Điểm sáng Ea H'leo

Là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đác Lắc, Ea H'leo đã vượt khó vươn lên, trở thành địa phương nằm trong tốp phát triển kinh tế hàng đầu, có nhiều đóng góp cho ngân sách của tỉnh. Đây cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng về tự nhiên và văn hóa để mời gọi đầu tư, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và lịch sử.

Văn hóa và phát triển

Một góc thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo.

Một góc thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo.

Đã lâu chúng tôi mới trở lại Ea H’leo, vùng đất căn cứ cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, để cảm nhận rõ ràng những đổi thay nơi đây. Thị trấn huyện lỵ Ea Đrăng đang được xây dựng khang trang, hiện đại; là những con đường trải thảm nhựa, đổ bê-tông kiên cố xuyên qua các đồng đất ba-dan cao nguyên, nối những phố thị với các buôn làng dân tộc, với những bạt ngàn cà-phê, cao-su, hồ tiêu. Nhìn vào số liệu thống kê về kinh tế - xã hội càng thấy rõ hơn sự chuyển biến mạnh mẽ của Ea H’leo khi mức tăng trưởng hằng năm liên tục đạt hơn 10%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ không ngừng tăng lên.

Ea H’leo là địa phương có diện tích cà-phê hàng đầu của Đác Lắc với 31 nghìn héc-ta, sản lượng đạt 69 nghìn tấn; có 14 nghìn héc-ta cao-su, sản lượng đạt 7.000 tấn; diện tích hồ tiêu là 2.450 ha, sản lượng 3.900 tấn. Mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Bên cạnh kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của Ea H’leo cũng có nhiều tiến bộ. Đến nay, toàn huyện có 21 trường học đạt chuẩn quốc gia; toàn bộ 12 xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 7% theo chuẩn nghèo mới năm 2015.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo Lê Thăng Long, trên địa bàn huyện có 26 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 41%. Toàn huyện có 11 xã, một thị trấn với 197 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó có 53 buôn của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Huyện đang triển khai đồng bộ, có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trung bình các xã đạt 12,2 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, một xã đã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X xác định đến năm 2020, quyết tâm xây dựng Ea H’leo trở thành vùng kinh tế động lực phía bắc của tỉnh Đác Lắc với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 11 đến 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 48 đến 49 triệu đồng/người/năm; đã có 6 xã đạt đủ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 50% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; phấn đấu có số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa hơn 80%; số thôn, buôn, cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hơn 70%...

Nhìn lại một chặng dường dài đã qua, có thể thấy vùng đất đỏ cao nguyên ba-dan Ea H’leo đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên thành điểm sáng của tỉnh Đác Lắc về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Thêm vui với Ea H’leo bởi cuộc sống của đồng bào nơi đây đang dần được nâng cao, mở rộng và hội nhập với các vùng miền cả nước và quốc tế.

Dẫn chúng tôi đi thăm, tìm hiểu thực tế, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phạm Văn Khôi cho biết: Cùng với sự phát triển kinh tế, lãnh đạo huyện đang rất quan tâm mời gọi đầu tư cho lĩnh vực du lịch - dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách. Là địa phương hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về tự nhiên và văn hóa, những năm qua, Ea H’leo chủ động tìm hướng khai thác, từng bước giới thiệu và quảng bá các thế mạnh, tiềm năng tới các nhà đầu tư. Với thảm thực vật phong phú, nhiều sông, suối, thác ghềnh cùng các di tích lịch sử cách mạng và sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, Ea H’leo có thể phát triển nhiều loại hình du lịch sinh thái, khám phá văn hóa lịch sử.

Một trong những điểm đầu tiên và chắc chắn cũng là mong muốn của nhiều khách du lịch, nhất là các cựu chiến binh khi đến Ea H’leo là khu di tích, nơi công bố quyết định thành lập Quân đoàn 3 và Sở Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chiếc xe ô-tô đưa chúng tôi qua trụ sở UBND xã Ea Tir rồi đi sâu vào phía đại ngàn, qua nhiều dốc đá, khe nước mới tới nơi. Khu di tích nằm giữa rừng cây với các cột mốc bê-tông đánh dấu những địa điểm hầm chiến đấu, nơi làm việc của các đơn vị thời xưa.

Theo anh Phạm Văn Khôi, nếu xuôi theo triền đồi khoảng hơn 1 km và băng qua suối lớn sẽ đến Sở Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên. Khu di tích mới được quy hoạch, gần như chưa có gì ngoài các dấu tích còn lại đang dần che mờ theo thời gian. Đứng trên mảnh đất lịch sử này mới có thể cảm nhận sự mênh mông rộng lớn và hùng vĩ của vùng đất phía tây của Tổ quốc, nơi được chọn làm địa điểm chỉ huy chiến dịch lịch sử mở đầu Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Có đến nơi đây, mới thấy được trách nhiệm phải giữ gìn những di tích lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng, giúp các thế hệ đi sau thêm tự hào và hiểu về những chiến công lịch sử của dân tộc.

Những ngày ở Ea H’leo, chúng tôi còn đến thăm đồi Gió và vùng phụ cận thuộc xã Dliê Yang rộng hơn 50 ha, nơi đang xây dựng nhà máy điện gió có công suất lớn nhất Việt Nam. Sau khi hoàn thành, nhà máy sẽ có 108 tua-bin với tổng công suất thiết kế 280 MW, sản lượng điện cung cấp hằng năm lên đến gần 2 tỷ kW/giờ. Nhiều thiết bị trong khu dự án đã được lắp đặt xong. Những cây cột điện khổng lồ vươn thẳng lên bầu trời, mang tua-bin và cánh quạt nặng hơn 15 tấn đón gió. Hy vọng trong thời gian không xa, nhà máy điện gió thân thiện với môi trường không chỉ hòa lưới điện quốc gia mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn của Ea H’leo. Một tiềm năng du lịch rất lớn đang rộng mở nơi đây, nếu chúng ta tổ chức khai thác tốt.

Khu bảo tồn sinh vật cảnh thông nước (thủy tùng) ở hồ Ea Ral cũng là một điểm đến hấp dẫn của Ea H’leo. Đoàn chúng tôi dừng xe cách Khu bảo tồn gần 1 km. Mọi người lội trên con đường đất đỏ trơn trượt, lần từng bước xuống đầm lầy, nơi những cây thông nước cổ thụ quý hiếm còn tồn tại. Gọi là thông nước vì chúng có ngoại hình giống cây thông, nhưng mọc dưới đầm lầy. Trên thế giới hiện chỉ có ba khu vực còn thủy tùng là Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Một trong hai điểm tại Việt Nam có quần thể cây thông nước chính là ở Ea H’leo. Để vào trong rừng xem cây, phải đi trên cầu dẫn bằng những tấm ván nổi trên mặt sình. Trong đầm có những cây thông nước cao đến hai chục mét, gốc cây lớn nhất phải bốn người ôm mới hết. Bên mỗi gốc cây lớn lại có thêm một chiếc lán lợp tạm bằng tôn, thưng ván chung quanh, sàn lát rộng chừng bốn mét vuông để cán bộ thay nhau ngày đêm trực bảo vệ cây. Những năm gần đây, Khu bảo tồn sinh vật cảnh thông nước của Ea H’leo nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu khoa học và những người yêu thiên nhiên trong nước và nước ngoài. Bên cạnh các điểm đến nêu trên, Ea H’leo còn có nhiều địa danh nổi tiếng khác như: thác Bảy Tầng, thác Mỏ Đen, Hồ Ea Đrăng…

Một đại diện doanh nghiệp du lịch đánh giá, trong tương lai gần, nếu được đầu tư và tổ chức khai thác tốt, những tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho Ea H’leo, góp phần nâng cao vị thế, đời sống văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được điều ấy còn cả một chặng đường hết sức gian nan phía trước, nhất là nguồn kinh phí đầu tư vào các hạng mục công trình. Xuất phát điểm của du lịch huyện hiện gần như từ con số không khi trên địa bàn chưa có hệ thống cơ sở lưu trú đạt chuẩn, các dịch vụ liên quan còn thiếu. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế quản lý cũng như sự đồng bộ trong quy hoạch và những chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp để thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực du lịch, mà trước mắt là sự tư vấn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành và tỉnh Đác Lắc...

Bài và ảnh: HỒNG CHIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37762302-diem-sang-ea-h%E2%80%99leo.html