Điểm mặt 13 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương (kỳ 10): Bột giấy Phương Nam đầu tư ngàn tỷ để... chờ thanh lý

Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ nằm đắp chiếu nhiều năm nay đã có phương án bán đấu giá tài sản vì 'vô phương cứu chữa'.

Bột giấy Phương Nam đầu tư ngàn tỷ, chờ... thanh lý. Ảnh: Imternet

Nhà máy bột giấy Phương Nam được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi vào năm 2003 có tổng mức đầu tư ban đầu là 1.487 tỷ đồng, sau điều chỉnh tăng lên 3.409 tỷ đồng. Chủ đầu tư của nhà máy là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - một đơn vị ngoài ngành giấy.

Một trong những dự án… ưu tiên xử lý

Sau nhiều năm thực hiện đầu tư mà không thể đưa vào sản xuất, kinh doanh vào tháng 6/2009, chủ đầu tư dự án đã được chuyển từ Tracodi sang Vinapaco. Vinapaco sau khi tiếp nhận đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, dự án này liên tiếp gặp phải sự cố và buộc phải dừng hoạt động từ tháng 10/2012 đến nay.

Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng. Tháng 7/2017 vừa qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đăng thông báo bán đấu giá tài sản thuộc Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Tài sản bán đấu giá là toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho không có nhu cầu sử dụng gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trên tổng diện tích.

Được biết, nhà máy Bột giấy Phương Nam có tổng diện tích 453.755m2 tại địa chỉ Ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Đây là tài sản thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam quản lý không còn nhu cầu sử dụng được phép bán đấu giá.

Được biết, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam là một trong số những dự án thua lỗ nghiêm trọng thuộc ngành Công Thương, đang thuộc diện "ưu tiên xử lý" của Chính phủ hiện nay.

Mặc dù vốn chủ sở hữu khi xây dựng dự án chỉ có 39,3 tỷ đồng (khoảng 1% so với tổng vốn đầu tư) nhưng công ty đã đi vay được 2.597,1 tỷ đồng từ nguồn vốn nước ngoài và đã được Chính phủ bảo lãnh.

Dự án được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn. Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).

Tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng. Còn tính đến cuối năm 2016, nếu tính cả lãi suất phải trả thì tổng nợ phải trả của dự án lên tới 2.695 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu khi xây dựng dự án chỉ có 39,3 tỷ đồng (khoảng 1% so với tổng vốn đầu tư), công ty đã đi vay được 2.597,1 tỷ đồng. Công suất nhà máy thiết kế là 100.000 tấn bột giấy/năm. Dự án vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

Trong quá trình đầu tư, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký thư bảo lãnh khoản vay ngân hàng Societe Generale (Pháp) trị giá 67 triệu Euro cho dự án. Do vậy, việc dự án không thể hoàn thành có thể khiến Bộ Tài chính phải đứng ra “trả nợ thay”.

Nhà máy sử dụng công nghệ hóa nhiệt cơ của nhà cung cấp Andritz AG (Áo), là công nghệ mới. Dây chuyền thiết bị theo hồ sơ tài liệu cung cấp thì tương tự các dây chuyển sản xuất từ gỗ mà Andritz AG cung cấp cho các đối tác trên thế giới. Công nghệ hóa nhiệt cơ này tuy đã được áp dụng thành công vào thực tế sản xuất đối với nguyên liệu gỗ chủ yếu từ cỗ cây dương, gỗ bạch đàn và gỗ keo, nhưng chưa được áp dụng vào bất kỳ nhà máy nào trên thế giới để sản xuất bột thương phẩm từ cây đay hoặc các nguyên liệu thực vật tương tự.

Nguyên nhân chính là thiếu năng lực

Nguyên nhân khiến nhà máy “ngàn tỷ” này phải đắp chiếu được giải thích do Tracodi thiếu năng lực, kinh nghiệm. Sau khi chuyển về chủ đầu tư mới là Tổng công ty Giấy Việt Nam, dự án cũng không được làm tốt khâu rà soát, đánh giá tình trạng, không lường hết được những khó khăn về công nghệ, khả năng cung cấp nguyên liệu...

Lý giải nguyên nhân dẫn đến "thảm cảnh" của nhà máy này, Bộ Công Thương từng cho hay, trang thiết bị của Nhà máy Bột giấy Phương Nam lần đầu tiên được lắp đặt để sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới chưa có dây chuyền nào hoạt động, do đó, khi chạy thử có tải đã phát sinh khiếm khuyết, nên không thể thành công.

Bản thân chuyên gia của nhà thầu cũng không cam kết việc dây chuyền sản xuất ra sản phẩm cuối cùng trong khi máy móc thiết bị theo hợp đồng đã ký không có thiết bị dự phòng và thay thế, ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động sau này của Nhà máy.

Mặt khác, dự án tiêu hao nguồn năng lượng lớn và giá nguyên liệu đầu vào cũng có sự thay đổi đáng kể so với khi lập dự án với mức giá mua đay thực hiện là 850 đồng/kg, thay vì mức 180 đồng/kg như khi lập dự án. Chưa kể giống đay được trồng năng suất thấp, lượng đay mua được trong 2 năm 2012-2013 thậm chí chỉ đủ cho nhà máy chạy trong… 14 ngày.

Ngay cả trường hợp thuận lợi nhất (nguyên liệu đủ cho 12 tháng vận hành và có đủ vốn lưu động), thì mỗi tấn sản phẩm do dây chuyền này sản xuất sẽ chịu mức lỗ 4,6 triệu đồng. Điều này khiến nhà máy rơi vào tình trạng càng sản xuất càng lỗ và không có khả năng thu hồi vốn.

Bởi vậy, ngày 12/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương về việc dừng đầu tư Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đồng thời giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An xây dựng phương án xử lý với dự án (thanh lý, nhượng bán) trình Chính phủ.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/diem-mat-13-dai-du-an-thua-lo-cua-nganh-cong-thuong-ky-11-bot-giay-phuong-nam-dau-tu-ngan-ty-cho-thanh-ly-124990.html