Điểm danh những cây cầu đá cổ tuyệt đẹp của Việt Nam

Cầu đá là một loại hình kiến trúc đặc sắc của các làng quê nước Việt thời xưa. Cùng khám phá những cây cầu đá cổ vẫn còn được lưu giữ ở Việt Nam sau nhiều thế kỷ.

Nằm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cầu đá làng Nôm Bắc qua sông Nguyệt Đức, được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là cây cầu đá cổ đẹp nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay.

Nằm ở xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, cầu đá làng Nôm Bắc qua sông Nguyệt Đức, được các nhà nghiên cứu di sản đánh giá là cây cầu đá cổ đẹp nhất Việt Nam còn tồn tại đến nay.

Cầu có từ thế kỷ 16, ban đầu được làm bằng gỗ lim, đến thời vua Tự Đức được xây lại bằng đá xanh. Cầu được xây 9 nhịp, mặt cầu rộng gần 2m, làm bằng những phiến đá lớn được đục đẽo chính xác để gắn khít nhau một cách hoàn hảo.

Chân cầu là những cột đá hình trụ, không đều nhau được đẽo thô để gác dầm cầu. Mỗi dầm cầu được chống đỡ bởi ba cột đá. Các mỏm đá dầm cầu được chạm trổ vân mây. Các bộ phận của cầu chỉ gác lên nhau chứ không có vật liệu liên kết như vôi vữa hay đinh ốc.

Sau hai thế kỷ tồn tại, cầu đá làng Nôm vẫn bền vững về mặt kết cấu. Ngày nay, hàng trăm lượt người cùng các phương tiện cơ giới vẫn qua cầu mỗi ngày.

Nằm trong khu vực thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), cầu đá của đền Lũng Khê được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 16-18), trùng tu vào năm 1843, thời vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn.

Cầu làm bằng đá xanh nguyên khối gồm 7 nhịp với chiều dài 10m38, chiều rộng mặt cầu 1m67, chiều dài trung bình mỗi nhịp là 1m40. Mặt cầu được lát bằng 20 tấm đá, mỗi nhịp có ba tấm lát mặt.

Cầu có 8 chiếc dầm kích thước dài trung bình 2m25, mỗi dầm được đỡ bằng ba trụ, tất cả là 24 trụ. Hai bên đầu dầm cầu trang trí hình vân mây xoắn.

Phía bên trên hai đầu dầm cầu trang trí các con vật, hoa lá cách điệu như con dơi, hổ phù, cá chép, lá sen, lá đề, hoa chanh cách điệu… So với cầu đá làng Nôm, cầu đá của đền Lũng Khê quy mô nhỏ hơn, nhưng có phần phong phú hơn về các họa tiết trang trí.

Nằm ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cầu đá Trung Thành là cây cầu đá cổ hiếm hoi còn được gìn giữ ở miền Trung. Theo văn bia, cầu có từ thế kỷ 19. Do xuống cấp theo thời gian, đến năm 1988 cầu được nhân dân xã Trung Thành tu sửa lại.

Cây cầu đá cổ này sau khi được tu sửa có chiều dài 40m, rộng 1,2m, cao 3,5m, có 19 nhịp với 39 phiến đá ghép rất công phu. Các phiến đá ghép thành cầu có kích thước khác nhau, có tấm bề ngang 0,8m hoặc là 0,9m ghép so le với nhau, có gầm chắc chắn.

Mỗi thanh dầm cầu dài 3,5m, được đục chốt đá chắc chắn, phía dưới là hai trụ cầu. Phía giữa cầu cao hơn 0,3m so với hai đầu cầu, khiến cho cây cầu có độ cong vừa phải.

Ngày nay, cầu đá Trung Thành vừa là một công trình giao thông quan trọng của địa phương, vừa là điểm nhấn làm nên nét đẹp của làng quê Trung Thành.

Ít ai biết rằng ngay giữa trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội có một cây cầy đá cổ xưa còn được bảo tồn nguyên vẹn. Cây cầu đá cổ này là một hiện vật lịch sử độc đáo, được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia từ nhiều năm nay.

Theo các tư liệu, cầu có niên đại từ cuối thế kỷ 18, thuộc thời Lê Trung Hưng, vốn nằm ở một làng quê của tỉnh Nam Định, sau này được Viện Viễn Đông Bác Cổ di dời về Hà Nội.

Cầu được làm bằng đá xanh, mang kiểu dáng đặc trưng của các cầu đá cổ miền Bắc với tổng cộng 7 nhịp, dài gần 15m. Mặt cầu rộng 1,5m, mỗi nhịp do ba thanh đá nguyên khối ghép lại, mỗi thanh có độ dài 2m và dày hơn 20cm.

Dầm cầu có tiết diện khoảng 20cm x 30cm, đặt trên hai trụ cầu tiết diện vuông 20cm x 20cm. Phần dầm cầu nhô ra khỏi mặt cầu được chạm trổ hoa văn dạng mây xoắn.

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/diem-danh-nhung-cay-cau-da-co-tuyet-dep-cua-viet-nam-1148583.html