Điểm sáng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Những năm qua, việc phát triển, nhân rộng mô hình đội văn nghệ, câu lạc bộ (CLB) văn nghệ truyền thống tại các khu dân cư đã thu được nhiều hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, quảng bá hình ảnh Thủ đô đến đông đảo bạn bè quốc tế và hơn hết là xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, hình thành nếp sống văn minh của người dân.

Các điểm hẹn giao lưu văn minh, đặc sắc

Cứ mỗi buổi cuối tuần tại Nhà văn hóa tổ 8, tổ 9 phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thầy, trò CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam lại miệt mài cất cao tiếng hát dân ca truyền thống. Giữa cuộc sống thường nhật nhiều lo toan, vất vả, khi đến với một buổi sinh hoạt của CLB dường như mỗi người thấy tâm hồn mình lắng lại khi nghe những điệu hát dân ca thân thương.

Thầy và trò CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam lại miệt mài cất cao tiếng hát dân ca truyền thống vào mỗi Chủ nhật hàng tuần

Thầy và trò CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam lại miệt mài cất cao tiếng hát dân ca truyền thống vào mỗi Chủ nhật hàng tuần

Suốt 22 năm qua, nơi đây hội tụ đông đảo học viên theo học miễn phí từ già đến trẻ, có người chuyên nghiệp, có người không chuyên nghiệp có để trải lòng mình với tất cả tình yêu và đam mê những khúc ca của dân tộc.

Điều khiến nhiều người cảm thấy thú vị, đó là CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam lại ngày càng xuất hiện những thành viên hoạt động nghiêm túc, kỷ luật. Vượt hàng chục kilômét đến với lớp học mỗi ngày chủ nhật, anh Vũ Duy Đông ( xã Tân Xá, huyện Thạch Thất) hồ hởi: “Từ bé tôi đã có niềm yêu thích đặc biệt với các làn điệu dân ca cổ nên hay tìm tòi để nghe và học.

Tôi đăng ký và theo học tại câu lạc bộ được 5 năm, chủ nhật hằng tuần đều vượt 40 km đi học hát. Sau vài năm, giọng hát tôi đã được cải thiện nhiều. Quan trọng nhất đây là địa điểm để cho mọi người giao lưu, kết bạn, học hỏi lẫn nhau không phải ở đâu cũng có. Sau thời gian theo học ở đây tôi đang ấp ủ ý định sẽ tự mình thành lập một địa điểm như thế này tại chính địa phương mình sinh sống. Bởi quê tôi có nhiều anh chị em muốn theo học nhưng vì lớp học khá xa, nên không sắp xếp được thời gian”.

Bên cạnh nhạc dân ca, các loại hình như quan họ (CLB Quan họ Nhị Hà), ví dặm, hát xẩm,… cũng thu hút người dân hào hứng tham gia ngoài những giờ làm việc căng thẳng. Đặc biệt, Hà Nội được coi là cái nôi của nghệ thuật ca trù, do đó có hơn 10 CLB đang hoạt động vô cùng sôi nổi và khởi sắc.

Từ một đội ca trù có tính chất dòng họ, năm 2008, làng Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên) đã thành lập CLB hát ca trù và phát triển trong toàn thôn. Mỗi khi đến Chanh Thôn, từ cổng làng đã nghe rộn ràng tiếng trống, tiếng phách, tiếng luyến láy của các ca nương với giọng hát “vang, rền, nền, nảy”.

Theo bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB hát ca trù Chanh Thôn cho biết: “Ca trù Chanh thôn đã từng được nhận định là vật báu quốc gia và CLB đã đi vào hoạt động được hơn 10 năm đều đặn, bài bản và có quy chế tổ chức rõ ràng. Ca trù là một sinh hoạt dân gian từ đồng ruộng mà ra. Người đào hát gốc là nông dân một sương hai nắng, nên lời hát, điệu múa của họ là sự phản ánh cuộc sống làng quê chúng tôi.

Việc tham gia sinh hoạt chung CLB như vậy càng làm cho người dân trong làng có sự gắn kết với nhau, tạo môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư. Khơi dậy niềm tin, sự thi đua sáng tạo trong cộng đồng dân cư, phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của bà con.

Nhiều khi những làn điệu cũng dạy cho người ta “một điều nhịn là chín điều lành”, vì thế so với trước đây là tình trạng xô xát giữa láng giềng cũng giảm. Nếp sống văn minh ngày càng thâm nhập sâu vào đời sống, cho gia đình và mỗi cá nhân. Dân làng cùng nhau chung tay xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới và là tấm gương cho lớp trẻ noi theo. Hiện nay, CLB đã được trang bị đầy đủ nhạc cụ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật này”.

Nối dài tình yêu nghệ thuật truyền thống

Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, sự giao thoa về văn hóa bên cạnh góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cũng đặt ra nhiều thách thức.Nếu như trước đây, các bộ môn nghệ thuật truyền thống thiếu vắng người trẻ tiếp nối, kế thừa là thực tế đáng lo ngại thì giờ đây, nhiều CLB đã phát triển mạnh mẽ, là điểm đến hấp dẫn của thanh niên, thiếu niên không chuyên khao khát được tìm tòi, khám phá.

Vợ chồng anh Phạm Thanh Đoan và chị Lưu Xuân Ý (Khương Trung, Thanh Xuân) là một trong những học sinh xuất sắc của CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh Đoan cho biết, vợ chồng anh đều có niềm đam mê với dân ca ngay từ khi còn bé, chính những làn điệu dân ca là sợi dây kết nối giúp anh chị nên duyên vợ chồng.

Từ khi biết tới CLB anh chị đã tìm đến đây để theo học và cũng rất đỗi bất ngờ khi có nhiều bạn với tuổi đời còn rất trẻ cũng miệt mài tâp luyện học hát những làn điệu dân ca thuộc các thể loại như hát chèo, cải lương, dân ca Nam Bộ, dân ca Bắc bộ, dân ca Bình Trị Thiên, hát văn, hát xẩm...theo sự hướng dẫn của các NSƯT - Đài Tiếng nói Việt Nam truyền dạy.

Một số học viên sau thời gian sinh hoạt ở CLB đã trở thành sinh viên các trường nghệ thuật, cũng có những học viên qua các hội thi hát của CLB đã trở thành ca sĩ.Từ lòng say mê và qua thời gian tập luyện kiên trì, các bạn trẻ vượt qua sự ngượng nghịu ban đầu, dần nhuần nhuyễn những làn điệu chèo, dân ca quan họ và biểu diễn tự tin trên sân khấu. Đối với anh chị, niềm tự hào nhất của 2 anh chị chính là truyền được sự đam mê dân ca cổ cho hai cô con gái đang ở đội tuổi thanh thiếu niên của mình.

Không chỉ riêng CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam, ca trù vốn được nhận định là tương đối kén người nghe, nhưng cũng khá thành công khi thu hút được ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến như Bích đạo Câu quán (Cát Linh, Hà Đông), CLB Ca trù phường Xuân Đỉnh, CLB ca trù Hà Nội, CLB ca trù Thăng Long…

Hiện tại, CLB ca trù Chanh Thôn cũng là nơi có những ca nương hát hay, chuẩn giọng ca trù như ca nương trẻ Vũ Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Thu Hà và các hai ca nương nhí chỉ 9-10 tuổi rất có năng khiếu với loại hình nghệ thuật này.Nhờ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ca trù nên từ năm 2008 đến nay, trong các dịp liên hoan ca trù của Hà Nội và toàn quốc, CLB ca trù Chanh Thôn đều đoạt giải cao.

“Được sự ủng hộ của chính quyền xã, huyện và đón nhận của bà con nên việc chiêu sinh học viên lứa tuổi thiếu nhi của CLB cũng dễ dàng hơn nhất là trong những dịp hè. Tính đến nay cả học viên cũ và mới là gần 30 cháu chủ yếu trong độ tuổi 7-15 tuổi. Mỗi buổi tối thứ 5 và thứ 7, chúng tôi tập hợp các cháu lại để những nghệ nhân giảng dạy.

Trong tương lai chúng tôi cũng muốn mở rộng chiêu sinh ra các thôn khác nữa để phát hiện, nuôi dưỡng thế hệ kế cận đến với môn nghệ thuật cổ này để lớp trẻ có điều kiện thực hành di sản, quyết không để ca trù mai một”, bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB hát ca trù Chanh Thôn chia sẻ.

P.Ngân – L.Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/diem-sang-nang-cao-doi-song-tinh-than-cho-nguoi-dan-95005.html