Điểm danh những TNC 'khốn đốn' vì đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Các lệnh phong tỏa biên giới, sự 'đóng băng' của nền kinh tế lớn cũng như việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn, đã khiến nhiều doanh nghiệp phải 'khốn đốn', đứng trên bờ vực phá sản, đặc biệt là các TNCs.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Công ty xuyên quốc gia (TNCs) là những doanh nghiệp được cấu thành bởi các thực thể ở ít nhất 2 nước, các thực thể này hoạt động dưới một hệ thống ra quyết định chung và định hướng chiến lược phát triển chung.

Công ty xuyên quốc gia bao gồm công ty mẹ ở một nước, và thực hiện các đầu tư ra nước ngoài để hình thành các công ty con. Các công ty mẹ con này ảnh hưởng lẫn nhau và cùng chia sẻ kiến thức, nguồn lực và trách nhiệm lẫn nhau.

Chính vì vậy, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới và gây ra những tác động tiêu cực đến các thị trường cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng, phần lớn các công ty xuyên quốc gia đều phải chịu những tổn thất không hề nhỏ.

Thậm chí, khá nhiều công ty dù có tuổi đời lâu năm vẫn phải nộp đơn xin phá sản vì không thể duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, vốn đang đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch lại không mang tính đồng đều.

Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường, phần nhiều các công ty xuyên quốc gia phải nộp đơn xin phá sản thường kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, giải trí và du lịch.

Trong khi đó, các TNCs kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông lại được hưởng lợi do xu hướng người dân ở nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điển hình như Facebook, đến hết quý II, số người dùng hoạt động mỗi tháng của họ là 2,7 tỷ, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính cả các nền tảng khác, như Instagram và WhatsApp, công ty này lần đầu tiên chạm mốc 3 tỷ người dùng hoạt động. Doanh thu Facebook cũng tăng 11% lên gần 18,7 tỷ USD so với quý trước.

Các TNCs bị phá sản vì đại dịch Covid-19

Một trong công ty “đáng tiếc” nhất khi phá sản đó chính là Hertz Global Holdings Inc - công ty cho thuê xe ô tô lớn thứ hai ở Mỹ. Hertz đã nộp đơn phá sản ở bang Delaware sau khi các lệnh giới hạn di chuyển và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thuê xe lao dốc không phanh.

Hertz có tổng cộng 568.000 xe ô tô và 12.400 chi nhánh (cả nhượng quyền) trên toàn thế giới. 1/3 trong số các địa điểm này là ở sân bay. Nhưng với quá nhiều người thất nghiệp hoặc làm việc tại nhà vì dịch bệnh, nhu cầu đã bị sụt giảm mạnh mẽ.

Công ty này cũng tuyên bố sẽ tái cấu trúc nợ và tiếp tục kinh doanh với nền tảng tài chính vững mạnh hơn. Với gần 19 tỷ USD nợ và 38.000 nhân viên trên toàn cầu, tính đến cuối năm 2019, Hertz là một trong những công ty lớn nhất Mỹ phá sản vì đại dịch.

Có thể nói rằng, đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nhu cầu đi lại trên toàn cầu, đặc biệt là nhu cầu đi máy bay bởi các lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia. Điều này đã đẩy nhiều hãng hàng không quốc tế đến bờ vực phá sản.

Hãng hàng không Avianca của Colombia, hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới, đã phải đệ đơn phá sản lên quận nam New York, Mỹ. Avianca được thành lập vào năm 1919. Hãng hàng không này là hãng hàng không lâu đời thứ hai thế giới. Vào cuối năm ngoái, hãng này là hãng hàng không lớn thứ ba ở châu Mỹ La tinh dựa trên thị phần, sau hãng hàng không LATAM của Chile và GOL Linhas Aereas của Brazil.

Avianca cho biết, họ đã bị ảnh hưởng lớn bởi lệnh phong tỏa khắp thế giới khi đại dịch Covid-19 có diễn biến xấu đi. Hãng cho biết, trong số các quốc gia nơi Avianca hiện đang hoạt động, 88% bị hạn chế đi lại toàn bộ hoặc một phần.

Avianca hiện trực tiếp sử dụng 21.000 nhân viên trên khắp châu Mỹ Latinh, bao gồm hơn 14.000 ở Colombia. Quyết định nộp đơn xin phá sản của hãng hàng không này được đưa ra với mục đích “bảo vệ và bảo toàn hoạt động” khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Một cái tên lâu đời khác cũng vừa nộp đơn phá sản do Covid-19 đó chính là Brooks Brothers, một trong những thương hiệu thời trang cao cấp lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ. Brook Brothers ra đời vào năm 1818 dưới bàn tay của Henry Sands Brooks với cửa hàng đầu tiên tại thành phố New York.

Trong suốt khoảng 200 năm kinh doanh, thương hiệu này từng có 40 tổng thống Mỹ làm khách hàng, trong số đó có John F. Kennedy, cũng như chuyên may đo trang phục cho giới tài phiệt Phố Wall.

Brooks Brothers có hơn 200 cửa hàng trên khắp Mỹ và Canada cùng 130 địa điểm kinh doanh trên thế giới. Tuy nhiên, như nhiều đại gia bán lẻ nộp đơn xin phá sản trước đó, Brooks Brothers cũng không thể chống đỡ nổi ‘cơn bão’ Covid-19.

Nỗ lực vượt khó

Do đại dịch Covid-19, Apple đã phải đóng cửa nhiều hệ thống cửa hàng của hãng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hồi tháng 3/2020, 458 cửa hàng của Apple bên ngoài Trung Quốc đã lần lượt bị đóng cửa tạm thời nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện tại, công ty vẫn phải đóng cửa nhiều cửa hàng tại một số ‘điểm nóng’, trong đó có 4 bang của Mỹ là Florida, Bắc Carolina, Nam Carolina và Arizona.

Mặc dù vậy, Apple vẫn là cái tên kinh doanh tốt trong mùa dịch. Người dùng đổ xô sử dụng các dịch vụ trực tuyến của hãng trong thời gian bị phong tỏa, kéo doanh thu quý II lên 59,7 tỷ USD. Con số này tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận ròng của hãng cũng tăng 12% lên 11,2 tỷ USD. Thị trường quốc tế đóng góp 60% tổng doanh thu cho hãng quý trước. Các dịch vụ App Store, Apple Music, video và lưu trữ đám mây đều có doanh thu kỷ lục.

Amazon cũng là một ‘ông lớn’ khác của Mỹ ăn nên làm ra trong bối cảnh dịch Covid-19. Gã khổng lồ dịch vụ bán lẻ Amazon lần đầu tiên chứng kiến khoản lợi nhuận cao nhất trong vòng 26 năm kể từ khi thành lập.

Trong khi các đối thủ phải đóng cửa nhiều cửa hàng và cắt giảm nhân công, Amazon đã thuê 175.000 lao động trong những tháng trở lại đây nhằm đáp ứng được nhu cầu về dịch vụ của công ty. Amazon cho biết doanh thu của hãng đạt 88,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại châu Á, lợi nhuận trong quý II/2020 của Samsung cũng đã tăng mạnh 23% lên 8,1 nghìn tỷ won, tương đương 6,8 tỷ USD. Con số này vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích Refinitiv SmartEstimate khi nhận định Samsung sẽ đạt 6,4 nghìn tỷ USD.

Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu chip bộ nhớ đã được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, khiến hàng triệu người phải làm việc tại nhà và mua hàng trực tuyến. Thực tế, kết quả kinh doanh quý II của Samsung tăng rất mạnh cũng là do được thúc đẩy nhờ vào mảng kinh doanh điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng cũng như trong đơn vị bộ nhớ.

Thanh Thắng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/diem-danh-nhung-tnc-khon-don-vi-dai-dich-covid-19-20180504224243009.htm