu xét nghiệm tại phòng khám, trong lúc chờ đợi kết quả bà Hối được các bác sĩ tư vấn thông tin về chế độ ăn uống, tập luyện với căn bệnh tiểu đường.

Mất chưa đầy 2 tiếng trong một buổi sáng, bà ra về với tâm trạng phấn chấn. Bà tâm sự, tháng nào bà cũng theo lịch hẹn đến BV để kiểm tra, kết quả mỗi lần khám đều được lưu lại tại hồ sơ, nên bác sĩ nắm rõ tiến triển bệnh của bà và đưa ra lời khuyên phù hợp ở mỗi giai đoạn. “Chúng tôi có bảo hiểm y tế chi trả, lại được các bác sĩ chăm sóc tận tình như bác sĩ tư thì tội gì phải đi đâu” – bà Hối chia sẻ.
Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh Nguyễn Hải Phương cho biết, BV có 3 phòng khám riêng cho các bệnh không lây nhiễm ở NCT là phòng khám tiểu đường, phòng khám huyết áp và phòng khám COPD. Trung bình một ngày, mỗi phòng khám tiếp nhận khám và tư vấn cho 90 – 100 bệnh nhân, những đợt cao điểm lên tới 120 bệnh nhân/ngày.

“Bệnh nhân sau khi khám ban đầu tại Khoa Khám bệnh nếu mắc các bệnh trên sẽ được đưa về các phòng khám chuyên sâu. Tại đây, bệnh nhân sẽ được lập hồ sơ theo dõi, được lên lịch khám đều đặn hàng tháng, được các bác sĩ theo dõi sát sao và tối thiểu một năm một lần sẽ được chuyển đi khám chuyên khoa răng hàm mặt hoặc mắt để đề phòng biến chứng” – Điều dưỡng Nguyễn Hải Phương cho hay. Tính đến nay, BV đang quản lý 2.300 hồ sơ bệnh nhân tiểu đường, 2.000 hồ sơ bệnh nhân huyết áp, 370 hồ sơ bệnh nhân mắc COPD.
Hướng đến chăm sóc toàn diện
Không chỉ được quản lý về sức khỏe, tại mỗi phòng khám đều hình thành một câu lạc bộ với thành viên là những NCT có hồ sơ được quản lý tại phòng khám. Đều đặn mỗi tháng, các CLB sẽ luân phiên sinh hoạt. Tại đây, NCT được trò chuyện với các chuyên gia đầu ngành về bệnh của mình, được giao lưu văn nghệ, tư vấn dinh dưỡng…

Tham gia CLB COPD đã 3 năm nay, ông Lê Trưởng Thành (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) chia sẻ, mỗi năm chỉ mất 100.000 đồng, nhưng ông thu nạp được nhiều kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe bản thân. “Đi khám mà gặp ai ngồi chờ cũng quen, đến các bác sĩ cũng “nhẵn mặt” mình, tuổi già lại có thêm nhiều bạn già chia sẻ, thêm niềm vui” – ông Thành chia sẻ.
Giám đốc BV đa khoa Đống Đa Lê Hưng cho biết, phát triển các mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm là phù hợp với mô hình bệnh hiện nay. Đặc biệt, với các phòng khám này, khi phát hiện những biến chứng hoặc mắc nhiều bệnh phức tạp trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được chuyển lên điều trị chuyên sâu tại Khoa Lão của BV.

Theo TS Lê Hưng, các bác sĩ và điều dưỡng tại các phòng khám chuyên thường xuyên được đào tạo tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt đội ngũ cán bộ này luôn được nhắc nhở chú ý đến thái độ tiếp đón người bệnh là NCT. Thời gian tới, BV sẽ chuyển hồ sơ quản lý trên giấy thành hồ sơ điện tử để cả bác sĩ và bệnh nhân tiện theo dõi, đồng thời xây dựng lịch hẹn khám chữa bệnh theo giờ để giảm thiểu tối đa thời gian chờ đợi của bệnh nhân.

Hà Ngân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/diem-sang-ve-quan-ly-benh-khong-lay-nhiem-323716.html