Điểm mặt một số thực phẩm chứa chất độc tự nhiên

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, giai đoạn 2011-2016, trung bình cả nước có 5.000 người ngộ độc thực phẩm mỗi năm, có 27 ca tử vong/năm. Tỷ lệ ngộ độc do thực phẩm chứa sẵn chất độc đã chiếm trên 20% số vụ ngộ độc, tỷ lệ tử vong thường rất cao. Do vậy, cần biết một số thực phẩm chứa chất độc nguy hiểm có thể gây ngộ độc để phòng tránh.

Khoai tây mọc mầm.

Những thực vật có chất độc

Khoai tây mọc mầm hoặc có màu xanh có chất solanine và alpha-chaconine gây độc, nếu nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Nặng hơn, các triệu chứng sẽ trầm trọng và đau đớn hơn, có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh cùng với các trục trặc về tiêu hóa như mê sảng, tiêu chảy, giãn đồng tử, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, sốc, hạ thân nhiệt, tê liệt, chậm chạp, thở chậm lại, đau bụng, nhìn kém, nôn... Chất solanine cũng có trong quả cà chua xanh, do vậy nên bỏ hạt cà chua khi chế biến.

Các loại nấm độc

Nấm độc chứa chất Muscari, Amatoxin, Monomethyl-hydrazine.... Nấm độc thường có màu sắc khá sặc sỡ, nhiều màu, nổi bật, có đốm màu đen, đỏ, trắng… nổi lên (chủ yếu ở mũ nấm). Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên bởi rất khó nhận biết nấm độc và nấm không độc. Ngay cả chuyên gia về nấm cũng có thể bị nhầm nấm độc với nấm lành.

Sắn (khoai mì), măng tre có chất Acid xyanhydric: khi luộc, nhất là luộc với số lượng lớn thì chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc, nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.

Lạc (đậu phộng), bắp (ngô), gạo nếu bảo quản không tốt, để trong môi trường ẩm ướt... dễ bị mốc có thể chứa aflatoxin, là một chất cực độc, người ăn phải sẽ bị ngộ độc với các triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Chất aflatoxin có thể gây ung thư gan về sau.

Hạt điều thô: chứa urushiol - một độc tố, khi ăn hạt điều có chứa chất độc với số lượng lớn có thể gây tử vong. Khi mua hạt điều, chỉ mua và dùng làm thực phẩm hạt điều thô đã được xử lý bằng cách hấp lên.

Củ cải trắng: có chứa độc tố furocoumarins. Chất độc này thường cao nhất trong lớp vỏ, có thể gây đau dạ dày hoặc phản ứng rát bỏng trên da khi tiếp xúc. Do đó, khi chế biến món ăn, bạn cần gọt bỏ sạch vỏ và phần hư hỏng trên củ để tránh độc.

Đậu tằm: chứa một số loại enzyme khuyết thiếu, có tác động nhất định đối với cơ thể con người, có thể gây ra hội chứng tán huyết dị ứng sau khi ăn đậu tươi.

Hạt hạnh nhân: có hai loại hạnh nhân: hạnh nhân ngọt và hạnh nhân đắng. Những hạt hạnh nhân đắng có chứa một lượng hydrogen cyanide độc hại tương đối lớn. Các chuyên gia cho biết chỉ cần ăn 7-10 hạt hạnh nhân đắng cũng có thể gây ra rắc rối cho sức khỏe ở người lớn và có thể gây tử vong ở trẻ em.

Anh đào (Cherry): trong lá và hạt quả anh đào có chứa các hợp chất có độc tính cao. Trên tờ Independent viết, một người đàn ông Anh gần đây đã phải điều trị ngộ độc cyanua sau khi ăn nhân hạt anh đào (cherry) do khi ăn loại quả này, anh đã cắn vỡ hạt và ăn nhân bên trong.

Đậu đỗ: có chất lectin và tên khoa học của nó là phytohaemagglutinin. Nếu đậu không được nấu chín có thể gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, các glucozit sinh acid xyanhidric (có trong quả họ đậu: đậu kiếm, đậu mèo).

Mộc nhĩ tươi (nấm mèo) chứa độc chất Porphyrin. Chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu lên thì mới an toàn. Không nên ăn mộc nhĩ tươi vì trong chúng có chất độc không tốt cho sức khỏe.

Thức ăn là động vật có chất độc

Cóc: chứa bufotoxine - một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng). Chất này có thể gây chết người trong thời gian cực ngắn. Ước tính lượng bufotoxin trong một con cóc có thể gây chết 4-5 người khỏe mạnh nếu ăn phải.

Cá Nóc

Cá Nóc: có chất Tetraodontidae rất độc, có ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá. Vì vậy, con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người.

Bạch tuộc đốm xanh: sản sinh ra độc tố chứa tetrodotoxin, histamine, tryptamine, octopamine, taurine, acetylcholine và dopamine… Dù có kích cỡ nhỏ nhưng 1 con bạch tuộc đốm xanh lại chứa đủ độc tố để giết hai mươi sáu người trưởng thành trong vài phút.

Mật cá trắm: trong mật cá có một chất alcol steroid là 5 a cyprinol. Chất này sau khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận gây ra suy gan và suy thận cấp.

Loài nhuyễn thể (thuộc ngành thân mềm như trai, sò, ốc, hến, ngao, mực, bạch tuộc) có chất Mytilotoxin, khi ăn phải sẽ gây đau bụng, tiêu chảy: Muốn tránh được những bệnh trên, chỉ nên ăn các loài nhuyễn thể này lúc nó còn tươi sống.

Cá ngừ: Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn cá ngừ không phải là do bản thân loại cá này có độc mà do người tiêu dùng ăn phải cá ngừ đã bị ươn, cá bắt đầu hư hỏng vì có chứa chất Histidine tự do với hàm lượng cao gây dị ứng.

PHẠM VĂN CHÍNH (tổng hợp) -(Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/diem-mat-mot-so-thuc-pham-chua-chat-doc-tu-nhien-a114430.html