Điểm hạnh kiểm

Đến hầu khắp các trường học, chúng ta đều đọc được khẩu hiệu giáo dục: 'Tiên học lễ, hậu học văn' - nôm na là dạy làm người trước khi dạy chữ. Nhưng thực tế thì ở rất nhiều trường, việc thực hiện vẫn chưa được bao nhiêu.

Như việc xét hạnh kiểm cho các con chẳng hạn. Để xem yếu tố cấu thành nên điểm hạnh kiểm của con là gì? Hầu hết ở các trường công, con được hạnh kiểm tốt là do con không đi học muộn, không nói chuyện riêng trong lớp, không bị điểm kém, vâng lời thầy cô. Để khuyến khích các con, các lớp cũng có chấm điểm, có giám sát qua các bạn cán bộ lớp, sao đỏ, nhưng rút cục khi tổng kết đa số trong lớp các bạn đều đạt hạnh kiểm tốt.

Ở một số trường dân lập, khi xét điểm hạnh kiểm ngoài đạt những tiêu chí giống các trường công đưa ra, các con sẽ có thêm một loại điểm nữa đó là điểm đóng góp cho cộng đồng. Theo đó, hằng năm, trường sẽ tổ chức một số hoạt động dã ngoại kiểu thi chạy, đạp xe đạp để gây quỹ cho các trẻ em nghèo hay lớp sẽ tổ chức một buổi ngoại khóa cho các con đi nhặt rác, dọn sạch môi trường ở đâu đó. Đây là điều rất tốt, song rất tiếc, loại điểm này chưa chắc đã đóng góp nhiều trong tổng điểm hạnh kiểm mà các con đạt được. Thế nên, việc các con có tham gia ngoại khóa hay không cũng không tác động nhiều đến điểm hạnh kiểm cuối kỳ của con. Thực tế là có những con chẳng tham gia đóng góp cho cộng đồng bao giờ mà vẫn luôn đạt hạnh kiểm tốt.

Trong khi đó ở nước ngoài thì khác hẳn, con trai tôi vừa du học tại Canada, thông báo về với mẹ là con đã đăng ký đi làm gia sư kèm các bạn trong lớp yếu các môn tự nhiên. Nếu đăng ký làm công việc mang tính chất cộng đồng này sẽ được điểm cộng rất lớn cho điểm hạnh kiểm cuối kỳ. Ngoài công việc gia sư, còn rất nhiều việc khác, tùy theo khả năng của trẻ chúng có thể đăng ký để làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng. Và tất nhiên, con đạt điểm hạnh kiểm tốt phải có tối thiểu nhiều giờ tham gia vào các hoạt động cộng đồng như vậy.

Giáo dục đạo đức cho con trẻ từ khía cạnh này chắc chắn sẽ không còn là những bài học mang tính lý thuyết. Và người ta dạy “lễ” cho con trẻ là ở chỗ ấy. Đổi mới phương pháp dạy học không phải là thứ gì cao siêu, có khi chỉ đơn giản từ buổi tổ chức cho các con đi nhặt rác làm sạch môi trường, hay tổ chức cho chúng nấu một nồi cháo từ thiện…, chứ không phải cứ hô hào chung chung, cuối cùng cho các con đạt hạnh kiểm tốt để “đẹp” thành tích!

A.Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/diem-hanh-kiem-tintuc422000