Điểm mặt những công trình sai phạm ở Sóc Sơn

Một loạt các biệt thự, nhà vườn xây dựng trong lõi rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006 nhưng tới nay vẫn 'yên vị' và hàng loạt biệt thự, nhà hàng, resort mới mọc lên bất chấp luật pháp. Vậy, tại sao hàng chục năm trôi qua, những công trình xây dựng trên đất rừng huyện Sóc Sơn vẫn tồn tại…?

Một góc Tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden tại đập Đồng Đò.

Một góc Tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden tại đập Đồng Đò.

Theo Kết luận thanh tra vừa được công bố, trong thời gian dài do buông lỏng công tác quản lý, đến năm 2017, UBND huyện Sóc Sơn mới kiểm tra rà soát và xác định có 555 công trình vi phạm, nhưng không kiên quyết xử lý, đến nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý.

Tuy nhiên, do việc UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 xác định công trình vi phạm không chính xác, thực tế số lượng công trình vi phạm lớn hơn rất nhiều, chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong khu vực quy hoạch rừng đến thời điểm hiện nay đã có 797 công trình vi phạm.

Tại các xã Minh Trí, Minh Phú các hộ dân đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nằm trong quy hoạch rừng với số lượng “khủng” lên tới 688 trường hợp (xã Minh Trí có 524 trường hợp; xã Minh Phú có 164 trường hợp) trong đó có nhiều công trình xây dựng với quy mô lớn nhưng không được kiểm tra và xử lý.

Điển hình về sai phạm “khủng” là tại khu vực đất lâm trường, xã Minh Phú có: Hộ ông Ngô Văn Cam được UBND huyện Sóc Sơn cho mượn đất, được cấp sổ lâm bạ diện tích là 15 ha đất và sử dụng khoảng 4ha đất của Lâm trường Sóc Sơn thu hồi để thực hiện dự án JIFPRO, tổng diện tích ông Cam sử dụng khoảng 19 ha. Từ năm 2001- 2005, ông Cam chuyển nhượng cho 55 hộ, diện tích 129.785m2, các hộ đã xây dựng 69 công trình, diện tích xây dựng khoảng 4.369m2. Còn lại, ông Cam sử dụng là 59.780m2, đã xây dựng Khu du lịch Thiên Phú Lâm 57.500m2 gồm 21 hạng mục công trình gồm nhà ăn, nhà hàng diện tích 3.210,6m2 và xây dựng khu nhà ở diện tích 2.428m2.

Đối với hộ ông Trương Anh Quân, vợ là bà Đỗ Mỹ Linh (ca sỹ Mỹ Linh), từ năm 2001, ông Quân mua lại đất của hộ ông Đỗ Xuân Lâm đã được cấp GCNQSDĐ 600m2 đất ở từ năm 1997 trước khi có quy hoạch rừng năm 1998. Năm 2009, hộ ông Quân xây dựng 4 công trình và hạng mục phụ trợ khác. Năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn mới làm thủ tục hiệu chỉnh GCNQSDĐ. Năm 2015, Văn phòng đăng ký nhà và đất huyện Sóc Sơn lại làm thủ tục sang tên và cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ ông Quân thuộc quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Còn tại “điểm nóng” thôn Minh Tân, xã Minh Trí, Tổ hợp Hoàng Lê Gia Garden (hộ bà Lê Thị Lan Hương) sử dụng khoảng 19.958m2 đã xây dựng 5 công trình kiên cố 2-3 tầng (dạng biệt thự), diện tích xây dựng khoảng 1.076m2.
Tại khu vực 7 hồ lớn nằm trong quy hoạch rừng thì có 111 trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nằm trong quy hoạch rừng năm 2008, trong đó có nhiều công trình đã xây dựng với quy mô lớn nhưng không kiểm tra và xử lý.

Điển hình như, khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Trí có hộ ông Nguyễn Sỹ Tuấn sử dụng 1.751m2 đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, ông Tuấn xây dựng nhà 2 tầng, diện tích 112m2; căn cứ vào vị trí các mốc đường viền lòng hồ, công trình xây dựng của hộ ông Tuấn xác định là đất mặt nước, hộ ông Tuấn đã san lấp, lấn chiếm lòng hồ, thay đổi hiện trạng hồ Đồng Đò.

Ở khu vực hồ Đồng Quan, hộ ông Hoàng Trọng Nguyên (nhà hàng Ngọc Linh) sử dụng 10.080m2 thuộc đất Lâm trường Sóc Sơn giao khoán bảo vệ phát triển rừng và 3.600m2 mặt nước do UBND xã Quang Tiến giao thầu, ông Nguyên đã xây dựng 21 hạng mục công trình, diện tích khoảng 2.800m2, trong đó có 5 hạng mục công trình kiên cố từ 2- 4 tầng. Hộ ông Nguyễn Tiến Thành (nhà hàng Hương Tràm) sử dụng 9.342m2 thuộc đất Lâm trường Sóc Sơn, diện tích xây dựng khoảng 500m2 gồm 12 hạng mục công trình, trong đó có 1 nhà bê tông xung quanh cột tre mái lá, diện tích 65m2 xâm phạm lòng hồ.

Tại khu vực hồ Kèo Cà, năm 2017, ông Nguyễn Văn Hùng được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ tổng diện tích 1.608m2. Thực tế ông Hùng sử dụng 2.680,8m2 trong đó có một phần diện tích nằm trong quy hoạch rừng năm 2008 đã xây dựng 8 hạng mục công trình, tổng diện tích 433m2 trong đó có 1 nhà khung sắt dầm bê tông, mái lợp tôn diện tích 137,6m2 xâm phạm lòng hồ.

Riêng trường hợp Việt phủ Thành Chương, Kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn, Hà Nội năm 2006 của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ: Đến thời điểm Đoàn thanh tra xác minh, Phủ Thành Chương xây dựng nhiều nhà có kiến trúc khác nhau để trưng bày cổ vật, kết hợp trồng cây cảnh.

Cụ thể, Phủ Thành Chương trên địa bàn xã Hiền Ninh, diện tích xây dựng khoảng 3.000 m2 -8.000 m2 đất sử dụng… nguồn gốc đất quy hoạch là đất rừng đặc dụng, trước đây HTX giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh liên kết (có xác nhận của UBND xã). Sau khi mua, ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố. Suốt trong quá trình xây dựng chỉ có 1 lần chính quyền xã xử phạt. Sau đó, ông Chương vẫn tiếp tục xây dựng công trình.

Đáng chú ý, trong Kết luận thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay của Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố vào cuối tháng 3/2019, không nhắc đến sai phạm của Việt phủ Thành Chương. Theo lý giải lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Kết luận của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP. Hà Nội không có gì khác nhau. Trong thời gian tới Thành phố sẽ họp bàn kỹ lưỡng với Thanh tra Chính phủ... để có hướng xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Khương (Đoàn Luật sư Hà Nội), các bên đã đùn đẩy trách nhiệm khiến sai phạm nối tiếp sai phạm. Thành phố Hà Nội nên xử lý nghiêm minh vấn đề này.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phap-luat/diem-mat-nhung-cong-trinh-sai-pham-o-soc-son-tintuc434499