Điểm sáng của phim đồng tính Việt

Không hẹn mà hai bộ phim Việt với đề tài đồng tính cùng ra rạp vào những ngày cuối tháng 8 này, là Thưa mẹ con đi và Ngôi nhà bươm bướm.

Diễn viên trẻ Lãnh Thanh (trái) và nghệ sĩ Hồng Đào trong phim Thưa mẹ con đi - Ảnh: ĐPCC

Điểm chung của hai phim đều có góc nhìn tích cực, lạc quan về giới LGBT và được đánh giá khá cao về chất lượng.

Bộ phim Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được giới chuyên môn và khán giả khen ở cách xử lý một câu chuyện đồng tính. Các chi tiết được biên kịch và đạo diễn khai thác tinh tế, hợp lý để từ từ hé lộ những xung động trong tâm lý các nhân vật. Dù hai nam chính chỉ thể hiện tình cảm vừa phải, không quá sức mãnh liệt nhìn từ bề ngoài, khán giả vẫn cảm nhận rõ sự cuồng nhiệt, tha thiết trong mối quan hệ của họ mà không cần đến những cảnh nóng mang tính câu khách. Cấu trúc phim cũng mạch lạc, rõ ràng, nửa đầu phim chậm rãi, dồn nén, đến nửa cuối phim được đẩy lên cao để khán giả có những khoảnh khắc lắng đọng với giọt nước mắt của những người trong cuộc.

Diễn viên trẻ Lãnh Thanh (vai Văn) và Võ Điền Gia Huy (Ian) trong vai chính là hai phát hiện mới đáng giá của Thưa mẹ con đi. Ngoài yếu tố tình yêu đồng tính, phim còn khắc họa chân thực tình cảm gia đình, trong đó sự bảo bọc, yêu thương của người bà dành cho cháu nội, mẹ dành cho con, cô chú dành cho cháu, và cả sự lựa chọn giữa “truyền thống” và “cái tôi” cá nhân trong thời hiện đại.

Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ: “Đây là bộ phim mà tôi say mê từng khung hình khi dõi theo những tình cảm thật thà hồn hậu mà gia đình dành cho con, dù giới tính của con có thế nào đi nữa. Chị Hồng Đào thể hiện vai mẹ Văn quá xuất sắc. Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của người mẹ ấy dẫu còn ngổn ngang bao tâm sự, suy nghĩ rối bời, cảm giác chơi vơi, nhưng mẹ vẫn nở một nụ cười dịu dàng đến lạ... Ánh mắt long lanh ngấn nước của người mẹ ấy đã thay lời của mẹ hết rồi. Tôi mong bộ phim độc lập của đạo diễn trẻ tài năng này sẽ được khán giả đón nhận bằng chính chất lượng, cảm xúc của bộ phim chứ không phải chỉ vì đề tài đồng tính”.

Nghệ sĩ Thành Lộc (trái) và Quang Minh trong phim Ngôi nhà bươm bướm

Trong khi đó, Ngôi nhà bươm bướm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (từng làm phim về giới đồng tính Lô tô đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh) có kịch bản nặng ký khi lấy cảm hứng và chuyển thể từ hài kịch nổi tiếng của Pháp, cùng sự góp mặt của các diễn viên tên tuổi Thành Lộc, Quang Minh, Hồng Đào, Hoàng Yến Chibi, Liên Bỉnh Phát... Phim có bộ đôi vai chính là một cặp đồng tính ở tuổi xế chiều hết sức tình cảm và yêu thương, vị tha, bao dung, thể hiện qua tài năng diễn xuất của NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ hài hải ngoại Quang Minh. Phim có màu sắc hiện đại, cảnh quay được dựng kỹ với những khung hình ấn tượng, tiết tấu nhanh, lôi cuốn cùng thông điệp ý nghĩa: “Ai cũng được quyền sống hạnh phúc!”.

Nhân vật đồng tính tinh tế, sâu sắc hơn

Nhiều năm về trước, yếu tố đồng tính có phần bị “biến dạng” trên sân khấu, phim ảnh VN do cách khai thác nặng tính câu khách. Tình yêu của người đồng tính nói riêng và cả cộng đồng LGBT nói chung thường được các đạo diễn thể hiện một cách... dị thường trên màn ảnh rộng. Đa số các bộ phim có nhân vật đồng tính thường là vai phụ và bị đem ra làm trò cười với những bóp méo thông qua hình ảnh bề ngoài dị hợm, cách hành xử lố lăng như Nàng men chàng bóng, Cảm hứng hoàn hảo... Trong phim Để Mai tính, dù nhân vật Hội được số đông yêu thích, vẫn có một bộ phận khán giả LGBT phản đối cách bộ phim tạo ra tiếng cười từ một nhân vật nam đỏm dáng, mê trai như thế.

Sau thời kỳ của dạng vai má mì như trong phim Gái nhảy, phim đồng tính Việt đã có sự đổi mới trong tư duy khi các nhân vật đồng tính được đưa lên thành chủ thể chính của bộ phim với số phận, tâm tư được khai thác tận cùng, như Trai nhảy, Hotboy nổi loạn 1 & 2, Cầu vồng không sắc... Nhưng, dù vai chính thì họ cũng sống cuộc đời gai góc, trái ngang, lắm nước mắt, hoặc bị gắn vào những vấn nạn như mua dâm, bán dâm... Trong phim Song Lang cơ duyên chóng vánh giữa Dũng “thiên lôi” và Linh Phụng cũng khép lại bằng cái chết. Bi kịch vẫn là cái kết phổ biến nhất trong các bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính tại VN.

Những năm gần đây, các phim Việt có đề tài đồng tính ra rạp đã thay đổi nhiều ở nội dung, không còn đề cập mãi những bế tắc, đau khổ, không lối thoát của người đồng tính. Các nhân vật đã được khai thác nhiều hơn ở góc cạnh nội tâm tinh tế, sâu sắc. Điều này cũng phản ánh cái nhìn cởi mở hơn, ít kỳ thị hơn của xã hội đối với giới LGBT.

Ngôi nhà bươm bướm, Thưa mẹ con đi thực sự là hai bộ phim có cái nhìn tươi sáng, không bi kịch hóa tình yêu đồng tính trong xã hội đương thời, không cố gắng cường điệu các yếu tố xã hội bên ngoài, dù trong phim vẫn có những nhân vật đại diện cho sự kỳ thị, hiểu lầm của xã hội.

Phan Cao Tùng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/diem-sang-cua-phim-dong-tinh-viet-1116412.html