Điểm mặt doanh nghiệp chối bỏ phế liệu tại cảng

Hàng ngàn container phế liệu vô chủ tại cảng hiện nay cho thấy đã có sự lợi dụng việc cấp phép trong nhập khẩu phế liệu.

Phế liệu NK không đạt chất lượng bị phát hiện tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H.

Chối bỏ khi không xin được giấy phép

Hàng loạt DN có ngành nghề kinh doanh liên quan đến việc thu mua và tái chế phế liệu, nhưng lại từ chối nhận hàng trăm container phế liệu NK. Bằng việc từ chối nhận hàng, hoặc để mặc tại cửa khẩu của một số DN NK phế liệu dẫn đến tình trạng hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại cảng trong thời gian qua.

Tìm hiểu của chúng tôi về các DN chối bỏ hàng phế liệu được biết, các DN này có ngành nghề được cấp phép kinh doanh đều liên quan đến việc thu mua, tái chế phế liệu. Công ty TNHH MTV H.Q.C.H. (huyện Cẩm Giàng, Hưng Yên) từ chối nhận 437 container phế liệu NK về cảng Cát Lái là một điển hình. Công ty này được cấp phép thành lập từ năm 2011, với 19 danh mục ngành nghề kinh doanh, trong đó có danh mục thu mua, xử lý rác thải độc hại, rác thải không độc hại; sản xuất sản phẩm từ plastic; tái chế phế liệu… Tìm hiểu thông tin cấp phép trên Cổng thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường được công bố vào cuối tuần qua cho thấy, công ty này không được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Sản xuất Thương mại Dịch vụ XNK V.N. (huyện Đức Hòa, Long An) cũng được cấp phép thành lập từ năm 2013, với nhiều ngành nghề liên quan đến thu gom, xử lý rác thải, tái chế phế liệu. Được biết, DN này đứng tên NK 255 container phế liệu, nhưng từ chối nhận hàng với lý do hàng không phải của DN. Trong danh mục gần 20 ngành nghề kinh doanh và dịch vụ của Công ty Môi trường công nghiệp P.M. (Bắc Ninh) có đến 15-16 mục liên quan đến các loại phế liệu. Nhưng đầu năm 2018, DN này NK gần 70 container phế liệu về cảng Cát Lái, nhưng cũng từ chối nhận hàng, với lý đối tác gửi nhầm(!?). Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, cả 2 DN này cũng không được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Không chỉ có các trường hợp trên, điều đáng chú ý, tạo nhiều nghi hoặc đối với dư luận, đó là nhiều DN có địa chỉ đăng ký kinh doanh ở các tỉnh miền Bắc, nhưng lại NK hàng trăm container phế liệu về cảng TP.HCM. DN nhiều thì vài trăm container, DN ít cũng cả vài chục container. Thông tin này khiến một số ý kiến tại các cuộc họp về phế liệu do các cơ quan quản lý tổ chức mới đây đều cho rằng, có dấu hiệu DN lợi dụng trong việc cấp phép NK phế liệu để thực hiện kinh doanh thương mại.

Hơn 3.000 container phế liệu vô chủ

Trên đây là những trường hợp cơ quan Hải quan truy xét được địa chỉ yêu cầu DN làm việc và họ đã từ chối nhận hàng. Còn hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tồn tại cảng nhiều tháng nay, nhưng DN vẫn "bặt vô âm tín", chối bỏ hàng.

Theo thông tin từ Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, sau khi thông báo tìm chủ nhân hơn 3.000 container phế liệu tồn tại cảng, chỉ có 1-2 DN liên hệ cho biết đang chờ xin giấy phép NK, điều này cho thấy hầu hết số phế liệu này thuộc diện vô chủ.

Theo cơ quan Hải quan, có 3 nguyên nhân dẫn đến phế liệu tồn nhiều tại cảng. Thứ nhất là, hàng NK về không đảm bảo về môi trường, không đủ điều kiện NK theo giấy phép được cấp. Thứ hai là, DN NK ồ ạt hàng về nhưng chưa xin được giấy phép NK (Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất). Thứ ba là, DN làm giả giấy phép để NK phế liệu bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời không cho làm thủ tục. Vì vậy, hàng chục DN NK phế liệu về cảng nhưng không thể làm thủ tục NK được dẫn đến hàng nghìn container tồn đọng tại các cảng.

Phế liệu là mặt hàng NK có điều kiện. Theo cơ quan chức năng, các DN NK phế liệu biết rất rõ các quy định của pháp luật trong việc đưa phế liệu về Việt Nam, nhưng vẫn cố tình tìm mọi cách đưa phế liệu cập cảng Việt Nam, trong khi chưa có đủ điều kiện để NK. Cục Hải quan TP.HCM cho biết sẽ cương quyết không thừa nhận việc chủ hàng từ bỏ hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc từ bỏ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Riêng đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chủ hàng, chủ phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hàng hóa tồn đọng, đặc biệt là mặt hàng phế liệu NK, đa phần là chưa làm thủ tục hải quan, có thể chưa xác định được chủ sở hữu hàng hóa, việc vận chuyển, đưa hàng vào cảng… thuộc về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp XNK, của các hãng vận chuyển, việc quản lý, cấp phép của bộ chuyên ngành. Thời điểm này, cơ quan Hải quan chưa đủ căn cứ để xử lý các DN XNK chối bỏ hàng như nêu trên.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/diem-mat-doanh-nghiep-choi-bo-phe-lieu-tai-cang.aspx