Điểm mặt những cầu thủ 'ăn hôi' chức vô địch Ngoại hạng Anh

Trong lịch sử giải Ngoại hạng Anh, không ít cầu thủ vô danh hay chẳng có chút đóng góp nào đáng kể nhưng lại được 'ăn ké' chức vô địch cùng đội nhà.

Steven Gerrard là một huyền thoại của Liverpool và là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất mà bóng đá Anh từng sản sinh ra. Nhưng oái oăm thay, suốt sự nghiệp khoác áo đội một Liverpool (1998-2015), cựu tiền vệ tài hoa này chưa từng giành ngôi quán quân Ngoại hạng Anh.

Và Gerrard hẳn phải có chút ghen tỵ nếu biết rằng, trong khi anh đen đủi bao nhiêu thì có không ít đồng nghiệp trình độ kém hơn, tên tuổi thậm chí ở mức vô danh nhưng lại được nếm trải cảm giác của nhà vô địch giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù.

Robbie Slater là cầu thủ Australia đầu tiên vô địch Ngoại hạng Anh dù không có nhiều đóng góp cho Blackburn

Mùa 1994-1995, giữa một rừng sao của Blackburn ở mùa giải thăng hoa nhất trong lịch sử đội bóng này như Shearer, Sherwood, Sutton, Flower…, cái tên Slater thậm chí còn xa lạ với chính các CĐV nhà. Nhiều người thậm chí còn “ngơ ngác” khi chẳng biết anh chàng này từ đâu đến.

Ấy thế mà cuối cùng, Slater lại “đi vào lịch sử” khi trở thành cầu thủ người Australia đầu tiên giành chức vô địch ngoại hạng Anh, khi Blackburn vượt qua M.U đầy kịch tính ở vòng cuối cùng mùa giải 1994-1995.

Bây giờ, nếu nhắc đến cái tên Christopher Wreh, có lẽ đa số CĐV Arsenal không thể nhớ anh này đã từng đá cho “Pháo thủ” vào lúc nào. Nhưng thực tế chứng minh, Wreh đã trở thành “nhà vô địch Ngoại hạng Anh” cùng Arsenal mùa 1997-1998. Sau đó, tiền đạo ít tên tuổi người Liberia này “lang thang” qua rất nhiều đội bóng ở Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Saudi Arabia hay thậm chí là Indonesia.

Có 7 năm khoác áo đội một M.U (1995-2002), nhưng Wallwork chủ yếu bị cho mượn và trong ngần ấy thời gian, anh chỉ có 19 lần được ra sân trong màu áo “Quỷ đỏ”. Nhưng, ở mùa 2000-2001, với 12 lần được Sir Alex Ferguson cho thi đấu (4 lần đá chính), Wallwork đã có “đóng góp” vào chức vô địch Ngoại hạng Anh của M.U. Đây cũng là dấu ấn đáng kể duy nhất trong sự nghiệp lận đận của cựu hậu vệ này.

Tương tự như Wallwork, cựu tiền vệ Luke Chadwick đã may mắn có được danh hiệu vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2000-2001. Dù mang tiếng là ra sân 15 lần, nhưng Chadwick chẳng để lại ấn tượng nào, khi M.U lúc đó sở hữu dàn sao quá “khủng”.

Trong mùa giải 2003-2004 vô địch với thành tích bất bại, Arsenal bỗng “giới thiệu” một nhà quán quân lạ hoắc có cái tên Jeremie Aliadiere. Tiền đạo người Pháp này chỉ có vẻn vẹn 3 trận đá chính nhưng lại ra sân tổng cộng đủ 10 trận để nhận huy chương vô địch (theo quy định của ban tổ chức). Để thấy rõ hơn sự vô hại của chân sút Aliadiere, ta có thể tham khảo con số sau: Anh này chỉ ghi vỏn vẹn 1 bàn tại giải Ngoại hạng Anh trong 6 năm chơi cho “Pháo thủ”.

Ngay từ khi trở thành ông chủ Chelsea cách đây 15 năm, tỷ phú Roman Abramovic đã khẳng định ông muốn có một cầu thủ người Nga tại The Blues. Vậy là Alexei Smertin được mua về.

Nhưng ở vị trí tiền vệ trung tâm, Chelsea khi đó có quá nhiều ngôi sao như Lampard, Tiago, Makelele, Geremi hay Scott Parker. Mặc dù vậy, HLV Mourinho vẫn chiều lòng ông ông chủ Abramovic và “cơ cấu” cho Smertin ra sân tổng cộng 16 lần, đủ để anh này có được chức vô địch mùa 2004-2005 trước khi bán xới sang Charlton.

Đức Hiếu

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-thao/diem-mat-nhung-cau-thu-an-hoi-chuc-vo-dich-ngoai-hang-anh-873594.html