Điểm nghẽn của nông sản

Mặc dù được coi là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến còn hạn chế, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đây là bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, cần quan tâm đến 2 vấn đề là chế biến và tổ chức thị trường ở trong và ngoài nước.

Ông Vũ Vinh Phú.

Ông Vũ Vinh Phú.

PV: Thưa ông, dù được đánh giá là cường quốc về xuất khẩu nông sản nhưng chất lượng và giá trị xuất khẩu của nước ta đang thấp hơn sản phẩm của các nước khác. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Ông Vũ Vinh Phú: Sản xuất hàng hóa nông sản của Việt Nam dù có nhiều tiến bộ song về cơ bản vẫn ở trình độ thấp, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm không ổn định, an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề phải khắc phục; năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do trình độ sản xuất còn lạc hậu, giá thành các sản phẩm còn cao. Kỷ luật sản xuất, kỷ luật thị trường lỏng lẻo, sự liên kết hợp tác còn ở trình độ thấp và ít hiệu quả. Dù xuất khẩu nông sản của ta có giá trị từ 30-40 tỷ USD/năm nhưng đều là xuất khẩu thô từ chè, hạt điều, cà phê, cao su. Nếu từ cao su mà sản xuất ra lốp xe, vợt bóng bàn để xuất khẩu, giá trị đem lại sẽ rất cao. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng ta đang yếu ở 2 khâu là chế biến và tổ chức thị trường trong và ngoài nước. Còn theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ của Bộ Công thương thì có đến 90% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô hoặc sơ chế, kim ngạch xuất khẩu tuy lớn song phần thu về cho đất nước lại rất khiêm tốn, nhiều mặt hàng chủ lực xuất thô là chủ yếu. Với những sản phẩm thô như chè, cà phê, hạt tiêu nếu được chế biến sâu thì giá trị gia tăng có thể gấp từ 5-10 lần hoặc nhiều hơn thế nữa.

Thời gian qua chúng ta cũng quan tâm đến khâu chế biến để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, nhất là đã có sự tham gia của doanh nghiệp, nhưng tại sao vấn đề chế biến vẫn chưa được đẩy mạnh, thưa ông?

- Chế biến sâu có vai trò cực kỳ quan trọng. Trong thực tế chúng ta cũng có tổ chức chế biến song 70% DN đầu tư công nghệ ở mức độ trung bình, hầu hết là lạc hậu rất xa so với các nước tiên tiến trên thế giới. Hàng hóa khi sản xuất ra đến kỳ thu hoạch vì không có điều kiện bảo quản đúng tiêu chuẩn, ít kho dự trữ chiến lược dẫn tới tổn thất hao hụt lớn từ 20-30%. Hoặc có nhà máy chế biến được đầu tư hiện đại, có sản lượng cao công suất hàng trăm tấn/ngày, nhưng chúng ta lại không giải quyết được bài toán vùng nguyên liệu. Cho nên nguyên liệu, vùng sản xuất phải là cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao, nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng tiêu chuẩn, đầu vào của nhà máy cũng phải có giá cạnh tranh, đến khi sản phẩm chế biến mới có giá trị gia tăng cao và mới có thể cạnh tranh được với thị trường thế giới.

Khi tham gia ký kết các Hiệp định thương mại như CPTPP hay EVFTA, xuất khẩu nông sản của ta còn phải cạnh tranh với hàng hóa của các nước khác. Ông có lưu ý gì về sản xuất và hành động của chúng ta?

- Khi Việt Nam ký kết 2 hiệp định chúng ta cũng có nhiều cơ hội. Trước hết là về cơ hội xuất khẩu hàng hóa nông sản, với điều kiện thuế xuất ngày càng cắt giảm. Các DN Việt Nam phải nắm bắt được những cơ hội, cần vượt qua chính mình chớp lấy thời cơ có một không hai này. Trong công tác xuất khẩu hàng hóa, rất cần có sự đồng hành từ Chính phủ, người nông dân và các DN sản xuất một cách đồng bộ. Còn một cơ hội nữa cũng không kém phần quan trọng mà chúng ta phải nắm bắt, đó là khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, cần nắm bắt cơ hội để tiếp thu những thành quả tiên tiến của các nước trên thế giới, áp dụng thành công vào công tác sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng hóa ở thị trường nội địa và xuất khẩu…

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa không đạt chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Những sai phạm cần phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bảo vệ những DN nông nghiệp, người nông dân làm ăn chân chính, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện mở rộng hạn điền để sản xuất lớn hàng hóa, đưa khoa học kỹ thuật cơ giới hóa và sản xuất và chế biến sản phẩm, xây dựng các tập đoàn phân phối bán lẻ đủ mạnh… Làm được những điều trên, tôi cho rằng chắc chắn, nông nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức khó khăn, vươn lên mạnh mẽ.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/diem-nghen-cua-nong-san-tintuc449732