Điểm giống và khác giữa hai thủ tướng sinh con khi tại vị

Nhà lãnh đạo nữ đầu tiên trên thế giới sinh con khi đương chức là cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto. Bà và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có một số điểm trùng hợp thú vị.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới sau khi trở thành nữ thủ tướng thứ hai sinh con khi đang đương chức. Người đầu tiên là cố thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto.

Điểm giống nhau đầu tiên là con gái nữ thủ tướng New Zealand sinh vào ngày 21/6, cũng chính là ngày sinh của bà Bhutto cách đây 65 năm, vào năm 1953.

Thủ tướng New Zealand sinh con gái đầu lòng khi 37 tuổi, cũng bằng tuổi bà Bhutto khi bà sinh con gái Bakhtawar Bhutto Zardari vào ngày 25/1/1990.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bên cạnh bạn đời Gayford và con gái đầu lòng hôm 21/6. Ảnh: Instagram.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bên cạnh bạn đời Gayford và con gái đầu lòng hôm 21/6. Ảnh: Instagram.

Tuy nhiên, trái ngược với Thủ tướng Ardern, bà Bhutto ở trong tình trạng nguy hiểm chính trị khi sinh đứa con đầu lòng.

Thủ tướng New Zealand đã thông báo về việc mang thai của mình 3 tháng sau khi nhậm chức. Bà cũng sẽ có 6 tuần nghỉ thai sản và giao lại nhiệm vụ cho phó thủ tướng.

Trong khi đó, bà Bhutto giữ kín về việc mang thai, ngay cả với các cộng sự trong nội các của mình và quay lại làm việc ngay ngày sau đó, với sự đồng ý của bác sĩ.

"Không ai trong nội các biết rằng thủ tướng sắp sinh con", Javed Jabbar, một thành viên trong chính phủ Pakistan, sau đó nói với BBC.

"Ngày hôm sau tôi đã trở lại làm việc, đọc và ký các giấy tờ của chính phủ", bà Bhutto sau đó cho biết.

Sau khi sinh con gái đầu lòng, thủ tướng Pakistan mới biết được rằng bà là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trong lịch sử sinh con trong khi đang đương chức. "Đó là một thời điểm đặc biệt, nhất là đối với những phụ nữ trẻ, thời điểm chứng minh rằng một người phụ nữ có thể vừa làm việc và làm mẹ khi ở vị trí lãnh đạo cao nhất và đầy thử thách nhất", bà Bhutto nói.

Tuy nhiên, khác với nữ thủ tướng New Zealand hiện tại, vào thời điểm đó, bà Bhutto đang ở trong tâm bão chính trị.

Khi cô con gái Bakhtawar của nữ thủ tướng Pakistan được sinh ra, một liên minh cánh hữu được giới quân sự tài trợ đã “bao vây” chính phủ của bà Bhutto. Các cựu quan chức tình báo Pakistan đã cố gắng mua chuộc những người ủng hộ bà Bhutto ở quốc hội.

Vài tháng sau khi con gái chào đời, bà Bhutto đã bị Tổng thống Pakistan Ghulam Ishaq Khan bãi nhiệm. Một cuộc bầu cử sau đó đã mở đường cho liên minh đối thủ lên nắm quyền vào cuối năm bà sinh cô con gái đầu lòng.

Bà Bhutto vào năm 2007, trước khi bị ám sát. Ảnh: Bloomberg.

Nếu như vào thời điểm đó, lãnh tụ đối lập Syeda Abida Hussain cáo buộc bà Bhutto muốn làm mẹ hơn là phục vụ đất nước, quyết định nghỉ thai sản 6 tuần của nữ thủ tướng New Zealand lại được xem là một ví dụ tốt trong bối cảnh nhiều phụ nữ bị phân biệt đối xử vì mang thai và nghỉ thai sản.

“Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc với những phụ nữ sinh con”, cô Stephania Varalli, CEO của Tổ chức Women of Influence (Phụ nữ có ảnh hưởng) tại Toronto, Canada nói. Tiền lương của họ thấp hơn, khả năng nhận được công việc ít hơn hoặc bị xem là ít năng lực hơn vì phải gánh cả việc chăm sóc con cái.

Cô Varalli cho rằng, ví dụ về Thủ tướng Ardern cho thấy phụ nữ có thể lựa chọn cả sự nghiệp và thiên chức làm mẹ. Việc có con không phải là một trở ngại.

Quyết định làm một ông bố toàn thời gian của ông Clarke Gayford, người dẫn chương trình truyền hình về câu cá, bạn đời của nữ thủ tướng New Zealand, cũng giúp phá vỡ những khuôn mẫu về việc làm cha và hy vọng sẽ khuyến khích các ông bố dành thời gian nhiều hơn với đứa trẻ.

Nữ thủ tướng 37 tuổi của New Zealand đến Đà Nẵng dự APEC Đoàn đại biểu New Zealand do Thủ tướng Jacinda Ardern dẫn đầu đến tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đáp xuống sân bay Đà Nẵng tối 9/11.

Hương Đoàn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/diem-giong-va-khac-giua-hai-thu-tuong-sinh-con-khi-tai-vi-post853918.html