Điểm đến mới ở Vĩnh Phúc

Nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, những năm qua, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước. Vĩnh Phúc cũng là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: 'Phố núi' Tam Đảo với khí hậu trong lành, mát mẻ;

Khu di tích danh thắng Tây Thiên-một trong những địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái hấp dẫn ở khu vực phía Bắc; Tháp Bình Sơn-một di tích lịch sử có vẻ đẹp kiến trúc độc đáo; cụm di tích đình chùa Hương Canh với những nét trạm trổ điêu khắc điệu nghệ… Hai năm gần đây, đến tham quan du lịch tại Vĩnh Phúc, nhiều du khách không quên vào thăm Văn miếu Vĩnh Phúc-một công trình văn hóa tiêu biểu nhằm tôn vinh truyền thống khoa học, truyền thống hiếu học lâu đời của địa phương.

Tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 42.000m2 tại một vị trí đẹp ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, Văn miếu Vĩnh Phúc được xây dựng theo mô hình kiến trúc của Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Đây là quần thể kiến trúc tập hợp nhiều công trình, gồm: Tứ trụ, cầu đá, Văn miếu môn, giếng thiên quang, nhà bia tiến sĩ, đại thành môn, gác chuông, gác trống, tả mạc, hữu mạc, sân hành lễ và khu nhà thờ chính.

Các em học sinh tham quan Văn miếu Vĩnh Phúc.

Khi vào tham quan Văn miếu Vĩnh Phúc, hình ảnh uy nghi đầu tiên hiện ra trước mắt du khách là tứ trụ được dựng bằng đá khối, hai trụ giữa cao, phía trên đắp nổi 4 con chim phượng xòe cánh, đuôi chắp vào nhau, đầu hướng ra phía ngoài; hai trụ biên đắp nổi hình nghê chầu vào. Theo quan niệm truyền thống, hình tượng “nghê chầu phượng múa” là biểu tượng của quyền uy, sức mạnh và tài năng. Bước qua Văn miếu môn (cổng tam quan) với một cổng chính và hai cổng phụ có hình mái cong trông giống như một vọng lâu, du khách sẽ được hòa vào không gian thông thoáng của giếng thiên quang được ví như một tấm gương soi đón ánh sáng rực rỡ của mặt trời.

Nổi bật trong khuôn viên Văn miếu Vĩnh Phúc là hai dãy nhà bia tiến sĩ đối xứng hai bên giếng thiên quang. Hai nhà bia đều có 9 gian với kết cấu gỗ lim, mái lớp ngói mũi, phía dưới đặt 18 tấm bia phục chế trên lưng rùa, trên bia khắc tên 91 vị đỗ đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc trong khoảng 9 thế kỷ từ thời Lý đến thời Nguyễn. Thân bia hình chữ nhật, xung quanh có một khung rộng, được khắc chữ ở hai mặt, một mặt chữ Hán, một mặt chữ quốc ngữ, nội dung ghi tên tuổi, quê quán, năm sinh, năm mất, năm đỗ khoa trường, chức vụ của các vị tiến sĩ. Trong số đó có những danh nhân nổi tiếng, như: Trạng nguyên Phạm Công Bình (xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc), Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch), Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên)… Một công trình ấn tượng trong khuôn viên Văn miếu Vĩnh Phúc là khu nhà thờ các bậc tiên thánh, danh nhân, được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền, gồm hai tòa tiền đường và hậu cung nối với nhau bởi tòa ống muống, bên trong là hệ thống ban thờ, hương án, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng đẹp mắt.

Ông Dương Văn Minh, Phó trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Văn miếu Vĩnh Phúc là biểu trưng cho tinh thần trọng học, trọng nhân tài. Từ khi đi vào hoạt động đầu năm 2017 đến nay, Văn miếu Vĩnh Phúc đã đón hàng vạn lượt người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống khoa bảng của địa phương. Nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được tổ chức tại đây, như: Gặp mặt các dòng tộc khoa bảng tiêu biểu; tuyên dương các dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học, học sinh giỏi của tỉnh; triển lãm trưng bày tư liệu, hiện vật giáo dục, thi cử dưới các triều đại phong kiến; hội thi thư pháp và tặng chữ đầu xuân…

Bài và ảnh: BẢO NHƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/diem-den-moi-o-vinh-phuc-557747