Điểm lại những công trình tiêu biểu kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long

Nhân dịp chào mừng 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, cùng nhìn lại những công trình văn hóa, kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô đã được khánh thành vào dịp Đại lễ kỷ niệm Hà Nội ngàn năm tuổi.

Con đường gốm sứ sông Hồng hiện nay. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Con đường gốm sứ sông Hồng hiện nay. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Con đường gốm sứ ven sông Hồng

Con đường gốm sứ ven sông là món quà của những tấm lòng dâng lên Thăng Long-Hà Nội nhân dịp ngàn năm tuổi.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng. Đây chính là bức tranh gốm đa dạng mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng.

Con đường này được khánh thành ngày 25/9/2010 sau 3 năm xây dựng. Đây là công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Cùng năm, con đường gốm sứ đã được tổ chức Guinness trao chứng nhận "Bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới."

Sau 10 năm, mặc dù đã qua nhiều lần đại tu, tuy nhiên đến hiện tại con đường vẫn còn có một số đoạn đã xuống cấp, nhiều mảng gốm bị phồng rộp, nứt vỡ, bong tróc. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, bức tranh gốm được xây dựng cạnh đường giao thông, độ rung lớn và thời tiết khắc nghiệt cũng tác động đến độ bền của tranh. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, những hình ảnh về Việt Nam và Thủ đô thể hiện trên con đường gốm sứ càng tô đậm thêm bản sắc dân tộc của mảnh đất ngàn năm văn hiến. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Công viên Hòa Bình

Công viên Hòa Bình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 20 ha tại phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đây là công trình được xây dựng vừa để đánh dấu sự kiện Hà Nội được vinh danh danh hiệu thành phố vì hòa bình, vừa để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Đây là địa điểm có nhiều biểu tượng nhằm tôn vinh giá trị hòa bình của Thủ đô nghìn năm tuổi. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt các biểu tượng, hình tượng cho an lành thế giới như chim hạc, trái đất, chim bồ câu...

Sau 10 năm, hiện nay công viên cũng có phần xuống cấp, tuy nhiên đây vẫn một địa điểm thú vị đối với người dân Thủ đô đến và thăm quan những kiến trúc độc đáo có một không hai.

Khuôn viên Công viên Hòa Bình nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Tượng đài Hòa bình, cũng như các biểu tượng tại công viên Hòa Bình hôm nay, cho đến mai sau sẽ vẫn mãi có sức sống mãnh liệt. Đây cũng chính là biểu tượng, là minh chứng rõ ràng nhất cho khát vọng hòa bình của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội khánh thành tháng 10/2010 cũng nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, đây là công trình văn hóa nổi bật của thành phố với kiến trúc độc đáo, hiện đại, nằm gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Mặc dù được khánh thành từ năm 2010, nhưng đến nay sau 10 năm, Bảo tàng Hà Nội vẫn chưa hoàn thành trưng bày nội thất để có thể mở cửa đón khách tham quan. Lượng khách ra vào bảo tàng còn khá vắng vẻ.

Theo thông tin từ Ban quản lý bảo tàng, giai đoạn một dự án gồm tòa nhà bảo tàng đã hoàn thành năm 2010, là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội. Giai đoạn hai của bảo tàng gồm nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng sau đó được điều chỉnh kéo dài đến 2019.

Từ ngày 20/5/2020, Bảo tàng Hà Nội tạm dừng đón khách tham quan, phục vụ công tác thi công trưng bày thường xuyên tổng thể bảo tàng. Dự kiến, thời gian mở cửa trưng bày thường xuyên từ cuối năm 2021.

Kiến trúc công trình bảo tàng có dạng kim tự tháp ngược, với cầu thang xoáy ốc đưa khách đến các khu trưng bày. Đây chính là yếu tố để tờ Business Insider bình chọn là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Bảo tàng Hà Nội là nơi tái hiện một Hà Nội xưa và nay với hơn 7.000 hiện vật liên quan đến Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hệ thống trưng bày trong nhà gồm: Cổ vật tiêu biểu, cổ vật Việt Nam, cổ vật nước ngoài, ký ức tháng Mười, triển lãm ảnh Hà Nội xưa và nay, sưu tập hiện vật chất liệu gỗ,… mỗi hiện vật có câu chuyện, đời sống và được chứng minh trải qua hành trình thăng trầm của lịch sử. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

(Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tượng đài Bác Hồ-Bác Tôn

Nằm trong khuôn viên đảo Thống Nhất thuộc Công viên Thống Nhất, Tượng đài Bác Hồ-Bác Tôn là một trong những bức tượng đặc biệt quý giá của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh tặng Thủ đô Hà Nội nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tượng đài Bác Hồ-Bác Tôn đã phác họa nổi bật phong thái của hai vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, từ trang phục, ánh mắt, thế đứng, đến tư thế bắt tay, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm ruột thịt Bắc-Nam. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tượng được làm bằng chất liệu đồng hợp kim, có chiều cao 5,4m, nặng khoảng 20 tấn. Tác phẩm thể hiện tư thế Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn sau khi Bác Tôn được Quốc hội khóa 2/1960 bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Kể từ thời gian khánh thành đến hiện nay, khuôn viên xung quanh tượng vẫn luôn là một điểm đến thú vị thu hút người dân đến thăm quan và vui chơi. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tượng đài vua Lê Thái Tổ

Nằm ở số 16 phố Lê Thái Tổ, bên bờ phía Tây hồ Gươm, tượng đài vua Lê Thái Tổ được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, là tượng đài cổ nhất của Hà Nội còn được lưu giữ đến nay. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu dịp kỷ niệm Đại Lễ 1000 năm Thăng Long.

Toàn bộ các hạng mục của khu tượng đài có sự kết hợp hài hòa với khung cảnh của hồ Gươm, vừa mang vẻ trang nghiêm vừa không kém phần nên thơ.

Ngày nay, tượng đài vua Lê vừa là một công trình thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vừa là một điểm đến mà du khách không nên bỏ qua trên hành trình khám phá hồ Gươm.

Tượng đài này nằm trong một khuôn viên rộng trồng nhiều cây xanh, các công trình từ ngoài vào trong gồm cổng, nhà phương đình và tượng đài. Phần tượng đài dựng trên một cấp nền cao hơn 0,8 mét, có bậc tam cấp dẫn lên ở giữa, hai bên có tượng hổ chầu, phía sau có bình phong. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tượng vua Lê đặt ở trên bệ đá cao chót vót hình trụ tròn, chân bệ choãi ra như một chiếc trống đồng lịch sử. Lê Thái Tổ, mình mặc áo hoàng bào, đầu đội mũ bình thiên, đang uy nghi cầm kiếm nhìn ra phương Bắc. Đây là pho tượng cổ thuộc vào loại hiếm của Hà Nội với hình ảnh thanh kiếm đã đi vào truyền thuyết của dân tộc. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

(Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Minh Hiếu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/diem-lai-nhung-cong-trinh-tieu-bieu-ky-niem-dai-le-1000-nam-thang-long/667948.vnp