'Điềm lành' cho sự sống của Sao Hỏa

Địa cực băng giá của Sao Hỏa có thể che giấu một thế giới núi lửa sôi động mà các nhà khoa học cho là 'điềm lành' trong công cuộc tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.

Một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letters của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ đưa ra bằng chứng cho thấy có thể có hoạt động núi lửa mạnh mẽ xảy ra dưới các địa cực băng giá của Sao Hỏa, và đó là lý do hành tinh này sở hữu các hồ nước ngầm khổng lồ bên dưới băng vĩnh cửu.

Cực Nam Sao Hỏa - nơi NASA tìm thấy rất nhiều nước ngầm ở thể lỏng - Ảnh: NASA

Cực Nam Sao Hỏa - nơi NASA tìm thấy rất nhiều nước ngầm ở thể lỏng - Ảnh: NASA

Nghiên cứu này lý giải cho phát hiện được NASA công bố vào giữa năm 2018 về một hồ nước ngầm rộng đến 20 km bên dưới băng giá cực Nam của Sao Hỏa, cùng bằng chứng tin cậy về vô số hồ nước khác nhỏ hơn dưới Bắc Cực và Nam Cực của hành tinh này.

Trước đây, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng các hồ nước này khá mặn và chính muối đã giữ cho chúng tồn tại ở dạng lỏng. Tuy nhiên, theo nhiên cứu mới này, các nhà khoa học tin rằng chính nhiệt từ hoạt động núi lửa sôi động đã tạo nên điều kỳ diệu đó.

Theo nhà khoa học Michael Sori, đến từ Phòng thí nghiệm Mặt Trăng và hành tinh tại Đại học Arizona (Mỹ), núi lửa sẽ là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Sao Hỏa đang vận động và đây cũng là "điềm lành" về cơ may tìm thấy sự sống trên hành tinh đỏ.

"Chúng tôi nghĩ rằng nếu có bất kỳ sự sống nào, nó có khả năng phải được bảo vệ dưới bề mặt, khỏi bức xạ" – đồng tác giả Ali Bramson cũng đến từ Phòng thí nghiệm Mặt Trăng và hành tinh, cho biết.

Theo các nghiên cứu trước đây, điều kiện trên mặt đất của Sao Hỏa có nhiều yếu tố bất lợi cho sự sống, đặc biệt là bức xạ khá khắc nghiệt. Vì vậy, dưới lòng đất có thể là nơi phù hợp hơn cho cuộc sống phát sinh. Nếu vẫn còn hoạt động của magma núi lửa bên dưới hành tinh, quá trình tan chảy ngầm có thể xảy ra ở bề mặt rộng hơn, góp phần cung cấp một môi trường thuận lợi hơn cho nước lỏng.

Các nhà nghiên cứu ước tính magma bên trong lòng hành tinh đỏ chảy đến khu vực gần bề mặt từ 300.000 năm trước nhưng chúng không phun trào mà nằm yên trong những túi kín ở khu vực gần bềm bặt hành tinh. Thời gian làm các buồng magma này nguội dần đi, bốc hơi nóng làm tan chảy các lớp băng sâu của các địa cực.

Trước giờ, Sao Hỏa cũng được biết đến là một hành tinh sở hữu nhiều núi lửa trên mặt đất, nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng đang hoạt động.

Theo A. Thư/Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/-diem-lanh-cho-su-song-cua-sao-hoa/20200721034205650