Điểm sáng nhân văn trong du lịch Việt

Không chỉ đem đến cho người đi niềm vui, những giờ phút thư giãn, giúp mang lại kiến thức, trải nghiệm về văn hóa, địa danh mà còn có thể mang lại niềm vui, sự sẻ chia cho nhiều người khác trong chuyến đi, du lịch kết hợp hoạt động từ thiện đang trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn.

Đón đầu mùa khai giảng và tết Trung thu 2018, Tết Nguyên Đán 2019, hàng loạt chương trình du lịch kết hợp hoạt động mới đang được rục rịch triển khai như hành trình qua các cung đường Đông – Tây Bắc gồm Mù Cang Chải – Sapa– Điểm trường Hang Đá, Hà Giang– Điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú Thái An, Điện Biên – Trường Phổ thông dân tộc bán trú số 2 xã Na Tông - Sơn La, Thái Nguyên – Cao Bằng…

Theo đó, du khách sẽ tham gia trao quà tặng, tổ chức các hoạt động vừa học vừa chơi tại một điểm trường khó khăn và kết hợp khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên vùng miền, tìm hiểu văn hóa địa phương. Đây cũng là các tour du lịch nhiều ý nghĩa được kỳ vọng sẽ phát triển, lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng.

Để đến được các điểm khó khăn, du khách phải vượt qua nhiều cung đường cheo leo trên vách núi

Thực tế, vài năm gần đây, khá nhiều tour du lịch trải nghiệm, phám phá văn hóa bản địa kết hợp hoạt động từ thiện, hỗ trợ trẻ em vùng cao vào mỗi mùa thu đông được tổ chức tương đối đều đặn.

Việc những đoàn du khách đủ mọi lứa tuổi tíu tít tập trung chia bánh, sữa, kẹo vào từng túi riêng, các bạn trẻ chuyền tay nhau từng thùng thực phẩm, quần áo ấm, chăn bông… tập kết vào khoảng trống trong sân ngôi trường lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với hướng dẫn viên tham gia các hành trình du lịch kết hợp từ thiện trong chương trình “Áo ấm cho em”.

Tặng quà cho các em nhỏ vùng cao là một phần trong hành trình du lịch từ thiện

Với chương trình “Áo ấm cho em”, thông thường, Ban tổ chức sẽ phải đi khảo sát tiền trạm để tìm ra điểm trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh nhưng vẫn có thể đảm bảo được phương thức di chuyển an toàn cho các thành viên trong đoàn cùng quà tặng. Các điểm này còn phải được cơ quan chức năng như ban lãnh đạo nhà trường, UBND huyện, xã cho phép tổ chức chương trình.

Do tính chất đặc thù nên các chương trình du lịch từ thiện được tập trung triển khai tại một số vùng khó khăn như Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên… Vì tổ chức tại các tỉnh, huyện còn nhiều khó khăn nên đường sá đi lại, cơ sở hạ tầng tại đây còn rất nhiều hạn chế.

Áo ấm cho em - một trong số các chương trình du lịch thiện nguyện được duy trì đều đặn nhiều năm nay

Đối với người dân bản địa, phát triển du lịch đồng nghĩa với việc có thêm công ăn việc làm, có nguồn thu nhập thoát nghèo, các em nhỏ phần nào được quan tâm hơn trong việc ăn uống, học hành. Đối với người đi, chuyến trải nghiệm tại miền cao sẽ giúp họ hiểu hơn cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc, từ đó có hành động chia sẻ thiết thực với cộng đồng, tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.

Thế nên, dù việc thực hiện các chương trình này không dễ dàng, đơn vị vẫn đều đặn được triển khai. Sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn du khách có tấm lòng thiện nguyện mỗi năm là động lực cho người làm chương trình. Tất nhiên, về phía đơn vị lữ hành cũng cần có nhiều phương thức vận động, khuyến khích du khách như hỗ trợ 100% chi phí đi lại, vận chuyển quà tặng, trích 500.000 đồng/khách/tour ủng hộ quỹ quà tặng cho học sinh khó khăn…

N.H - H.A

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/diem-sang-nhan-van-trong-du-lich-viet-502674/