Điểm mặt những dự án gây nhiều tranh cãi ở Vĩnh Phúc

Tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch, cấp phép xây dựng hàng loạt dự án lớn không có trong quy hoạch, phá vỡ quy hoạch.

Phối cảnh cổng vào Công viên nghĩa trang Thiên An Viên.

Phối cảnh cổng vào Công viên nghĩa trang Thiên An Viên.

Những dự án vi phạm này từ lâu đã bị báo chí công luận phanh phui nhưng vẫn là cánh cửa để ngỏ vì chưa bị cơ quan chức năng xử lý.

Lấy đất không theo quy hoạch

Đầu năm 2105, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn làm chủ đầu tư Dự án Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên. Dự án này sau đó được giới thiệu sẽ trở thành công viên nghĩa trang lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng.

Theo thiết kế, dự án sẽ được triển khai xây dựng trên diện tích 118ha đất tại phường Khai Quang, xã Định Trung, TP. Vĩnh Yên và một phần đất thuộc xã Kim Long, huyện Tam Dương. Toàn bộ diện tích xây dựng nằm trọn trên diện tích đất của Công ty TNHH Kim Long được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao để trồng cây công nghiệp và cây ăn quả từ thập niên 90 của thế kỷ trước.

Dự án khi triển khai xây dựng sẽ được chia thành 5 khu: Khu mộ phần, khu công viên cây xanh, khu tâm linh, khu cây xanh mặt nước, khu hành chính dịch vụ kỹ thuật.

Đáng chú ý, dự án được chủ đầu tư xây dựng Đài hóa thân trên diện tích 2.050m2, sử dụng thiết bị hỏa táng của Thụy Điển theo công nghệ lò đốt điện tiên tiến nhất hiện nay, không phát sinh khói bụi và mùi, đảm bảo môi trường. Một nhà tang lễ hiện đại cũng sẽ được xây dựng trên khu đất có diện tích 480m2…

Tuy nhiên, dư luận nhân dân ở TP. Vĩnh Yên cho rằng dự án đã thực hiện sai quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ đã duyệt. Cụ thể, tại Mục g, Điều 8, Quyết định số 1183/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 26/10/2011 về “Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030” có nêu việc xây dựng nghĩa trang tại Vĩnh Phúc: “Nhu cầu xây dựng đến năm 2030 là 200ha; địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam Đảo 100ha; Khu vực huyện Bình Xuyên 100ha”...

Như vậy theo quyết định 1183 thì việc xây dựng Khu công viên nghĩa trang Thiên An Viên không hề nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án nằm trong vùng lõi cụm công nghiệp?

Ngày 3/3/2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ khởi công công trình khối nhà kỹ thuật nghiệp vụ và nội trú thuộc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc.

Công trình khối nhà kỹ thuật nghiệp vụ và nội trú thuộc Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình tỉnh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là liên doanh Tổng Cty 319 Bộ Quốc phòng và Cty CP Công nghệ quốc gia. Công trình được xây dựng tại địa bàn xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 640 tỷ đồng, mặt bằng xây dựng hơn 8.300m2; diện tích sàn hơn 50.000m2 bao gồm tòa nhà 10 tầng khối Sản và tòa nhà 13 tầng khối Nhi; công suất 500 giường bệnh, trong đó có 200 giường cho bệnh nhân sản, 300 giường cho bệnh nhân nhi. Hai tòa nhà là nơi bố trí khu hành chính quản trị, các khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, khối khám sản, ngoại tổng hợp, chấn thương chỉnh hình, xét nghiệm vi sinh hóa, hậu sản, tim mạch, huyết học lâm sàng.

Công trình sau khi hoàn thành sẽ là một bệnh viện hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là phụ nữ và trẻ em, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương... Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 1 năm 2020.

Tuy nhiên, Công trình dự án Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng lõi trung tâm công nghiệp Hợp Thịnh vi phạm nghiêm trọng các quy định về quy hoạch, chưa kể vi phạm thông tư 18/2013 về vị trí thiết kế các cơ sở khám chữa bệnh và vi phạm các quy định về Tiêu chuẩn Việt nam 4470:2012 về tiêu chuẩn thiết kế bệnh viện.

Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc gây tranh cãi.

Công trình gây tranh cãi

Trước đó, vào năm 2015, việc xây dựng công trình Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc đã gây ra nhiều tranh luận. Việc Vĩnh Phúc bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng Văn Miếu trong khi rất nhiều công trình bệnh viện, y tế đang xuống cấp nghiêm trọng vì “khát” vốn khiến dư luận bất ngờ.

Ngay trong lĩnh vực văn hóa, hiện nay Vĩnh Phúc có hơn 1.000 di tích lịch sử miếu mạo, đền thờ, trong đó có hàng chục di tích được xếp hạng quốc gia đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Vậy tại sao không trích một khoản tiền ra để trùng tu những di tích lịch sử đang xuống cấp trước đã?

Tuy nhiên, chuyện phản đối sự lãng phí xây Văn Miếu chưa lắng xuống thì dư luận lại bức xúc khi cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đang “toát mồ hôi” khi tìm người để… thờ. Rồi những sai phạm trong xây dựng bị kiểm toán nhà nước yêu cầu xử lý trách nhiệm….

Đặt trên một ngọn đồi thoải dốc, Văn Miếu Vĩnh Phúc trải rộng trên một diện tích hơn 4 ha. Công trình được xây dựng công phu, kiên cố với vật liệu là đá và gỗ, chạm trổ điêu khắc theo lối truyền thống.

Theo quyết định phê duyệt đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào tháng 10/2011, công trình xây dựng tại Khu đô thị Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, chủ đầu tư là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 270,9 tỷ đồng.

Tờ trình của Sở Kế hoạch- Đầu tư và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ lý do xây Văn Miếu: Đây là nơi thờ Khổng Tử, nhà tư tưởng và giáo dục lớn thời cổ đại. Các nước theo Nho giáo trước đây như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam đều xây dựng Văn Miếu. Ngoài thờ đức Khổng Tử, Văn Miếu Việt Nam còn là nơi đào tạo nhân tài; thờ các danh nhân văn hóa dân tộc như Chu Văn An, Trương Hán Siêu…

Không chỉ có vậy, dự toán đầu tư xây dựng công trình còn tính sai khối lượng, áp dụng định mức chuyên ngành, định mức hao phí vật liệu chưa có cơ sở, chưa thống nhất. Ngoài ra chưa thẩm định đơn giá các vật tư, vật liệu chính và đặc thù, có giá trị lớn sử dụng cho công trình như giá đá khối, giá gỗ lim, giá chuông đồng, trống, hoa văn chanh, ngói mũi hài, đá lát…

Bên cạnh đó, vận dụng định mức chi phí chung, định mức chạm khắc hoa văn, rùa và bia tiến sỹ chưa có cơ sở.Những sai sót trên đã làm tăng giá trị công trình gần 19 tỷ đồng.

Một số dự án khác điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng gây nhiều bức xúc cho nhân dân: Điều chỉnh quy hoạch và cấp phép xây dựng khu nhà ở và trung tâm thương mại Kết Hiền không đúng theo quy hoạch ban đầu; Điều chỉnh quy hoạch Nhà ở đô thị Trường Văn hóa Nghệ thuật cũ (thuộc trung tâm lõi đô thị Vĩnh Yên) 25 tầng thành khu nhà thu nhập thấp liền kề thực chất là xây nhà liền kề bán giá rất cao; Quy hoạch khu vui chơi Vườn hoa Vĩnh Yên sau một thời gian lại cắm đất xen kẹp...

Nhóm PV - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/diem-mat-nhung-du-an-gay-nhieu-tranh-cai-o-vinh-phuc-70090-3.html