Điểm mặt các thương vụ tỷ USD trong ngành bia rượu quốc tế

Hãng bia Thái Lan ThaiBev của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thâu tóm Sabeco được ghi nhận là một trong những thương vụ 5 tỷ USD lớn. Tuy nhiên, trước đó, cũng đã có nhiều thương vụ M&A hàng tỷ USD trong ngành bia rượu quốc tế.

Heineken thâu tóm thành công Tiger.

Heineken thâu tóm thành công Tiger.

AB InBev thâu tóm SABMiller với giá 106 tỷ USD

Vào tháng 10/2015, Anheuser – Busch InBev (AB InBev) đã tiến hành thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành bia. Cụ thể, AB InBev đã đồng ý mua lại SABMiller với giá gần 69 tỷ bảng Anh (tương đương 106 tỷ USD).

Theo đó, AB InBev đã trả 44 bảng Anh (tương đương 66,49 USD) bằng tiền mặt cho mỗi cổ phiếu của SABMiller, tức cao hơn 50% so với mức giá cổ phiếu chốt phiên 14/9/2015. Đây là mức giá đạt được sau nhiều lần SABMiller từ chối các đề xuất từ phía AB InBev.

Được biết, AB InBev và SABMiller là hai hãng bia lớn nhất thế giới. AB InBev sở hữu hơn 200 thương hiệu, trong đó có Budweiser, Stella Artois và Corona. Còn các thương hiệu nổi tiếng của SABMiller là Peroni và Grolsch.

Asahi Group thâu tóm 5 thương hiệu bia nổi tiếng tại Đông Âu

Tháng 12/2016, Tập đoàn sản xuất bia Asahi Group Holdings của Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận mua lại 5 thương hiệu bia tại Đông Âu của Công ty nước giải khát và sản xuất rượu bia đa quốc gia AB InBev với tổng trị giá 7,3 tỷ euro (tương đương 7,8 tỷ USD).

Đây được xem là thương vụ thâu tóm công ty bia nước ngoài lớn nhất ngành công nghiệp giải khát của Nhật Bản.

Asahi Group thâu tóm 5 thương hiệu bia nổi tiếng tại Đông Âu của AB InBev

Vào hồi tháng 10/2016, Asahi cũng đã mua lại hai thương hiệu tại châu Âu của SABMiller là Peroni và Grolsch với giá 2,9 tỷ USD.

Được biết, Asahi là tập đoàn sản xuất đồ uống hàng đầu Nhật Bản, ra đời năm 1889, có trụ sở tại Tokyo. Thị phần của Asahi tại Nhật Bản khoảng xấp xỉ 40%, lớn nhất trong số 4 doanh nghiệp sản xuất bia của nước này, xếp trên Kirin Beer và Suntory.

Kirin Holdings thâu tóm hãng bia số 1 của Myanmar

Trong khi Asahi hướng tới thị trường châu Âu thì Kirin lại đang hướng tới thị trường châu Á và Úc. Tập đoàn này đã từng bỏ ra gần 70 triệu USD để mua lại 45% cổ phần của Lion Nathan Limited – đơn vị sở hữu 54% thị phần bia New Zealand và 48% tại Úc.

Năm 2002, tập đoàn Kirin chính thức nắm giữ 15% cổ phần San Miguel. Được biết, ngoài việc chiếm tới 90% thị trường Philippines, San Miguel cũng được kinh doanh, sản xuất bia tại thị trường Trung Quốc, Việt nam, Indonesia, và Úc.

Những thương vụ gây ồn ào của tập đoàn Kirin có thể kể đến vụ mua lại Dairy Farmer vào năm 2008 và Brewer Lion Nathan năm 2009. Trước đó 1 năm, Kirin Brewery đã được đổi tên thành Holding Limited để khẳng định vị trí của thương hiệu này trên thị trường.

Đáng chú ý vào năm 2015, Kirin đã tiếp tục thâu tóm hãng bia số 1 của Myanmar là Myanmar Brewery, với giá 560 triệu USD.

Năm 2015, Kirin đã tiếp tục thâu tóm hãng bia số 1 của Myanmar là Myanmar Brewery.

Hiện Kirin đang có kế hoạch chuyển Brasil Kirin - một công ty con ở Brazil mà Kirin mua năm 2011 với giá 2,56 tỷ USD thành một công ty liên doanh. Nếu kế hoạch này thành công, Kirin sẽ rút được vốn ra khỏi Nam Mỹ để tập trung vào thị trường châu Á và coi khu vực này là "cột trụ của chiến lược vươn ra hải ngoại".

Tại Việt Nam, tên tuổi Kirin được biết đến khi tập đoàn này sở hữu toàn bộ cổ phần tại Trade Ocean Holdings - đơn vị nắm giữ 57% vốn tại Công ty Cổ phần Thực phẩm quốc tế (Interfood, mã: IFS) sở hữu thương hiệu Trà Bí Đao Wonderfarm hay Trà Xanh Nhật Kirin.

Heineken thâu tóm thành công Tiger

Ngày 28/9/2012, cổ đông của Tập đoàn Fraser & Neave (F&N) của Singapore đã chấp thuận bán lại cổ phần của họ trong Asia Pacific Breweries (APB) - một trong những hãng bia lớn nhất Đông Nam Á và là nhà sản xuất bia Tiger. Thương vụ hoàn tất với tổng giá trị 6,3 tỷ USD.

Heineken sở hữu 56% cổ phần của APB trong khi F&N nắm giữ 40%. Với việc mua lại cổ phần từ F&N, Heineken chính thức được sở hữu thương bia Tiger nhằm mở rộng thị phần tại châu Á.

Carlsberg thâu tóm hãng bia lớn nhất của Nga

Tập đoàn Carlsberg, ngày 28/11/2012, đã hoàn tất thủ tục mua cổ phần bắt buộc và chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Baltika - hãng bia lớn nhất nước Nga. Theo đó, tập đoàn này đã chi tới 1,15 tỷ USD để sở hữu 100% cổ phần của hãng bia này.

Tập đoàn Carlsberg đã chi tới 1,15 tỷ USD để sở hữu 100% cổ phần của hãng bia Baltika.

Tập đoàn Carlsberg cho biết Baltika sẽ trở thành "bàn đạp" cho một số hoạt động của tập đoàn này tại khu vực. Ngoài ra, Baltika cũng sẽ có cơ hội mở rộng thương hiệu của mình tới các công ty khác thuộc Carlsberg và sử dụng mạng lưới phân phối của tập đoàn này.

Baltika có các nhà máy tại 10 thành phố của Nga và một nhà máy ở Azerbaijan với gần 30 nhãn bia (trong đó có Baltika, Neva, Tuborg, Kronenbourg 1664...) và tám nhãn hàng khác không phải bia.

Theo số liệu của Nielsen, năm 2011, thị phần của Baltika trên thị trường bia Nga đã giảm xuống còn 37,4% từ 39,2% năm 2010. Tổng doanh số bán hàng của Baltika trong năm 2011 đạt 35,5 triệu hl (1lít = 0,01 hl), trong đó có 34,1 triệu hl bia.

Đức Hoàng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/diem-mat-cac-thuong-vu-ty-usd-trong-nganh-bia-ruou-quoc-te-20171219230140512.htm