Điểm mặt những người khát khao tìm mua bằng giả trên thế giới

Nhu cầu có bằng cấp và học vị trên thế giới thường rất cao, khiến không ít chính trị gia cố kiếm bằng giả dù nguy cơ mất chức luôn rình rập. Ngày 22/2, phóng viên BBC điểm lại một số ví dụ nổi bật bằng giả hoặc học vị từ các trường dỏm và trường không dỏm nhưng cấp bằng dỏm:

Cộng hòa Liên bang Đức

Năm 2013: Đại học Tổng hợp Düsseldorf rút lại bằng tiến sĩ cho Bộ trưởng Giáo dục, bà Annette Schavan vì đạo văn. Sau một cuộc điều tra, người ta xác nhận luận văn tiến sĩ của bà Schavan là tác phẩm "sao chép". Bà Schavan đã phải từ chức.

Trước đó, năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bá tước Karl-Theodor zu Guttenberg bị tước bằng tiến sĩ Đại học Bayreuth.

Ông Guttenberg, từng có kỳ vọng lên làm Thủ tướng, đã nộp đơn từ nhiệm sau hai tuần báo chí đưa tin rằng phần lớn luận án tiến sĩ của ông sao chép từ nguồn khác. Ông nhận lỗi và đổ cho việc "thiếu thời gian" nên đã làm chuyện đó.

Hồi năm 2011, bá tước Karl-Theodor zu Guttenberg (phải) bị tước bằng tiến sĩ Đại học Bayreuth và phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Đức (Ảnh: Getty)

Moldova

Năm 2015, Thủ tướng 38 tuổi Chiril Gaburici phải từ chức vì khai sai là có bằng tốt nghiệp trung học và đại học.

Ông từ nhiệm sau khi Công tố viện Moldova, quốc gia 3,5 triệu dân thuộc Liên Xô cũ, triệu ông đến để giải thích nghi vấn về bằng cấp.

Ông cũng bị cảnh sát khởi tố vụ án hình sự về bằng giả.

Ấn Độ

Năm 2015: Chừng 1.400 giáo viên tại Bihar bị buộc phải từ chức vì bằng giả sau khi Tòa án ở Patna đe dọa truy tố họ. Tuy thế, Bộ Giáo dục Ấn Độ nói sẽ vẫn có hành động nghiêm khắc trừng phạt ai dùng bằng giả để giảng dạy.

Sau khi bị xóa hợp đồng, các giáo viên vi phạm sẽ phải hoàn lại lương và mọi quyền lợi đã nhận.

Vụ việc được nêu ra nhờ nhà hoạt động Ranjit Pandit và cộng sự khiếu nại theo cơ chế Khiếu kiện vì lợi ích công chúng (Public Interests Litigation).

Pakistan

Năm 2010: hai dân biểu Quốc hội Jamshed Dasti (Đảng Nhân dân) và Nazir Jat (Liên đoàn Hồi giáo) phải từ chức vì dùng bằng cấp giả. Vụ việc đã lên đến Tòa Tối cao và bản án có tác động đến các dân biểu khác.

Báo chí Pakistan cũng đặt câu hỏi về tấm bằng ngành quản trị kinh doanh "Trường Pedinton, London" của Tổng thống Pakistan Asif Zardari.

Sau khi bị báo chí nêu, website của Đảng Nhân dân Pakistan trong mục về bằng cấp của ông Zardari đã xóa đi phần nói về tấm bằng đó. Nhiều nhà báo Pakistan đã cố gắng tìm kiếm ngôi trường có tên như vậy ở Anh nhưng không ai tìm ra.

Anh Quốc

Dịch vụ bán bằng trường dỏm là mối liên hệ giữa Pakistan và Anh Quốc. Đây là dịch vụ hàng triệu USD/ năm, theo phóng sự “Degrees of Deception” (Bằng Lừa) trên kênh BBC Radio 4 ở Anh.

Website của một “Đại học không có thật” chuyên bán học vị bằng tiếng Anh (Ảnh: AFP)

Người mua ở Anh Quốc từ “nguồn Pakistan” không gồm các chính trị gia mà còn có cả bác sĩ, y tá, thậm chí có người làm trong một tổ hợp quân sự.

Công ty bị BBC nêu tên là Axact, nhận họ là tập đoàn IT lớn nhất thế giới, nhưng thực tế chỉ có vài nhân viên ở Karachi, Pakistan. Họ nêu ra các tên trường giả như Brooklyn Park University, Nixon University, và đã bán ít nhất 3.000 bằng cấp, chứng chỉ giả trong hai năm 2013-2014.

Trong số này có cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ.

Đầu tháng 2/2018, lãnh đạo đảng Ukip ở Anh, ông Henry Bolton, thừa nhận đã tự xưng một cách sai trái là ông tốt nghiệp BA từ Học viện quân sự hoàng gia Sandhurst.

Văn bằng của trường Nixon University (Ảnh: Reuters)

Hoa Kỳ

Năm 2007: Marilee Jones, Trưởng khoa giáo vụ Viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT) từ chức vì nói dối về bằng cấp trong gần 30 năm liền.

Khi xin việc vào MIT, một trong những trường nổi tiếng nhất thế giới, bà đã khai là có bằng trung học, điều không đúng với sự thật.

Trong quá trình làm việc, bà Jones cũng khai là có bằng từ ba trường ở vùng New York: Albany Medical College, Union College và Rensselaer Polytechnic Institute. Nhưng trên thực tế, bà Jones không hề có bằng nào ở bất cứ trường này.

MIT cũng phải xin lỗi sinh viên và dư luận về vụ việc.

Zimbabwe

Tháng 2/2018, hiệu trưởng của Đại học Zimbabwe đã bị bắt trong cuộc điều tra về việc trao học vị tiến sĩ cho cựu đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Ông Levi Nyagura đã bị cơ quan chống tham nhũng của quốc gia châu Phi bắt giữ và bị buộc tội lạm dụng chức vụ.

Hồi năm 2001, Tổng thống Robert Mugabe cùng Đệ nhất Phu nhân Grace thăm Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội – nơi có dựng những tấm bia tiến sĩ thời phong kiến Việt Nam (Ảnh: Getty)

Bà Grace Mugabe, xuất thân làm nghề đánh máy trong phủ Tổng thống thời ông Robert Mugabe cầm quyền, đã thăng tiến nhanh sau khi kết hôn với ông. Được giao phụ trách Đoàn Thanh niên Zanu-PF, bà cũng trở thành Chủ tịch Hội Phụ nữ quốc gia, và có danh hiệu là “Mẹ Dân” nhưng còn muốn làm tiến sĩ.

Bà được Đại học Tổng hợp Zimbabwe trao tấm bằng tiến sĩ năm 2014 sau khi vào làm nghiên cứu sinh ngành xã hội học chưa đầy ba tháng, đặt ra các nghi vấn về thủ tục.

Người đứng ra tổ chức buổi lễ trao bằng cho bà chính là ông chồng Tổng thống Mugabe - Hiệu trưởng danh dự của trường! Sau khi chồng mất chức, vụ “bằng siêu nhanh” này đã bị dư luận phanh phui…

Anh Dũng

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/diem-mat-nhung-nguoi-khat-khao-tim-mua-bang-gia-tren-the-gioi-d65731.html