Điểm nóng cạnh tranh Trung-Mỹ dưới thời ông Biden

Với sự thay đổi chính quyền ở Washington và nhân sự đặc biệt cho chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang tận dụng mọi thời gian.

Chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hoàn thành chuyến công tác bốn nước tới Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines, hứa hẹn sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc phân phối vắc-xin, cũng như hợp tác về cơ sở hạ tầng và thương mại, để cung cấp nhiên liệu cho quá trình phục hồi sau đại dịch.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang thăm ngoại giao hàng loạt quốc gia Đông Nam Á lấy sự tín nhiệm trong năm mới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang thăm ngoại giao hàng loạt quốc gia Đông Nam Á lấy sự tín nhiệm trong năm mới.

Đây là chuyến công du thứ hai của Wang đến khu vực kể từ tháng 10/2020. Với những điểm dừng chân trước đây của ông Vương ở Campuchia, Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore, ông đã đến thăm 9 trong số 10 nước thành viên ASEAN chỉ trong vòng 4 tháng qua.

Các nhà quan sát trong khu vực cho biết các chuyến thăm mới nhất của ông Vương là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gắn kết và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước láng giềng, trước nỗ lực dự kiến của ông Biden nhằm tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác để đối phó với tình thế địa chính trị của Trung Quốc, tờ SCMP của Hồng Kông (Trung Quốc) nhận xét.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu lưu ý, đầu tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã bổ nhiệm ông Kurt Campbell cho vị trí điều phối viên Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đây là một chuyên gia về Đông Nam Á, một cựu chiến binh của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama.

Rõ ràng, việc bổ nhiệm ông Campbell đã báo hiệu một khả năng chính xác, ổn định và rõ ràng trong cách tiếp cận của chính quyền ông Biden về tương lai của Mỹ và Trung Quốc.

Ông Kang Lin, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hải Nam, miền nam Trung Quốc, cho biết tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump phần lớn đã bỏ qua các khu vực như Đông Nam Á và châu Phi. Đến thời ông Biden, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi mang tính chiến lược hơn.

Ông Kang nói: “Trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của mình ở khu vực láng giềng của Trung Quốc, Trung Quốc cần phải có động thái đầu tiên bằng cách thực hiện một số mức độ liên lạc nhất định với các nước này." Rõ ràng, chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương tới các nước thành viên Đông Nam Á cho thấy sự chuẩn bị đối phó với chiến lược của Mỹ.

Ông Kang cũng chỉ ra rằng, trong số bốn quốc gia mà Ngoại trưởng Vương Nghị đến thăm trong tuần này thì Myanmar sắp trở thành điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc trong 3 năm tới, trong khi Brunei sẽ đảm nhận vị trí chủ tịch trong năm, cho phép họ đóng vai trò thiết lập chương trình nghị sự quan trọng trong khối.

Lye Liang Fook, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore cho biết, ông Vương đang đặt nền móng cho mối quan hệ của Trung Quốc với Đông Nam Á vào đầu năm nay trong bối cảnh mối quan hệ của Trung Quốc với các nước chủ chốt của Mỹ như Australia, Ấn Độ và một số nước châu Âu đang gặp khó khăn.

Trong các cuộc họp gần đây nhất, ông Vương và các lãnh đạo chủ trì và các quan chức cấp cao của ông đều không nhắc tên Mỹ. Thay vào đó, họ kêu gọi thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư. Trung Quốc đã cải thiện đáng kể quá trình hội nhập kinh tế với Đông Nam Á, trong đó ASEAN đã vượt qua Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất vào năm ngoái.

Thấy gì ở con bài chiến lược của ông Biden tại Đông Nam Á?

Giới quan sát nhận thấy rằng, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama (với ông Biden làm Phó tổng thống) trước đây đã mềm mỏng với Trung Quốc. Tuy nhiên, nhóm chuyển tiếp của ông Biden đã có một bước tiến dài để đảo ngược ấn tượng đó bằng cách công bố Kurt Campbell cho vị trí đặc trách của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ông Kurt Campbell giữ vị trí đặc trách của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thứ nhất, ông Campbell được nhiều người công nhận là kiến trúc sư đặt nền móng quan trọng trong chiến lược xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác để giữ Bắc Kinh trong tầm kiểm soát khi sức mạnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.

Là trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, không ai hơn Campbell trong vấn đề xoay trục sang châu Á.

Thứ hai, vị trí mới chưa từng có thể hiện việc nâng cao tầm quan trọng chiến lược của châu Á trong bộ máy chính sách của nước Mỹ. Hồi năm 2000, ở Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thì Ban phụ trách Châu Âu lớn gấp ba lần so với Ban phụ trách Châu Á. Đến năm 2005, hai ban có quy mô ngang bằng, mỗi Ban do một giám đốc cấp cao và khoảng năm giám đốc. Có vẻ như Ban phụ trách châu Á mới của Biden tại Nhà Trắng sẽ có ba hoặc bốn giám đốc cấp cao, khiến nó trở thành Siêu ban trong NSC — với quy mô gấp 3 lần Ban phụ trách châu Âu.

Thứ ba, việc lựa chọn Campbell thể hiện một cái gật đầu quan trọng của lưỡng đảng đối với chiến lược dành cho Trung Quốc và châu Á. Đúng là Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa từng chỉ trích Biden về vấn đề đối phó Trung Quốc trong chiến dịch bầu cử năm 2020.

Nhưng trên thực tế thì có sự đồng thuận trong Quốc hội và cộng đồng chính sách đối ngoại Mỹ về các vấn đề cần đối phó với Trung Quốc. Theo kết quả cuộc thăm dò vào tháng 8/2020 về Chính sách đối phó Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thực hiện, các vấn đề này là sự cần thiết phải tăng cường liên minh, bảo vệ các công nghệ quan trọng và cứng rắn với Trung Quốc về nhân quyền, tự do báo chí và dân chủ.

Giới phân tích đánh giá, ông Campbell là nhân vật không ai phù hợp hơn vào thời điểm mà nước Mỹ đang bị phân cực nghiêm trọng ngay trong nội bộ.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/diem-nong-canh-tranh-trung-my-duoi-thoi-ong-biden-3426135/