Điểm lạ trong sự lạc quan của người Việt

Theo kết quả mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board và Nielsen, Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về lạc quan.

Theo đó sự tăng trưởng niềm tin về triển vọng việc làm và tình trạng tài chính cá nhân đã kéo chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua, xếp thứ 4 trên thế giới về lạc quan.

Đây là kết quả mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board và Nielsen, một công ty đo lường hiệu quả kinh doanh toàn cầu vừa công bố ngày 29/6.

Với việc tăng 9 điểm so với quý trước, Việt Nam nằm trong 3 quốc gia đạt điểm số cao bên cạnh Philippines và Indonesia.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, sự tự tin của người tiêu dùng có thể dựa trên các tính hiệu tích cực của nền kinh tế song song với tốc độ tăng trưởng nhanh và tiềm năng phát triển xa hơn.

Ngoài ra, với đà tăng trưởng kinh tế ở các ngành công nghiệp, kết hợp với tín hiệu tích cực dòng vốn đầu tư nước ngoài, việc tăng thu nhập hộ gia đình và chính sách định hướng tăng trưởng của chính phủ có thể chuyển thành sự lạc quan của người tiêu dùng.

Bà Hương Quỳnh chỉ ra rằng, tâm lý tích cực của người tiêu dùng tại Việt Nam lại không dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh, với mức tăng trưởng trong quý 1 chỉ đạt 1,8%. Tốc độ tăng trưởng này chậm hơn dự kiến và phản ánh sự biến động của ngành tiêu dùng nhanh ở Việt Nam, có thể do thay đổi hành vi tiêu dùng.

Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về lạc quan (Ảnh TT)

Theo đó, sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt thiết yếu, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các khoản mục lớn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống như sắm quần áo mới, chi tiêu cho các ngày nghĩ lễ, mua sắm các sản phẩm công nghệ mới, vui chơi giải trí bên ngoài và sửa chữa nâng cấp nhà cửa…

Dù vậy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn có xu hướng tăng mức tiết kiệm khi 73% người Việt được hỏi cho biết họ sử dụng tiền nhàn rỗi để tiết kiệm.

Trước đó, Việt Nam vẫn luôn là nước có thứ hạng cao về độ lạc quan, lạc quan về triển vọng việc làm nhưng mua sắm lại không tăng.

Cụ thể, trong quý 3/2017, Việt Nam trở thành quốc gia có mức độ lạc quan cao thứ 5 toàn cầu, đứng sau Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Mỹ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 66% người Việt để dành tiền vào tiết kiệm (so với 63% trong quý trước).

Trước đó vào năm 2016, Việt Nam vẫn là quốc gia thứ 07 lạc quan nhất trên toàn cầu.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám Đốc, Nielsen Việt Nam từng cho biết: "Chỉ số niềm tin tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao mặc dù thị trường chỉ đạt mức tăng trưởng vừa phải và còn nhiều biến động đang diễn ra".

Báo cáo cũng cho thấy, trong quý 3, tính ổn định công việc (47%) dẫn đầu danh sách các mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt.

"Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng tiếp tục chú trọng vào tương lai của họ; do đó sự bảo đảm về tài chính sẽ vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ. Tính ổn định công việc và triển vọng kinh tế có tác động trực tiếp đến mức độ đảm bảo về tài chính của người tiêu dùng, và điều này lý giải tại sao tính ổn định công việc đã dẫn đầu danh sách những mối quan tâm hàng đầu của người Việt Nam."- bà Quỳnh từng nhấn mạnh.

Năm 2015, Việt Nam là quốc gia được xếp hạng thứ 10 trên toàn cầu về mức độ lạc quan của người tiêu dùng.

Thời điểm đó, Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu toàn cầu về tiết kiệm với 78% người tiêu dùng khẳng định điều này. Hơn 8 trong 10 người Việt (86%) đã điều chỉnh thói quen chi tiêu của mình trong 12 tháng qua để tiết kiệm chi phí bởi lẽ hầu hết họ đều cho rằng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt cũng cho hay, sau khi trang trải các chi phí thiết yếu trong cuộc sống, họ cũng sẵn sàng dành tiền cho các khoản chi tiêu khác như: các kỳ nghỉ/du lịch (42%) và trang trí/sửa chữa nhà cửa (41%) cũng như mua quần áo mới (39%).

Thu Trang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/diem-la-trong-su-lac-quan-cua-nguoi-viet-3360959/