Điểm nhấn hạ tầng thương mại

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức tổ chức thương mại phổ biến nhất. Do vậy, mặc dù ngân sách của nhiều tỉnh còn hạn chế, nhưng phần lớn, UBND các tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và dành ngân sách xây dựng chợ nói chung và chợ nông thôn nói riêng.

 Chợ truyền thống là hình thức tổ chức thương mại phổ biến

Chợ truyền thống là hình thức tổ chức thương mại phổ biến

"Đòn bẩy" lưu thông hàng hóa

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến hết tháng 6/2019, vùng ĐBSCL có khoảng 1.093 xã đạt Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong tổng số 1.286 xã của toàn vùng, chiếm 85,6%, cao hơn mức bình quân của cả nước (cả nước là 85,5%). Các tỉnh có tỷ lệ xã đạt Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại cao như: Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Quyết định số 4800/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đánh giá xã đạt tiêu chí cụ thể và rõ ràng hơn. Theo đó, một số Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết xã trên địa bàn thực hiện Tiêu chí số 7, rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi…, đảm bảo cho việc thẩm định, xét công nhận được chính xác và khách quan. Một số địa phương đã có cơ chế hỗ trợ phần vốn nhất định để đầu tư cho chợ được xây mới nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn nông thôn.

Đáng chú ý, xác định tầm quan trọng của hệ thống chợ truyền thống trong chuỗi phát triển thương mại, các địa phương trong khu vực đã chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp quy hoạch đến năm 2020, hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh phát triển từ 201 - 220 chợ. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 230 chợ truyền thống, chiếm trên 13% hệ thống chợ toàn vùng, trở thành địa phương có số lượng chợ truyền thống nhiều nhất.

Chiến lược phát triển chợ truyền thống là mục tiêu cơ bản của tỉnh An Giang trong định hướng phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh nhằm đảm bảo các thị trường hàng hóa phát triển ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa trên địa bàn, với các tỉnh trong vùng và với thị trường Campuchia. Mục tiêu đặt ra năm 2020, tổng số chợ trên địa bàn tỉnh sẽ tăng thêm 34 chợ; hình thành 3 chợ đầu mối chuyên doanh. Đến nay, tỉnh An Giang đã có 205 chợ truyền thống, chiếm khoảng 12,4% tổng số chợ vùng ĐBSCL và xếp thứ 2 toàn vùng. Trong đó, các chợ hạng 3 và chợ vùng biên giới đang từng bước được nâng cấp sạch đẹp, văn minh hơn. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã đưa vào hoạt động 4 chợ vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm thay đổi tư duy của người sản xuất và người tiêu dùng khi kinh doanh, mua bán các sản phẩm tại chợ truyền thống.

Tỉnh Tiền Giang định hướng lấy các chợ xã làm hạt nhân phát triển, kết hợp với cửa hàng, điểm bán hàng, tạo thành khu thương mại, dịch vụ tổng hợp phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư trong khu vực xã. Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 203 chợ truyền thống, chiếm 12,3%/tổng số chợ của toàn vùng ĐBSCL.

Tại Long An, hệ thống chợ nông thôn trở thành mắt xích quan trọng đối với luân chuyển, tiêu thụ, trao đổi hàng hóa giữa nông thôn với thành thị, giữa vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam bộ, giữa Việt Nam với biên giới Campuchia. Đến nay, toàn tỉnh có 156 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1, 12 hạng 2 và 119 chợ hạng 3.

Với Hậu Giang, trong số 72 chợ, có tới 59 chợ hạng 3 và chợ tạm nên tỉnh đang từng bước nâng cấp các chợ hạng 3 bằng việc thực hiện nghiêm túc 10 tiêu chuẩn về xây dựng hình ảnh chợ văn minh. Việc phát triển nhanh và đồng bộ mạng lưới chợ, nhất là các chợ nông thôn, sẽ là đòn bẩy phát huy tối đa vai trò thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.

Ưu đãi đầu tư xây dựng chợ

Bên cạnh những kết quả đạt được, chợ nông thôn cũng gặp một số khó khăn trong xây dựng phát triển vì hầu hết có quy mô nhỏ, còn một số chợ tạm chưa có nhà lồng; điều kiện cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng cháy, chữa cháy chưa được chú trọng. Phần lớn các chợ chưa có quỹ đất công nên việc thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi hoàn, giải tỏa tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến xây dựng phát triển chợ…

Để chợ nông thôn mới vùng ĐBSCL trở nên sạch đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trong tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế, theo Bộ Công Thương, cần triển khai thực hiện và kịp thời cập nhật bổ sung các dự án đầu tư chợ phù hợp theo quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2025… Căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển chợ được duyệt, các cấp, ngành thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất cho phát triển chợ trước mắt và trong tương lai.

Về vốn đầu tư, cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, kết hợp sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu và đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ về đất, thuế… và các hỗ trợ khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển chợ phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Đối với các hộ kinh doanh có đóng góp vốn đầu tư xây dựng chợ theo chủ trương, phương án huy động vốn của chính quyền địa phương sẽ được ưu tiên bố trí, sắp xếp điểm kinh doanh tại chợ. Số tiền đóng góp đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ của các hộ kinh doanh sẽ được trừ dần vào tiền dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ (tiền thuê mặt bằng) theo quy định….

Theo báo cáo của các địa phương, hệ thống chợ ở ĐBSCL là 1.653, chiếm khoảng 19,4% tổng số chợ trên cả nước (trong đó, có 36 chợ hạng I, 176 chợ hạng 2, 1.393 chợ hạng 3 và 48 chợ chưa được phân hạng).

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/diem-nhan-ha-tang-thuong-mai-143638.html