'Điểm nghẽn' ứng dụng AI trong doanh nghiệp

Nhiều tập đoàn lớn ở Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, tuy nhiên với doanh nghiệp nhỏ như start-up việc ứng dụng AI gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nhân sự và vốn.

Nhân sự AI đang thiếu hụt, việc giữ chân những người có tài còn khó hơn.

Nhân sự AI đang thiếu hụt, việc giữ chân những người có tài còn khó hơn.

Doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng AI

Trí thông minh nhân tạo (AI) và Robot đã giúp giảm thiểu sai sót trong bảo trì, tăng năng suất và chất lượng hoạt động, đồng thời giảm thiểu tai nạn lao động trong các nhà máy sản xuất hiện đại.

Một nghiên cứu mới của PWC cho thấy, việc ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động bảo trì trong sản xuất có thể tăng đến 38% trong 5 năm tới. Công nghệ này cho phép các công ty hiểu hơn về các dây chuyền lắp ráp, đồng thời dự đoán trước các lỗi bảo trì; nhờ vậy, các công ty sản xuất không còn quá phụ thuộc vào lịch bảo trì cố định. Việc bảo trì quá sớm có thể vừa lãng phí công, vừa bỏ sót các lỗi kỹ thuật. Ngược lại, việc bảo trì chậm trễ có thể gây trục trặc trong quá trình sản xuất và giảm tuổi thọ máy móc, thiết bị.

Nếu có thể tiên đoán lỗi kỹ thuật, các nhà máy có thể tránh tình trạng đứt đoạn sản xuất, cải thiện tuổi thọ máy móc, thiết bị và ổn định hoạt động sản xuất. Trong đó, robot thông minh với khả năng thực hiện các thao tác phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao, có thể sớm thay thế cho con người trong các công đoạn tốn sức hoặc nguy hiểm, từ đó tăng năng suất và mức độ an toàn trong các nhà xưởng.

Không chỉ trong sản xuất, nhiều đơn vị viễn thông đã bắt đầu ứng dụng AI vào trong quá trình quản lý thuê bao. Tập đoàn VNPT cũng đã chủ động đầu tư nhân lực, nguồn lực để làm chủ rất nhiều công nghệ AI. Đáng chú ý, VNPT đã triển khai công nghệ AI trên ứng dụng quản lý đăng ký và cập nhật thông tin thuê bao SMCS Mobile.

VNPT cũng cho biết, với công nghệ AI, việc đăng ký thông tin thuê bao sẽ chỉ mất tối đa 5 giây so với nhiều công đoạn thao tác thủ công trước đây. Công nghệ AI này sẽ tự động bóc tách toàn bộ dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử.

Không đứng ngoài sân chơi, Viettel đang phát triển mạnh dựa trên AI phân tích giọng nói, hình ảnh, hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo, phân biệt các hành vi bất thường từ dữ liệu, biến những giá trị thông tin thành tài sản quý giá không chỉ cho Viettel mà còn thành thông tin giá trị phục vụ cho các hoạt động xã hội. Trong lĩnh vực y tế, giải pháp phân tích và chẩn đoán bất thường qua ảnh siêu âm đang được Viettel hoàn tất các thử nghiệm cuối cùng trong phòng thí nghiệm, đó là giải pháp chẩn đoán qua hình ảnh hỗ trợ người bệnh và các bác sĩ 24/7.

Bài toán quản trị nhân sự

Vấn đề hiện nay là ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nhân sự ngành AI đang thiếu hụt nghiêm trọng về lượng và chất. Theo nền tảng tuyển dụng IT TopDev dự báo, sự thiếu hụt nguồn lao động IT có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, đang là trở ngại khiến ngành IT Việt Nam chưa bắt kịp công nghệ thế giới. Trong nước sẽ thiếu hụt 75.000 nhân sự công nghệ thông tin (CNTT) trong năm 2019. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên đến 100.000 ở năm 2020.

Ông Vũ Hoàn Long – Chủ tịch hội đồng Quản trị CTCP Phát triển phần mềm trí tuệ.

Ông Vũ Hoàn Long – Chủ tịch hội đồng Quản trị CTCP Phát triển phần mềm trí tuệ cho biết nhân sự trong lĩnh vực AI hiện nay rất khan hiếm, hiện nay hầu như Việt Nam tuyển người làm để viết đc AI là rất khó, bên cạnh đó tuyển được các nhân sự họ lại hay nhảy việc. Theo ông Vũ Hoàn Long, hiện nay vấn đề nhức nhối của doanh nghiệp chính là bài toán quản trị nhân sự.

“Thứ nhất, khi một đơn vị mạnh hơn, điều kiện kinh tế tốt sẵn sàng cho nhân sự AI từ doanh nghiệp nhỏ nếu như không có sự liên kết mạnh giữa nhân sự AI và công ty thì gần như sẽ mất hết nguồn nhân lực. Thứ hai đào tạo được một nhân lực rất tốn kém và tốn thời gian. Hiện nay nhiều trường đã đưa vào đào tạo ICT, tuy nhiên để đào tạo được một người tự viết được phần mềm AI là cả một vấn đề” – ông Vũ Hoàn Long chia sẻ.

Trong báo cáo “Toàn cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam năm 2018” được nhóm nghiên cứu Nexus FrontierTech, rubikAI và G&H Ventures công bố cho thấy, các doanh nghiệp AI cũng gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu khởi nghiệp, có đến 59% số công ty thành lập dưới 2 năm và chỉ 34% kêu gọi được trên 200.000 USD vốn từ bên ngoài.

Điều này cũng được ông Vũ Hoàn Long chia sẻ, công nghệ start-up mới ra đời chưa thể ra ngay thị trường, đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn. Như đã biết nguồn nhân lực IT hiện nay có giá nhân công rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI trung bình ở Việt Nam rơi vào khoảng 2.000 USD nếu như ngay thị trường cạnh bên là Singapore, giá lên đến 5.000-7.000 USD/tháng.

“Doanh nghiệp sống được đòi hỏi thời gian ít nhất là 2 năm vì thông thường những chương trình khởi nghiệp được quốc gia hỗ trợ rất tích cực nhưng nó còn nhiều rào cản về pháp lý” – ông Vũ Hoàn Long cho biết.

Nhóm nghiên cứu Nexus FrontierTech, rubikAI và G&H Ventures đề xuất rằng chất xúc tác cần có để thúc đẩy cho sự phát triển công nghệ AI tại Việt Nam nằm ở việc cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo cũng như thu hút nhiều vốn đầu tư hơn từ ngước ngoài.

“Việc đào tạo AI chính quy trong các trường Đại học, hay được các đơn vị đào tạo phổ cập rộng rãi là cần thiết để giải quyết bài toán khát nhân lực AI, đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các nhân tài công nghệ. Bên cạnh đó, đa số công ty AI vẫn hoạt động ở giai đoạn khởi đầu nên quy mô tương đối nhỏ, chiếm 68% là các công ty có quy mô dưới 50 nhân viên và 70% các công ty có dưới 10 ky sư AI. Vì vậy, các tập đoàn và nhà đầu tư mạo hiểm là những đối tác quan trọng có thể hỗ trợ về nguồn vốn, truy cập dữ liệu lớn cũng như tiếp cận thị trường”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Nguyễn Long

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/diem-nghen-ung-dung-ai-trong-doanh-nghiep-150987.html