Điểm mặt những 'quan lớn'… 'ngã ngựa' năm Hợi

1. Thương vụ 'bắt giá lên' MobiFone mua AVG

1. Thương vụ “bắt giá lên” MobiFone mua AVG

Trung tuần tháng 12-2019, TAND TP Hà Nội tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Có tổng cộng 14 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 13 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", gồm: Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT), Trương Minh Tuấn (1960, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT), Phạm Đình Trọng (1970, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT), Võ Văn Mạnh (1976, Giám đốc Cty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (1983, thẩm định viên Cty AMAX), Lê Nam Trà (1961, nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (1966, thành viên HĐTV MobiFone) cùng 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone. Ngoài ra, 4 bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ”. Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ (1973, nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT tại phiên tòa.

Ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT tại phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn Nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng. Bộ TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện dự án, các bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng các đồng phạm ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại Bộ TT&TT, MobiFone, Cty AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.

Khi chỉ đạo và thực hiện dự án, 4 bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích khác nhau các bị cáo đã quyết liệt thực hiện để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG. Đồng thời, các bị cáo này đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ, cụ thể: Phạm Nhật Vũ đã đưa cho: Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD.

Trương Minh Tuấn - cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT.

2. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng “bay tóc” vì Út trọc

Chiều 22-10-2019, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 360 Bộ luật Hình sự. Quyết định khởi tố được cơ quan chức năng ban hành khi thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 110 và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương về việc điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc"), Bùi Văn Nga và đồng phạm về tội: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Hiến bằng hình thức xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian đương nhiệm.

Bộ Chính trị xác định trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, ông Nguyễn Văn Hiến chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân trong triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết của cơ quan này về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm và những đóng góp cho Quân chủng Hải quân, cho Quân đội và đất nước của ông Nguyễn Văn Hiến, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Hiến bằng hình thức cách chức các chức vụ: Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương nhiệm kỳ 2005-2010, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010 (gồm Phó bí thư Đảng ủy, ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005-2010).

3. Vũ nhôm “gom” hàng loạt quan chức vào… nhà đá

Ngày 10-12-2019, TAND TPHCM xác nhận đã lên lịch xét xử cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm trong vụ án liên quan đến việc giao đất cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm). Phiên tòa được xét xử công khai trong 3 ngày từ 26 đến 30-12 (nghỉ thứ bảy, chủ nhật) tại TAND TPHCM. Trong vụ án này, các bị cáo Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm:Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở TN&MT TPHCM), Trương Văn Út (cựu Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở TN&MT TPHCM), Lê Văn Thanh (cựu Phó chánh Văn phòng UBND TPHCM), Nguyễn Thanh Chương (cựu Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”.

Cựu Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín và bị cáo Phan Văn Anh Vũ.

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, năm 2014, Phan Văn Anh Vũ lợi dụng danh nghĩa Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị tạo điều kiện được giao chỉ định khu đất số 15-Thi Sách (Q.1). Tuy nhiên, khi được giao đất, Cty Bắc Nam 79 không dùng vào mục đích hoạt động nghiệp vụ của ngành mà triển khai dự án nhằm thu lợi cá nhân. Thời điểm đó, ông Tín đã vượt quyền của Chủ tịch UBND TPHCM để trực tiếp bút phê “Giao sở TN&MT hướng dẫn thủ tục”. Sau đó, các ông Kiệt, Thanh, Út, Chương đã tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương, bán chỉ định và khấu trừ tiền thuê nhà đất đối với khu đất số 15-Thi Sách. Việc làm này bị xác định là trái Quyết định 09 của Chính phủ về sắp xếp xử lý nhà thuộc sở hữu nhà nước và Luật Đất đai 2013.

Cũng liên quan đến Vũ nhôm, ngày 18-3-2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để điều tra các vi phạm liên quan đến quản lý đất đai. Được biết, trong 31 dự án nhà công sản đang bị Bộ Công an điều tra giai đoạn từ năm 2014 trở về trước, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng giai đoạn 2002 - 2012; nguyên Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) đã có nhiều sai phạm trong việc bán các lô nhà, đất công sản gây thất thoát ngân sách nhiều tỷ đồng. Trong hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai tại Đà Nẵng, trước đó Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là ông Trần Văn Minh (bị bắt tạm giam) và ông Văn Hữu Chiến.

4. Sa cơ vì muốn con em... học giỏi

Trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La và Hà Giang, người được xem là “quyền cao, chức trọng” nhất có liên đới là ông Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên bí thư Tỉnh ủy Hà Giang.

Ông Triệu Tài Vinh “dính chàm” vì có con gái được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Theo đó, tại kỳ họp 41 diễn ra đầu tháng 12-2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Triệu Tài Vinh và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Cụ thể, ông Triệu Tài Vinh chịu trách nhiệm người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Sơn chịu trách nhiệm người đứng đầu UBND tỉnh Hà Giang về những vi phạm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang. Các ông Triệu Tài Vinh và Nguyễn Văn Sơn có người thân nhờ nâng điểm trái quy định cho thí sinh trong kỳ thi nêu trên, vi phạm quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt. UBKT trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Sơn và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Triệu Tài Vinh.

Đến nay, vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang và Sơn La đã được đưa ra xét xử, hàng loạt cán bộ lãnh đạo Sở GD-ĐT và các ngành có liên quan tại 2 địa phương trên đã bị tuyên án nghiêm minh.

5. Bộ ba “quan đầu tỉnh” gây thiệt hại 17.000 tỷ đồng

Ngày 5-11-2019, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa và một số cán bộ ở tỉnh này.

Theo đó, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong 2 nhiệm kỳ và những vi phạm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016, cùng chịu trách nhiệm về vi phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Ông Thắng chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016.

Ông Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021.

Từ trái qua, các ông Đào Công Thiên, Lê Đức Vinh và Nguyễn Chiến Thắng.

Ban Bí thư đánh giá vi phạm của ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên là rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn đất đai, tài sản, ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh, để lại nhiều hệ lụy khó khắc phục. Xét nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân, hậu quả của vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên.

Được biết, các ông Lê Đức Vinh, Nguyễn Chiến Thắng và Đào Công Thiên đã trực tiếp ký các văn bản về đất đai và đầu tư xây dựng các dự án vi phạm rất nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua kiểm tra 23 dự án, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện 20 dự án vi phạm, gây thiệt hại ít nhất gần 17.000 tỷ đồng. Trong hai nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt 47 dự án vượt thẩm quyền. Ban Thường vụ Tỉnh ủy không xem xét mà cho chủ trương 29 dự án. Ngoài ra, tỉnh còn có các sai phạm khác trong giao đất, giao rừng, các dự án BT chỉ định thầu.

QUANG PHÚC (tổng hợp)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_219828_diem-mat-nhung-quan-lon-nga-ngua-nam-hoi.aspx