Điểm sáng ngành mía đường

Từ một doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, chỉ sau một thời gian ngắn vào cuộc tái cơ cấu, Công ty Mua bán nợ Việt Nam đã vực dậy một thường hiệu cho ngành mía đường - Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, góp phần đổi mới bộ mặt kinh tế địa phương. Thành quả đó được ghi nhận bằng sự kiện ngày 16/10/2012 cổ phiếu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán…

Chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2008, sau khi được Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ, một “chiếc áo mới” đã được khoác lên Công ty Mía đường Sơn La (SLS), sau nhiều năm thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Đó là sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để trong mô hình hoạt động, phương thức sản xuất kinh doanh và đội ngũ nhân lực từ cán bộ quản lý đến công nhân viên Công ty đã tạo nên những bước đột phá, góp phần cải thiện đời sống người lao động, tạo bộ mặt mới cho phát triển kinh tế địa phương.

Theo phương án tái cơ cấu của DATC, SLS phải trả nợ cho DATC trong vòng 5 năm. Nhưng với quyết tâm cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo và toàn thể nhân viên Công ty, chỉ sau 2 năm SLS đã trả nợ hết cho DATC, về đích trước 3 năm.

Đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động theo mô hình mới, SLS cho thấy: Tốc độ phát triển khá bền vững (doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ chia cổ tức cho các cổ đông, thu nhập cho người lao động, nộp ngân sách nhà nước ngày càng tăng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gần 5 nghìn hộ nông dân trồng mía và gần 400 công nhân lao động trong Công ty; sản lượng mía đường ngày một tăng. Hàng năm, Công ty đều chú trọng đầu tư cho vùng mía nguyên liệu, đến niên vụ 2012/2013 Công ty đã trồng được 4.500 ha, năng suất mía bình quân đạt 70 tấn/ha... Trong 6 tháng đầu năm của niên vụ 2011/2012 đã đạt trên 500 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt trên 60 tỷ đồng và tính chung trong 9 tháng đầu năm SLS ước đạt 580 tỷ đồng doanh thu, 81 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ 68 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 509 tỷ đồng doanh thu và 39,1 tỷ đồng lợi nhuận. Sản lượng mía đường ngày một tăng.

Có thể nói, SLS đã từng rất khó khăn, từ một DN thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, sau khi có sự hỗ trợ của DATC trong việc chuyển nợ thành vốn góp và trở thành cổ đông chi phối, SLS dần trở lại quỹ đạo phát triển. Bằng chính sách đầu tư hợp lý, hiệu quả trong những năm qua, mỗi năm Công ty đã đầu tư gần 100 tỷ đồng cho các hộ dân trồng mía bao gồm mía giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vôi bột, hỗ trợ cày đất... Do địa hình tại Sơn La thường xuyên bị mưa lũ, hàng năm Công ty đã phối hợp với các địa phương, các hộ trồng mía đầu tư hàng tỷ đồng để cải tạo đường giao thông vùng mía tập trung vào các tuyến trọng yếu, đảm bảo cho xe vận chuyển mía được an toàn và giúp cho các hộ dân đi lại thuận lợi hơn. Năm 2011, phối hợp cùng với DATC, SLS đã tài trợ 5,3 tỷ đồng để xây dựng một trường Trung học cơ sở tại xã Cò Nòi, tạo điều kiện cho con em các hộ trồng mía có ngôi trường khang trang, sạch đẹp...

Từ những chủ trương, chính sách đầu tư cho vùng mía nguyên liệu hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người trồng mía với Công ty nên đến nay vùng mía nguyên liệu của SLS phát triển rất ổn định, về trước đích quy hoạch phát triển vùng mía đến năm 2020 của tỉnh Sơn La. Song song với việc chú trọng đầu tư cho vùng mía nguyên liệu, mỗi năm đều được đầu tư hàng chục tỷ đồng để hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đưa công suất ép từ 1.500 tấn mía/năm lên 2.200 tấn mía/năm, tăng tỷ lệ thu hồi và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngày 16/10/2012 cổ phiếu SLS chính thức giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), khẳng định một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của SLS. Có thể nói rằng, trong thời điểm hiện nay không phải DN nào lên sàn cũng hấp dẫn, nhưng một khi DN dám lên sàn là họ đủ tự tin về giá trị thực, thế mạnh của mình để khẳng vị thế trên thị trường và nhà đầu tư. Tập thể lãnh đạo SLS nhận biết rất rõ những khó khăn của nền kinh tế, của thị trường chứng khoán hiện nay nói chung và của cộng đồng DN nói riêng. Tuy nhiên, SLS đủ tự tin để bước lên sàn vì đã hội tụ đủ các yếu tố cần thiết, đồng thời cũng để khẳng định sự trưởng thành, tự tin của mình, tìm kiếm cơ hội gọi vốn, mở rộng phát triển hơn nữa và cũng là góp phần tạo tính thanh khoản cho thị trường, nhân thêm cơ hội cho nhà đầu tư… Với cơ cấu cổ đông của SLS rất tập trung (DATC hiện sở hữu 47%, một nhà đầu tư tổ chức khác sở hữu 45%) nên giá cổ phiếu chắc chắn sẽ khá ổn định. Và điều quan trọng hơn là thị trường chứng khoán rồi sẽ ổn định và phát triển trở lại, lúc đó SLS sẽ là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư khi nhìn vào lợi nhuận từ việc chia cổ tức mang lại và lực đẩy của thị trường.

Lên sàn là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của SLS. Quyết định niêm yết của SLS trong thời gian khó này là thực hiện cam kết với các cổ đông về nỗ lực đưa Công ty hoạt động ngày càng có hiệu quả và minh bạch hơn. Đồng thời đây là là động lực để SLS ngày càng nâng cao năng lực quản trị công ty, chuyên nghiệp và minh bạch hóa các mặt hoạt động. Điều đó cũng là sự khẳng định SLS đang hoàn toàn chủ động hội nhập với nền kinh tế đang chuyển biến phát triển không ngừng.

Tình hình tài chính của SLS giai đoạn 2008-2012 (Triệu đồng)

Bài đăng trên Tài chính và Đầu tư số 10-2012

Phạm Ngọc Thảo - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Sơn La

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/diem-sang-nganh-mia-duong-23172.html