Điểm sáng trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Để thúc đẩy việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4, TP Thanh Hóa đã xác định rõ nội dung trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Qua đánh giá, TP Thanh Hóa là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong cung cấp, sử dụng DVCTT.

Công chức bộ phận “một cửa” phường Điện Biên hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, tại bộ phận “một cửa” thành phố đang cung cấp 41 thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện DVCTT mức độ 3 và 70 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 4; tại bộ phận “một cửa” UBND các xã, phường đang cung cấp 9 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 3 và 32 TTHC thực hiện DVCTT mức độ 4. Tất cả các TTHC đã được tích hợp với Cổng thông tin điện tử của tỉnh để công bố, công khai, phục vụ nhu cầu khai thác, giao dịch trực tuyến và tra cứu thông tin của người dân, doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT, đặc biệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 1-4-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng liên quan bám nắm tình hình tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính thông qua phần mềm dịch vụ hành chính công, phần mềm phản ánh, kiến nghị để tổng hợp thông tin hằng ngày, giải quyết kịp thời những yếu tố phát sinh. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ ý nghĩa và tích cực sử dụng DVCTT. Tại các điểm giao dịch, ngoài pano, áp phích tuyên truyền, tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch sẽ được giới thiệu, hướng dẫn cách thức sử dụng. Thành phố cũng công khai hóa kịp thời các TTHC trên Cổng thông tin điện tử thành phố và trang thông tin điện tử các phường, xã; đặt đường linhk liên kết đến Cổng dịch vụ công của tỉnh để tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu và giao dịch hành chính.

Công tác hiện đại hóa nền hành chính được thành phố quan tâm đầu tư. Hệ thống phần mềm ứng dụng, các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chuyên môn tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Hệ thống các phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc được triển khai cho tất cả UBND các phường, xã. Phần mềm đã được tích hợp chữ ký số chuyên dùng, đã kết nối, liên thông với UBND thành phố và giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh với nhau để gửi, nhận, trao đổi thông tin, văn bản trên môi trường mạng. Trên cơ sở phần mềm “một cửa” điện tử đã được Sở Thông tin và Truyền thông chuyển giao, UBND TP Thanh Hóa triển khai bộ phần mềm hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung cho bộ phận “một cửa” điện tử các cấp và tiếp tục triển khai cho 34/34 phường, xã, bảo đảm các đơn vị đều được triển khai hệ thống “một cửa” điện tử đồng bộ để cung cấp dịch vụ công đến người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Với nhiều giải pháp đồng bộ, kết quả thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của TP Thanh Hóa đạt cả về số lượng, chất lượng và tương đối đồng bộ trên các lĩnh vực, số TTHC không xuất hiện hồ sơ luôn ở mức thấp. Năm 2020, thành phố tiếp nhận và giải quyết 3.414 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 126 hồ sơ trực tuyến mức độ 4, vượt kế hoạch tỉnh giao. Quý I - 2021, thành phố đã tiếp nhận 4.445 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 3.282 hồ sơ trực tuyến mức độ 4.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, các phường, xã đã có nhiều nỗ lực trong việc cung cấp DVCTT. Riêng quý I-2021, trong tổng số 4.445 hồ sơ đã tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3 của toàn thành phố, cấp xã, phường đã tiếp nhận và giải quyết 3.016 hồ sơ; trong tổng số 3.282 hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 4, cấp xã, phường đã tiếp nhận và giải quyết 2.933 hồ sơ. Tại phường Điện Biên, việc cung cấp DVCTT mức độ 3 và 4 được thực hiện từ tháng 9-2020 và kết quả đạt được tương đối cao. Từ tháng 9-2020 đến hết tháng 3-2021, phường đã tiếp nhận và giải quyết 724 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4. Đạt được kết quả này, chị Nguyễn Thị Trang, công chức văn phòng - thống kê phường Điện Biên cho biết: “Rất nhiều người dân còn chưa biết đến tiện ích của việc sử dụng DVCTT. Vì thế, để thúc đẩy việc sử dụng, phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Cùng với đó, khi tổ chức, cá nhân đến giải quyết TTHC tại bộ phận “một cửa”, chúng tôi tăng cường hướng dẫn để họ làm quen. Sau khi được hướng dẫn và tạo tài khoản cá nhân, những lần tiếp theo công dân sẽ không đến bộ phận “một cửa” để giải quyết TTHC nữa mà có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi miễn là có kết nối internet”.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu 100% DVCTT phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được thực hiện ở mức độ 3; 75 - 90% DVCTT được thực hiện ở mức độ 4 và được tích hợp đầy đủ lên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, TP Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: Tố Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/diem-sang-trong-cung-cap-va-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen/134286.htm