Điểm danh những lao động miệt mài 'kiếm cơm' trong dịp Tết Dương lịch

Tết Dương lịch là thời gian nghỉ ngơi của nhiều gia đình nhưng ở Hà Nội và các thành phố lớn, đây lại là dịp 'hốt bạc' của không ít người. Có người vì đặc thù công việc nên cũng không thể biết đến nghỉ Tết là gì.

7h sáng, Hà Nội đang chìm trong giá lạnh, người người đang cuốn mình trong chăn ấm để ngủ vùi ngày lễ thì ở các góc phố, cánh xe ôm đã bày binh bố trận để phục vụ người dân có nhu cầu đi chơi lễ.

Họ dậy sớm để kịp chở khách về quê, kịp kiếm thêm thu nhập cho gia đình trong những ngày nghỉ. Người đàn ông tuổi gần 70, quê Hà Tĩnh đã chạy xe ôm ở bến Mỹ Đình nhiều năm tâm sự: "Những ngày lễ thế này là thời điểm khách đông, chịu khó thì sẽ kiếm thêm thu nhập bù vào ngày thường vắng khách.

Tôi dậy từ khoảng 6 giờ sáng, đi đón khách đến tận 19h giờ tối. Trời nắng ráo hay rét mướt mưa phùn, ngày thường hay nghỉ lễ tôi đều tranh thủ chạy xe. Thu nhập cũng được 400.000-600.000 đồng/ngày, cải thiện hơn so với làm công nhân”.

Một xe ôm đang tìm khách qua ứng dụng Grap tại Hà Nội lúc 7h sáng khi nhiệt độ ngoài trời ở ngưỡng khoảng 8 độ C.

Một xe ôm đang tìm khách qua ứng dụng Grap tại Hà Nội lúc 7h sáng khi nhiệt độ ngoài trời ở ngưỡng khoảng 8 độ C.

Ngoài cánh xe ôm, đội quân hàng rong cũng tiếp tục cuộc mưu sinh trong những ngày nghỉ Tết Dương này. Nhóm lao động nghèo ở khu vực quận Cầu Giấy cho biết, quê nhà mất mùa, lũ lụt nhiều, các khu công nghiệp mọc lên chỉ dành cho những người trẻ còn người già thì cứ theo nhau lên Hà Nội bán hàng rong kiếm sống.

Năm người họ góp tiền thuê phòng trọ tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu giấy. Sáng dậy từ 8h, đi khắp các quán ăn sáng, cà phê để bán những kẹp tóc, móc khóa, kẹo cao su... kiếm tiền mưu sinh qua ngày.

Bà Nguyễn Thị Chân, 70 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa chia sẻ: “Tết Dương lịch là của các bạn trẻ còn cánh người già xa quê chúng tôi vẫn phải đi bán hàng. Cuộc mưu sinh kéo dài đến tận ngày 25, 26/12 âm lịch thì mới về quê đón Tết.

Kì nghỉ, Hà Nội thưa người nên thu nhập của cánh hàng rong chúng tôi không được bao nhiêu nhưng không đi thì tiếc”.

Người bán hàng rong trên phố Nghĩa Tân, tuổi đã ngoài 60 vẫn cặm cụi mưu sinh trong giá rét ở Thủ đô những ngày nghỉ lễ.

Ngoài những người lao động chân tay, bắt buộc phải mưu sinh trong những ngày lễ thì có rất nhiều người khác lại làm việc vì vai trò không thể thiếu của họ đối với xã hội.

Để tránh ùn tắc giao thông tại các bến xe, các ngã tư lớn nhiều đội cảnh sát giao thông đã có mặt từ rất sớm. Họ chia sẻ rằng, trực Tết, đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân là công việc cao cả của các chiến sỹ lực lượng vũ trang.

Các chiến sỹ CSGT Hà Nội vẫn miệt mài công việc điều tiết, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong những ngày người dân nghỉ lễ.

Ở những trạm xăng trên cả nước ngày nghỉ đối với công nhân ở đây là điều xa xỉ. Những ngày lễ Tết, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho đi lại cho người dân, hàng vạn lao động trong mảng này vẫn làm việc không ngừng nghỉ.

Một nhân viên làm việc tại cây xăng Quân đội, 123 Nguyễn Phong Sắc vui vẻ nói: “Tôi làm vệc tại đây đã 8 năm và chưa nghỉ lễ ngày nào, công việc thường xuyên, liên tục là yêu cầu bắt buộc đối với các công nhân lĩnh vực kinh doanh xăng dầu”.

Nhân viên trạm xăng làm việc vào ngày Tết dương lịch.

Tại các trung tâm thương mại không khó để bắt gặp những cô cậu sinh viên năm 2, năm 3 đi làm thêm thời vụ vào dịp lễ. Nhiều bạn lựa chọn ở lại Hà Nội dịp Tết dương tranh thủ làm việc để trang trải cho học phí, phí sinh hoạt.

Sinh viên Trương Thị Vân, 21 tuổi, quê Thanh Hóa, học Đại học Y Hà Nội cho biết: “Gia đình em khó khăn về kinh tế, học phí lại cao nên dịp Tết này em ở lại Hà Nội làm thêm ở trung tâm thương mại Royal city. Lương làm thêm thời vụ những dịp Tết rất cao có thể đủ để em trang trải học phí”.

Tô Thanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/diem-danh-nhung-lao-dong-miet-mai-kiem-com-trong-dip-tet-duong-lich-20181231141231966.htm