Điểm mặt 'thú dữ' trong làng trực thăng vận tải, vũ trang thế giới

Trực thăng vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động quân sự cũng như dân sự, dưới đây là danh sách 10 'người khổng lồ' trong gia đình máy bay lên thẳng.

Bell/Boeing V-22 Osprey là phương tiện đầu tiên phát triển theo nguyên tắc tiltrotor hay còn được gọi là máy bay cánh quạt lật, đây là sự lai ghép giữa máy bay cánh bằng và trực thăng.

Bell/Boeing V-22 Osprey là phương tiện đầu tiên phát triển theo nguyên tắc tiltrotor hay còn được gọi là máy bay cánh quạt lật, đây là sự lai ghép giữa máy bay cánh bằng và trực thăng.

V-22 được trang bị hai cánh ngắn, rộng với cánh quạt nghiêng ở mỗi đầu. Rotor này có thể hoạt động nhằm đảm bảo cả chuyển động dọc và ngang của máy bay.

Chiếc V-22 kết hợp giữa sức nâng của trực thăng với tốc độ của máy bay cánh bằng, nó đạt tốc độ ấn tượng 550 km/h, khoang hàng chuyên chở được 24 binh sĩ. Chiếc Osprey có chiều dài 17,5 m và trọng lượng rỗng 8.463 kg.

Trực thăng vận tải đa dụng NH90 được thiết kế bởi NH Industries - một công ty liên doanh gồm 3 nhà sản xuất máy bay lên thẳng lớn ở châu Âu đó là Agusta của Italia, Eurocopter của Pháp - Đức và Fokker Aerospace của Hà Lan.

NH90 được trang bị hai động cơ và có trọng lượng rỗng 5.400 kg, máy bay có chiều dài 19,56 m; chiều cao 5,03 m; vận tốc tối đa vào khoảng 305 km/h.

NH90 có 2 biến thể gồm: NFH chủ yếu dùng để săn tìm tàu ngầm và tìm kiếm cứu hộ. Trong khi đó phiên bản TTH được sử dụng để vận chuyển binh sĩ và tiếp tế, nó có sức chứa 20 người hoặc hơn 2.500 kg hàng hóa.

Mi-8 phục vụ trong không quân Liên Xô từ năm 1967, nguyên gốc là một trực thăng vận tải có sức chứa 28 - 32 người, sau đó Mi-8 còn được sử dụng làm trực thăng chiến đấu, khi tích hợp súng máy, rocket và tên lửa.

Trực thăng Mi-8 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 7/7/1961. Ước tính hơn 17.000 chiếc đã xuất xưởng, biến Mi-8 trở thành máy bay lên thẳng được chế tạo nhiều nhất trên thế giới.

Trực thăng Mi-8 hiện đang hoạt động tại hơn 50 quốc gia và vẫn đang được sản xuất. Máy bay có chiều dài hơn 18 m và cao 3 m, trọng lượng rỗng 6.990 kg, tốc độ tối đa 250 km/h.

Trực thăng H225M (còn được gọi là EC725) thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 27/11/2000, nhưng phải đến năm 2005 nó mới được lực lượng vũ trang Pháp chính thức tiếp nhận.

Mặc dù có thể mang theo tên lửa nhưng H225M chủ yếu làm nhiệm vụ của một trực thăng vận tải, phương tiện này được tối ưu hóa cho hoạt động trên biển.

H225M có chiều dài gần 19,5 m và trọng lượng rỗng 5.330 kg, tốc độ tối đa khoảng 324 km/h, sức chứa tối đa 29 người hoặc mang được tải trọng 4.750 kg.

Trực thăng AW101 (còn được gọi là EH101), là kết quả của sự hợp tác giữa Westland Helicopter của Anh và Agusta của Italia. Nguyên mẫu AW101 lần đầu cất cánh vào ngày 9/10/1987.

AW101 có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự, chiếc máy bay lên thẳng này có chiều dài khoảng 19,5 m và trọng lượng rỗng 10.500 kg.

Không quân Anh, Italia và Đan Mạch đang sử dụng chiếc trực thăng này, phiên bản sửa đổi của AW101 cho mục đích thương mại cũng đã ra đời. Không quân Canada dùng một biến thể khác cho hoạt động cứu hộ trên biển.

Các kỹ sư tại Nhà máy Trực thăng Moskva đã thiết kế Mi-38 như một trực thăng đa năng có thể được sử dụng cho cả hoạt động vận chuyển và cứu hộ. Nguyên mẫu Mi-38 ra đời vào năm 2003 nhưng vẫn chưa hoàn thiện.

Mi-38 là bước trung gian giữa Mi-26 và Mi-8, nó thậm chí có thể được hoán cải thành bệnh viện quân sự bay. Mi-38 có khả năng chở không dưới 32 hành khách hoặc 6.000 kg hàng hóa.

Trực thăng vận tải Mi-38 có chiều dài 19,7 m, chiều cao 5,13 mét và trọng lượng rỗng khoảng 8.300 kg, tốc độ tối đa của nó đạt 275 km/h.

Z-18 là máy bay trực thăng vận tải hạng trung do Trung Quốc chế tạo, nó thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2014 và chính thức được đưa vào sử dụng từ năm 2018.

Z-18 là sự phát triển tiếp theo của chiếc Harbin Z-8, nó có thể bay ở độ cao lớn hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Z-18 có chiều dài 22 m và trọng lượng rỗng 9.800 kg, tốc độ tối đa 336 km/h.

Ngoài phiên bản vận tải, đã có một biến thể trực thăng tuần tra chống ngầm dựa trên khung thân Z-18 được chế tạo với mã định danh Z-18F để triển khai trên tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công.

CH-47 Chinook được phát triển vào cuối những năm 1950 và hoạt động từ năm 1962, chiếc trực thăng với cấu hình rottor độc đáo này dành cho việc vận chuyển binh lính và thiết bị đến khu vực chiến đấu.

Ngoài ra CH-47 còn có thể sử dụng trong vai trò tìm kiếm cứu bạn hay trực thăng cứu hỏa, nó được đánh giá là chiếc trự thăng vận tải có khả năng cơ động cao nhất từng được chế tạo.

Trực thăng Chinook có chiều dài 30 m và cao 5,8 mét, trọng lượng rỗng của nó là 11.151 kg, tốc độ tối đa 315 km/h, tải trọng lớn nhất 10.886 kg.

CH-53K King Stallion hiện là trực thăng vận tải lớn nhất và nặng nhất được sử dụng trong quân đội Mỹ, nó có nhiều tính năng rất ưu việt so với các phiên bản tiền nhiệm.

Trực thăng CH-53K thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 27/10/2015, đến năm 2018 quân đội Mỹ đã nhận được chiếc đầu tiên, đơn giá của CH-53K rất đắt đỏ, cao hơn cả tiêm kích tàng hình F-35.

CH-53K có khả năng mang theo 15.900 kg hàng hóa hoặc 55 binh sĩ. Máy bay có chiều dài 30,2 m và cao 8,46 m, trọng lượng rỗng của chiếc trực thăng này là 15.071 kg.

Mi-26 của Nga là trực thăng vận tải lớn nhất và nặng nhất thế giới. Văn phòng thiết kế Mil đã phát triển Mi-26 vào những năm 1970, tới ngày 14/12/1977, nguyên mẫu đầu tiên đã ra mắt.

Mi-26 có thể mang 90 binh sĩ được trang bị đầy đủ, nó cũng có thể chở khối lượng hàng hóa 20 tấn, thường được dùng để vận chuyển thiết bị tới những địa bàn rất khó tiếp cận.

Mi-26 có chiều dài 40 m, chiều rộng 8,2 m, chiều cao 8,15 mét. Trọng lượng rỗng của chiếc trực thăng khổng lồ này là 28.200 kg, trong khi đó đường kính cánh quạt chính lên tới 32 m.

Theo Việt Dũng/ANTĐ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/diem-mat-thu-du-trong-lang-truc-thang-van-tai-vu-trang-the-gioi-1398572.html