Điểm sáng từ một phòng khám nhân đạo

Trong một lần đi chữa bệnh tại Phòng khám nhân đạo kênh 7 (thị trấn Tân Hiệp, Kiên Giang), tôi không chỉ được chữa trị tận tình từ đội ngũ y, bác sĩ tình nguyện nơi đây, mà còn được chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh, những bài học về nghị lực sống vượt lên nghịch cảnh.

Phòng khám nhân đạo kênh 7 là địa chỉ được hàng ngàn bệnh nhân khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long tìm đến để mong được chữa trị các bệnh về xương khớp, cột sống lưng, cột sống cổ, đặc biệt là phục hồi cho bệnh nhân sau tai biến. Trong thanh âm tĩnh lặng của phòng khám, thỉnh thoảng tôi nghe từng bước chân nặng nề, sột soạt kéo lê trên mặt sân, nhích từng bước của một số bệnh nhân để đi đến từng phòng y học cổ truyền. Đó là các bệnh nhân sau tai biến, sau tai nạn giao thông bị chấn thương cột sống, gây tê liệt chân, tay đến chữa trị, với mong ước được mạnh khỏe, trở lại đời sống bình thường.

Nhiều bệnh nhân tai biến, đa chấn thương nỗ lực đi chữa trị tại phòng khám.

Trong số các bệnh nhân, người gây ấn tượng nhất với tôi là một thanh niên còn rất trẻ ,một mình đi trị bệnh, tự đi đến nhà ăn, tự giặt giũ trong khi việc tự đứng trên 2 chân còn rất khó khăn và 1 tay đã bị co quắp. Chàng thanh niên tên là Thế Anh (quê ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) tâm sự: “Em bị bệnh đã 4 năm. Trước khi bị tai nạn giao thông, em có rất nhiều ước mơ. Em làm nghề đóng la-phông trần nhà, rong ruổi khắp nơi với mong muốn tích cóp tiền nuôi các em ăn học và dành dụm tiền để cưới vợ. Vậy mà, trong buổi chiều trên đường đi làm về, em bị 2 thanh niên say rượu tông thẳng vào xe rồi bỏ chạy. Đến khi tỉnh lại, em mới biết mình bị chấn thương sọ não, sống thực vật hơn 1 năm. Từ đó, trong em là sự bàng hoàng, chấn động, hỗn loạn cảm xúc, muốn rút ngay ống thở để kết liễu đời mình”. Lặng đi, rồi Thế Anh kể tiếp: “Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt em đã không ngưng được nhưng đâu bằng sự xót xa, đau đớn của 2 đấng sinh thành. Họ đã không ngại tuổi cao sức yếu, làm thuê, mướn từng ngày, chắc chiu từng đồng để nuôi em ở bệnh viện. Những đồng tiền ít ỏi ấy cạn dần, cha, mẹ đành đưa em về nhà. Từ người khỏe mạnh, giờ phải nằm một chỗ, trở thành gánh nặng cho gia đình, đây là mặc cảm lớn nhất trong em. Trong nỗi đau thân thể, uất hận với số phận bất hạnh, trầm cảm lâu ngày nên em luôn nghĩ tiêu cực. Thế nhưng, mỗi khi nhìn thấy từng con kiến, con gián còn ham sống, biết bao người sống đời thực vật không cất nỗi mình trong bệnh viện em suy nghĩ lại. Quên nỗi đau hiện thực, em lang thang trên các trang mạng và gặp những tấm gương người khuyết tật như: Nick Vujic, cô gái xương thủy tinh… để rồi từ đó bước chân xuống giường tập đi, tập đứng”.

Những ngày đầu trị bệnh, Thế Anh được người nhà chăm sóc. Do thời gian phục hồi quá lâu, người nhà không đi làm được nên đành đưa Thế Anh trở về nhà. Trong nỗi khát khao không muốn là người khuyết tật, gánh nặng cả đời cho gia đình, Thế Anh đã mạnh dạn tự đi chữa trị một mình. Trong số tiền ít ỏi, em đã ưu tiên đóng tiền viện phí (đã được giảm 80%), cơm ăn, nước uống đều sử dụng tại bếp ăn nhân đạo của phòng khám. Ngày ngày, dù trong nỗi đau của xương khớp ngày càng cứng nhắc, những vết thương của vụ tai nạn còn nhức nhối, Thế Anh vẫn chăm chỉ làm các môn y học cổ truyển, phục hồi chức năng, đến khi hết tiền thì về nhà, được ai giúp tiền thì tiếp tục lên phòng khám điều trị. “Dù gặp nhiều khó khăn trong đi đứng, sinh hoạt nhưng mỗi ngày em đều cố gắng tự mình mặc quần áo, giặt quần áo, ăn, uống. Em tự nhủ, mình phải thật mạnh mẽ, không được ỷ lại vào gia đình. Đã sống trong cảnh bệnh tật này hơn 4 năm và bệnh tình ngày càng tiến triển, em nghĩ mình đã may mắn hơn rất nhiều người, bản thân sẽ không đầu hàng số phận, một ngày nào đó em sẽ đứng vững trên đôi chân của mình và sẽ kiếm được tiền để nuôi sống bản thân”- Thế Anh tỏ rõ sự quyết tâm.

Tại phòng khám còn biết bao mảnh đời bất hạnh. Đó là cậu thiếu niên 16 tuổi nuôi anh trai tai biến 22 tuổi; người vợ 70 tuổi nuôi chồng tai biến 75 tuổi; ông bác 81 tuổi 1 mình đi trị bệnh; những phụ nữ tảo tần lao động quên mình vì gia đình nay lớn tuổi mắc nhiều chứng bệnh xương khớp… mới thấy được trong họ bao nỗi khát khao sống, nghị lực vượt lên chính mình để thực hiện ước mơ thật giản dị, đó là có một sức khỏe thật tốt để vui sống.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/diem-sang-tu-mot-phong-kham-nhan-dao-a233951.html