Điểm lại những vụ tấn công, ám sát hụt lãnh đạo thế giới

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa thoát chết sau khi trở thành mục tiêu ám sát của máy bay không người lái mang theo chất nổ. Ông không phải là lãnh đạo duy nhất trên thế giới bị tấn công hoặc ám sát hụt.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Theo hình ảnh ghi lại được, lúc Tổng thống Maduro đang phát biểu trong một sự kiện ngày 4/8 tổ chức ngoài trời ở thủ đô Caracas thì hai chiếc máy bay không người lái mang đầy chất nổ được phóng về phía tổng thống, vợ ông và các nhà lãnh đạo Venezuela. Theo Bộ Nội vụ Venezuela Nestor Reverol, một chiếc máy bay không người lái được cài đặt phát nổ phía trên tổng thống, còn chiếc thứ hai sẽ được kích hoạt phía trước ông.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (thứ 2, từ trái qua) tại Lễ kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Lực lượng Phòng vệ quốc gia ở Caracas ngày 4/8. Ảnh: THX/TTXVN)

Quân đội Venezuela đã bắn hạ một chiếc máy bay không người lái. Chiếc thứ hai đâm vào một tòa nhà chung cư cách vị trí ông Maduro đang phát biểu 2 tòa nhà.

Video khoảnh khắc máy bay không người lái bị bắn hạ (nguồn: RT):

Tại hiện trường, khi tiếng nổ phát ra, các nhân viên an ninh đã nhanh chóng dùng các lá chắn lớn che chở cho Tổng thống Maduro và hộ tống ông khỏi khu vực nguy hiểm. Ông Maduro nói: “Chiếc máy bay không người lái đó nhằm vào tôi. Nhưng có một lá chắn tình yêu luôn bảo vệ tôi. Tôi chắc là tôi sẽ sống nhiều năm nữa”.

Chính phủ Venezuela cáo buộc các đối thủ chính trị của ông Maduro đã câu kết với các cá nhân ở Miami, Florida (Mỹ) và Bogota (Colombia) để tìm cách mưu sát ông. Venezuela đã bắt giam 6 người và cáo buộc họ là khủng bố và kẻ ám sát liên quan tới vụ việc.

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa

Hồi tháng 6/2018, ngay sau khi phát biểu trước đám đông ở Bulawayo, thành phố lớn thứ hai Zimbabwe, ông Emmerson Mnangagwa, Tổng thống Zimbabwe từ cuối năm 2017, đã suýt lâm nguy. Khi ông mỉm cười vẫy chào đám đông và rời bục phát biểu thì một quả lựu đạn phát nổ gần chỗ ông. Tổng thống đã thoát chết nhưng một số người thuộc đoàn tùy tùng, trong đó có hai phó tổng thống bị thương và hai nhân viên an ninh thiệt mạng trong vụ nổ.

Video vụ nổ nhằm ám sát ông Emmerson Mnangagwa (nguồn: Guardian):

Phát biểu với kênh ZBC, ông Mnangagwa đã đùa về vụ ám sát hụt: “Vụ nổ cách chỗ tôi vài cm nhưng tôi chưa đến lúc”. Ông nói mình đã bị ám sát vô số lần trước đây và giờ đã quen với việc thoát khỏi bị ám sát.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump, khi đó là ông trùm bất động sản và trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ đã đối mặt với nhiều mối đe dọa. Tháng 6/2016, trong một chiến dịch vận động tranh cử ở Las Vegas, Nevada, một người tên là Michael Steven Sandford 20 tuổi, quốc tịch Anh đã giật súng của một sĩ quan để bắn ông Trump. Cảnh sát ngay lập tức phản ứng và bắt giam Sandford.

Ông Trump dường như hoàn toàn không bị vụ việc tác động. Ông nói với đám đông: “Chúng ta yêu cảnh sát” trong khi kẻ suýt thành sát nhân bị lôi đi. Ông nói cảm ơn cảnh sát và tiếp tục bài phát biểu. Sandford bị trục xuất về Anh tháng 5/2017 sau khi ngồi tù gần 1 năm.

Ông Trump cũng trải qua hai sự cố nữa khi tranh cử tổng thống. Một lần hồi tháng 3/2016 ở Ohio khi một người đàn ông tìm cách lao lên sân khấu nơi ông đang phát biểu. Một lần nữa là vào ngày 5/11/2016 chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, ông Trump đã đưa khỏi sân khấu ở Reno, Nevada sau khi một ai đó hét lên “Súng”.

Chủ tịch ECB Mario Draghi

Tháng 4/2015, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã trải qua một khoảnh khắc dù không chết người nhưng cũng không lấy gì làm thoải mái khi đụng độ với một phụ nữ biểu tỉnh. Bà này nhảy lên bàn chỗ ông đang ngồi rồi ném giấy vào mặt ông và hét to: “Chấm dứt chế độ độc tài ECB”.

Sự việc xảy ra trong một họp báo ở Frankfurt, Đức. Sau đó, nhân viên an ninh đã giải người biểu tình quá khích này ra ngoài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đối mặt với một sự cố tương tự hồi tháng 4/2013 ở Hannover, Đức. Một thành viên để ngực trần của Femen, nhóm hoạt động cực đoan vì nữ quyền ở Ukraine, đã lao vào ông Putin, gọi ông là độc tài. Tiếp đó, một phụ nữ khác cũng lao về phía Tổng thống sau đó.

Vẻ mặt của Tổng thống Putin trước người phụ nữ biểu tình. Ảnh: AFP

Khi xảy ra sự việc, Tổng thống Putin dường như trông rất thích thú và cười khi đứng sau vệ sĩ Đức và Nga. Lúc đó, ông Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tham gia một hội chợ thương mại ở Hannover. Khi phát biểu tại họp báo sau đó, Tổng thống Putin nói ông “thích” cuộc biểu tình vừa rồi và đùa rằng nhà tổ chức hội chợ cần cảm ơn những cô gái Ukraine vì đã giúp quảng bá hội chợ thương mại. Ông còn nói nếu ai đó muốn bàn vấn đề chính trị thì nên mặc quần áo đầy đủ hơn là khỏa thân.

Chính trị gia Bulgaria Ahmed Dogan

Ông Ahmed Dogan bị một người đàn ông chĩa súng thẳng vào đầu.

Hồi tháng 1/2013, chính trị gia Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Dogan, lãnh đạo Phong trào Quyền lợi và Tự do (MRF) đã bị một tay súng lao lên sân khấu nơi ông đang phát biểu rồi chĩa súng thẳng vào đầu. Sau một lúc bối rối, vị chính trị gia này đã phản công, đánh vào tay kẻ tấn công và vật lộn với hắn một lúc trước khi được vệ sĩ hỗ trợ.

Sau này, người ta biết khẩu súng đó không có đạn mà chỉ có hơi cay. Kẻ tấn công là Oktai Enimehmedov, 25 tuổi, cũng là một người Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Anh ta là một sinh viên kiến trúc có tiền án liên quan tới ma túy, trộm cắp, tấn công. Sau vụ việc, anh ta phải ngồi tù 3,5 tháng. Trước khi chĩa súng vào đầu ông Dogan, anh ta đã để lại một mẩu giấy ở nhà gửi cho mẹ, nói rằng anh ta không có ý định giết ông Dogan mà chỉ muốn cho ông ta thấy rằng ông ta không phải là “không thể xâm phạm”.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Tháng 6/2011, Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đã chạm trán với một người đàn ông khi đang bắt tay người ủng hộ ở miền nam nước Pháp. Ông Sarkozy bị một người túm vai, suýt bị vật xuống đất. Sau đó, lực lượng an ninh đã lôi kẻ tấn công ra chỗ khác.

Video ông Sarkozy bị tấn công (nguồn: RT)

Thủ phạm tấn công ông Sarkozy là Hermann Fester 32 tuổi, nhân viên một rạp hát. Người này chỉ bị phạt lao động công ích trong hai ngày. Nếu bị ông Sarkozy kiện, người này có thể ngồi tù ba năm và bị phạt 40.000 bảng vì tấn công một nhân vật của công chúng.

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi

Tháng 12/2009, trong một cuộc tuần hành ở Milan, Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi bị ai đó ném một vật thể vào mặt, gây vỡ sống mũi và bị thương ở răng. Ông Berlusconi vẫn tỏ ra mạnh mẽ, ra khỏi ô tô và nhìn vào đám đông để tìm thủ phạm. Sau đó, ông đã vào xe và được chở đi.

Tổng thống Mỹ George W. Bush

Cuối năm 2008, Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm George W. Bush đã bị một nhà báo Iraq tên là Muntadhar al-Zaidi ném giày vào người trong một cuộc họp báo với Thủ tướng Iraq.

Ông al-Zaidi vừa ném giày vừa xúc phạm Tổng thống Bush và nói rằng chiếc giày là “nụ hôn tạm biệt từ người dân Iraq”. Ông nói: “Đây là để trả thù cho những quả phụ và trẻ mồ côi và những ai bị giết ở Iraq”. Sau đó, ông ném chiếc giày thứ hai về phía ông Bush.

Nhà báo này đã bị nhân viên an ninh đánh đập và ngồi tù 9 tháng.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/diem-lai-nhung-vu-tan-cong-am-sat-hut-lanh-dao-the-gioi-20180808110338204.htm