Điểm nhấn nổi bật trong năm học đặc biệt

Toàn ngành Giáo dục trong năm học 2019 - 2020 đã thể hiện bản lĩnh trước thách thức, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ năm học mà còn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Học sinh trường Trường Tiểu học Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bước vào năm học mới. Ảnh: Hải Minh

Học sinh trường Trường Tiểu học Thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) bước vào năm học mới. Ảnh: Hải Minh

Thực hiện tốt mục tiêu kép

Sau 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu GV, cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục các cấp và khoảng 24 triệu HSSV cả nước đều an toàn trước dịch bệnh. Sự an toàn của HSSV và GV được bảo đảm nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” như một số nước đã gặp phải. Trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học và tạo tiền đề thúc đẩy ngành Giáo dục chuyển đổi số mạnh mẽ. Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy sức “chịu đựng” của ngành Giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.

Theo báo cáo PISA công bố tháng 9/2020, Việt Nam có 79,7% HS được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%) và chỉ thấp hơn 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ GD&ĐT chuẩn bị ban hành quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở phổ thông, tạo hành lang pháp lý để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.

Tổ chức thành công thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thành công, đáp ứng mục tiêu kép: Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng. Thành công của kỳ thi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó, khẳng định thành quả quá trình đổi mới tổ chức kỳ thi, cũng như nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm đã nền nếp, chất lượng hơn, giảm nhiều áp lực, tốn kém cho thí sinh (TS) và các trường so với trước đây. Các trường ĐH, CĐ sư phạm phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng phương thức tuyển sinh ngoài xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... Đồng thời, TS được đăng ký nhiều nguyện vọng, với sự hỗ trợ của công nghệ “lọc ảo”. Đây là việc làm nhân văn giúp giảm nỗi lo điểm cao vẫn trượt ĐH. Các trường cũng đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội, đặt quyền lợi của TS lên trên hết.

Từ kết quả của giai đoạn 2015 - 2020, định hướng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2021 - 2025 được xác định cơ bản giữ ổn định như năm 2020.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện, động viên học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) trong ngày đầu đến trường sau thời gian tạm nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa đi vào cuộc sống

Lần đầu tiên Chương trình GDPT được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Năm học 2019 - 2020 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 1 - Bộ GD&ĐT đã ban hành hệ thống văn bản để tổ chức biên soạn sách giáo khoa (SGK); đồng thời thẩm định, phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng 1 khung chương trình GDPT thống nhất. Các đầu SGK được phê duyệt đều được các trường lựa chọn. Điều này đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, phá tan độc quyền trong công tác xuất bản, phát hành SGK. Hiện Bộ GD&ĐT tiến hành thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 để phê duyệt đưa vào sử dụng từ năm học 2021 -2022.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT mới. Về đội ngũ, lần đầu tiên GV được bồi dưỡng theo các mô-đun phù hợp với từng nhóm đối tượng. Hình thức bồi dưỡng, tập huấn được đổi mới căn bản, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, trong đó tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, liên tục cho GV theo hình thức trực tuyến, ngay tại trường với sự hỗ trợ của đội ngũ GV cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt. Đến nay, hoàn thành bồi dưỡng cho gần 45.000 CBQL, tổ trưởng chuyên môn, GV cốt cán. Địa phương đã tổ chức tập huấn đại trà cho 100% GV dạy lớp 1, CBQL, tổ trưởng chuyên môn các trường tiểu học.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn địa phương quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học phù hợp hơn; yêu cầu các địa phương đánh giá tình hình và rà soát thực trạng, nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất; phối hợp với bộ, ngành liên quan để tham mưu Chính phủ cân đối, bố trí các nguồn vốn hỗ trợ địa phương có điều kiện khó khăn. Hầu hết địa phương có đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT mới, cơ bản đáp ứng yêu cầu đối với lớp 1 năm học 2020 - 2021.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Thế Đại

Duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 chỉ có 32/63 tỉnh, thành phố). Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98% (năm 2015 chỉ đạt 85,8%). Kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học được giữ vững, nâng cao. 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; trong đó 18/63 tỉnh, thành đạt mức độ 3 (năm 2016 mới có 12/63 tỉnh, thành phố). 63/63 tỉnh/thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; 19/63 tỉnh, thành đạt mức độ 2, mức độ 3. Nhiều địa phương đạt 100% HS học 2 buổi/ngày, tạo tiền đề thuận lợi để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới. Giáo dục HS khuyết tật được quan tâm đúng mức. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ được thực hiện hiệu quả. Chất lượng giáo dục dân tộc được nâng lên.

Trong kỳ đánh giá PISA 2018 (công bố năm 2019), Việt Nam đạt 543 điểm Khoa học (cao thứ 4/79 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, tăng 4 bậc so với năm 2015); đạt 505 điểm đọc hiểu (cao thứ 13/79 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia, tăng 19 bậc so với năm 2015). Kết quả này gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, qua đó khẳng định chất lượng GDPT của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Bên cạnh chất lượng GDPT đại trà tiếp tục được nâng lên, GDPT mũi nhọn tiếp tục giữ vững thành tích đáng tự hào trên đấu trường quốc tế. Trong đó, đội tuyển quốc gia môn Hóa học đạt thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay với 4/4 HS đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ. Đội tuyển Toán học có 6/6 HS dự thi đều đoạt giải, lần đầu tiên có một HS lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng và đứng thứ 4 thế giới.

Chất lượng giáo dục ĐH được cải thiện rõ rệt. Lần đầu tiên 3 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào bảng xếp hạng 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới; 8 trường ĐH được vào danh sách các ĐH hàng đầu châu Á (10 năm trước đây chúng ta chưa có trường nào đạt được). Mới đây nhất, Việt Nam có 2 ĐH nằm trong tốp 101-150 Bảng xếp hạng thế giới các trường ĐH trẻ tuổi có chất lượng giáo dục hàng đầu trên thế giới của Tổ chức xếp hạng ĐH QS. Bên cạnh đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường ĐH trong “độ tuổi vàng”, cũng là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam.

Số lượng các công trình công bố quốc tế của các trường ĐH Việt Nam tăng hơn 10 lần so với năm 2013. Năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Kết quả bước đầu thực hiện tự chủ ĐH

Cùng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các cơ sở giáo dục ĐH nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy, mở rộng tự chủ ĐH; xác định tự chủ ĐH là điều kiện cần thiết để thực hiện phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các mặt hoạt động. Nếu như trước đây, tự chủ ĐH còn mới mẻ tại Việt Nam, từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Kết quả thực hiện thí điểm tự chủ ĐH tạo ra diện mạo mới cho giáo dục ĐH nước ta.

Từ thành công trong thí điểm thực hiện tự chủ ĐH, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết, thể chế hóa thông qua việc trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn triển khai một số điều của luật để đẩy mạnh tự chủ ĐH trong thời gian tới.

Định hướng chung giai đoạn 2021 - 2025: Tập trung thực hiện Kết luận 51 của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó, với GDPT, triển khai thành công chương trình, SGK GDPT mới. Với giáo dục ĐH, đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/diem-nhan-noi-bat-trong-nam-hoc-dac-biet-xDiRBqpMg.html