Điểm đến du lịch tâm linh độc đáo

Trải qua trên 700 năm tồn tại và phát triển, Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn đã đi vào tiềm thức và không thể thiếu trong đời sống tâm linh của dân tộc. Trong không gian linh thiêng của núi rừng Côn Sơn với núi non trùng điệp, rừng thông vi vút, hệ thống di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, kiến trúc, tâm linh cùng nhiều nghi lễ, diễn xướng, trò chơi dân gian với nội dung phong phú, giàu chất dân gian

Linh thiêng và trang trọng các nghi lễ

Mở đầu các nghi lễ diễn ra trong lễ hội mùa Xuân Côn Sơn là lễ dâng hương và lễ tế khai hội tại đền Kiếp Bạc và chùa Côn Sơn vào ngày 10/1 âm lịch. Trọng tâm lễ hội năm nay là lễ khai hội, được tổ chức vào ngày 16/1 âm lịch hàng năm, gắn với tưởng niệm 684 năm ngày mất của Đệ tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 – 2018), đồng thời công bố Quyết định của Thủ tướng công nhận “Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi” là Bảo vật quốc gia.

Trước đó, đại biểu cùng nhân dân sẽ tham gia nghi lễ rước nước (mộc dục). Đây là nghi lễ quan trọng với mục đích lấy nước làm lễ mộc dục (tắm tượng), đồng thời biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã; biểu hiện ước muốn cầu mùa, cầu nước, cầu nhân khang vật thịnh, phong đăng hòa cốc... Ông Lê Duy Mạnh, Phó Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: “Lễ rước năm nay sẽ được tổ chức long trọng và kỹ lưỡng hơn nữa, đoàn rước từ chùa Côn Sơn ra đến hồ Côn Sơn kéo dài hàng ki lô mét với đầy đủ nghi trượng, cờ hoa, lễ phẩm.... nước được lấy ở hồ Côn Sơn và phải ở chỗ nước trong, sâu và sạch nhất để làm nghi lễ xin nước. Sau khi bình thủy được rước về chùa, an vị, các nhà sư làm lễ trì chú, mộc dục theo nghi thức truyền thống của Phật giáo, sau đó nước được tưới lên thần vị Tam tổ Trúc Lâm những giọt nước thơm tinh khiết và đồng tâm niệm cho thân tâm an lạc, quốc thái dân an”.

Đền Nguyễn Trãi

Tiếp đó, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc linh từ được tổ chức vào sáng ngày 17/1 âm lịch hằng năm là nghi lễ kính cáo với trời đất vào ngày linh thiêng nhất của lễ hội đầu năm, cầu mong trời đất chứng kiến lòng thành kính và phép ứng xử trong đời sống xã hội của cộng đồng hợp với đạo trời - từ bi hỷ xả mà trời đất, Thánh Phật phù giúp cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.

Lễ tế được tổ chức tại Trung Nhạc Miếu (một trong 5 ngọn núi ngọn núi thiêng tượng trưng cho năm phương “Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung phương” mỗi phương ứng với một hành, Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), do các pháp sư thực hiện. Sau đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương ban Ngũ cốc cho nhân dân cùng du khách thập phương. Ngũ cốc dâng tế là 5 loại hạt: thóc, ngô, đỗ, vừng, lạc đã được chọn lọc kĩ, lại được Phật, Thánh, Trời, Đất chứng giám… mang về trộn vào Thóc giống, Ngô giống, Đỗ giống, vừng giống, lạc giống gieo trồng; mùa màng bội thu, muôn dân no ấm, thanh bình…để đầu năm sau lại mang Ngũ cốc lên tế tạ ơn Trời, Đất.

Lễ đàn Mông Sơn thí thực được tổ chức vào tối ngày 23/1 âm lịch hằng năm, là nét đẹp văn hóa tâm linh tiêu biểu trong lễ hội mùa xuân Côn Sơn. Côn Sơn là một trong chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Bởi vậy, nghi lễ thể hiện uy linh của tam tổ Trúc Lâm, Tư đồ Trần Nguyên Đán và Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; đồng thời bố thí cho các cô hồn âm thế trong toàn quốc Việt Nam để cứu độ chúng sinh, cầu cho quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, thiên hạ thái bình...hấp dẫn hơn là tập tục những người tham dự chen nhau vào cướp đồ lễ (cướp cháo thí) để lấy may tạo ra không khí rất ấn tượng.

Sôi nổi và hấp dẫn trong phần hội

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn không chỉ hấp dẫn du khách bởi các nghi lễ, diễn xướng linh thiêng, độc đáo mà còn hấp dẫn bởi các hoạt động hội đa dạng, phong phú mang tính đặc thù. Một trong những hoạt động sôi nổi, náo nhiệt và mang đầy tính nhân văn đó là Hội thi gói bánh chưng, giã bánh giầy được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng giêng Âm lịch hằng năm. Hoạt động này không những mang lại không khí vui nhộn cho lễ hội mà còn mang lại giá trị văn hóa sâu sắc bởi bánh chưng, bánh giầy là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Bánh đạt giải sẽ được rước lên chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, Ngũ Nhạc Linh Từ, đền Kiếp Bạc... kính dâng lên Phật, Thánh. Hai đội giành giải nhất sẽ được vinh dự tham gia hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy tại Lễ giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng năm đó.

Hội chùa Côn Sơn

Cùng với hội thi bánh chưng, bánh giầy, Hội thi liên hoan pháo đất như làm không khí của lễ hội nóng lên bởi không khí thi đấu diễn ra vô cùng sôi nổi trong tiếng trống, tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả. Hội thi là một sân chơi rèn luyện sức khỏe và thể hiện sự kế thừa, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của thế hệ cha ông để lại. Không kém phần sôi động, Hội thi vật dân tộc là giải đấu được tổ chức thường niên, góp phần làm sinh động thêm phần hội. Các đô vật có những trận thi đấu nảy lửa, cống hiến nhiều miếng đánh hay cho khán giả. Đặc biệt, du khách thập phương đến Lễ hội còn được thử sức, tham gia tranh tài và nhận giải thưởng ở nội dung Lèo (tự do đăng ký thi đấu). Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động khác được diễn ra tại không gian của lễ hội như: Hát văn ở đền Kiếp Bạc, đấu cờ tướng, viết thư pháp, hát chèo…miễn phí phục vụ du khách về trẩy hội, du xuân tại khu vực đền thờ Nguyễn Trãi.

Thi đấu vật tại lễ hội

Ông Lê Duy Mạnh cho biết thêm: “Điểm mới trong năm nay là Ban tổ chức đã tiến hành dẹp bỏ toàn bộ các hàng quán trong khu vực nội tự chùa Côn Sơn nhằm trả lại vẻ đẹp tôn nghiêm cho không gian nơi đây, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo du khách thập phương đến lễ hội được an nhiên, an toàn và phấn khởi, Ban tổ chức đã phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương bố trí các tổ cảnh sát giao thông cơ động, sẵn sàng phân luồng, tuyến, có mặt kịp thời điều tiết giao thông khi xảy ra ách tắc; Tổ chức cho các hộ dân trong khu vực di tích ký cam kết không tăng giá và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; không để hình thức kinh doanh đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch trong khu vực di tích, khu vực lễ hội, không cài, giắt, đặt rải tiền tùy tiện, gây phản cảm, bố trí bàn công đức hợp lý để phục vụ nhân dân…tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề mê tín, dị đoan, nâng giá, chèo kéo du khách.

Nguyễn Thế Anh (TT Thông tin XTDL Hải Dương)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/du-lich/diem-den-du-lich-tam-linh-doc-dao-34032