Hé lộ cuộc sống thú vị ở 2 khu định cư của Nga trong vùng Bắc cực của Na Uy

Khu định cư của người Nga nằm lọt thỏm trong lãnh thổ vùng Bắc cực của Na Uy. Nơi đây có những ngày toàn ánh sáng hoặc toàn bóng tối. Nhiệt độ 10 độ C cũng đã là nóng lắm với dân địa phương...

Mảnh đất mà Liên Xô đã từng mua của Na Uy

Timofey Rogozhin – Giám đốc trung tâm du lịch Grumant Arctic, cho hay: “Nhiều người bảo rằng người dân ở đây luôn bị gấu bắc cực tấn công và không thể rời nhà. Điều đó thật vớ vẩn”.

Khu định cư của Nga ở vùng Bắc cực của Na Uy. Ảnh: Vladimir Arnautov.

Khu định cư của Nga ở vùng Bắc cực của Na Uy. Ảnh: Vladimir Arnautov.

Rogozhin đang nói về cuộc sống ở Barentsburg và Pyramiden – 2 khu định cư của Nga trên bán đảo Svalbard của Na Uy ở Bắc Băng Dương. Hồi thập niên 1930, công ty mỏ Arktikugol của Liên Xô đã mua mảnh đất này. Ngày nay, bên cạnh nghề mỏ than, cư dân địa phương còn tham gia nghiên cứu khoa học và dịch vụ du lịch. Du khách tới đây đến để ngắm Bắc Cực quang và thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên ngoạn mục của vùng Bắc cực.

Vào thập niên 1980, khoảng 2.400 công dân Xô viết sống trên bán đảo Svalbard, nhưng nhiều người đã trở về đất liền trong thời kỳ bất ổn những năm 1990, và Pyramiden biến thành một “thị trấn ma”.

Ngày nay Barentsburg là nơi ở của khoảng 400-450 người, còn Pyramiden có không quá 50 cư dân, hầu hết là những người cố gắng khôi phục khu định cư nay. Hầu hết công dân Nga tới Svalbard là công nhân hợp đồng. Một hợp đồng tiêu chuẩn kéo dài không quá 3-4 năm, nhưng một số công nhân đã cố gắng gia hạn hợp đồng và đã sống ở Barentsburg hàng thập kỷ, theo Rogozhin.

Thực tế không có đường sá nào ở Barentsburg và Pyramiden, và do vậy vào mùa đông dân địa phương chủ yếu đi lại bằng xe trượt tuyết, còn về mùa hè họ di chuyển bằng thuyền hoặc xe máy.

Ngày Bắc cực, phải che kín cửa sổ mới ngủ được

Rogozhin thông tin thêm: “Không như Murmansk và Norilsk, ban đêm Bắc cực của chúng tôi kéo dài tới 24 tiếng/ngày trong 120 ngày; nguồn ánh sáng duy nhất khi ấy là đèn lồng và mặt trăng. Dù sao chúng tôi vẫn cố gắng tự giải trí, chúng tôi không uống rượu mà đi tới bảo tàng địa phương”.

Khu định cư của Nga ở vùng Bắc cực của Na Uy sáng đèn về đêm. Ảnh: Dmitry Dexheimer.

Vào các ngày Bắc cực (số lượng cũng là 120 ngày), trời sáng 24 tiếng mỗi ngày nên nếu muốn chợp mắt một chút, dân địa phương sẽ phải dùng lá kim loại che kín cửa sổ, đồng thời trùm kín chăn lên người.

Rogozhin giải thích: “Lúc thời tiết 10 độ C, chúng tôi đã phải mặc áo phông không cổ (nhiệt độ trung bình về mùa hè ở đây là từ 5-7 độ C), và khi trời “nóng” tới 12 độ C, chúng tôi phải bôi kem chống nắng bởi vì nắng ở đây rất gắt, dù ở nhiệt độ này vẫn gây phỏng da dễ dàng”.

Barentsburg và Pyramiden có một vườn trẻ, một ngôi trường, một trạm xá, và một nhà nguyện. Pyramiden còn có thêm một quán bar nhỏ, nơi cả dân địa phương và du khách có thể tụ tập để giải trí. Tại “thị trấn ma” này, còn có một quán cafe bên trong một thư viện cũ.

Aleksey Kargashin - nhân viên tại trung tâm du lịch Bắc cực, nói: “Quán cafe nằm bên trong một khu phức hợp văn hóa và thể thao địa phương. Tòa nhà này vốn là một thư viện nhưng giờ có quá ít dân nên không cần đến nó nữa. Quán cafe là phòng duy nhất có hệ thống sưởi bên trong cả tòa nhà”.

Ngoài ra người ta cũng đã khôi phục một rạp chiếu phim ở Pyramiden, với catalô khoảng 1.500 bộ phim nhựa thời Xô viết.

Chưa có trường hợp Covid-19

Vì lý do môi trường, giới chức địa phương cấm nuôi thú cưng trên bán đảo nhưng người Nga vẫn nuôi mèo, trong đó có chú mèo nổi tiếng tên là Kesha.

Cảnh ấm cúng trong một ngôi nhà ở khu định cư của Nga tại vùng Bắc cưc của Na Uy. Ảnh: Alexey Kargashin.

Một cư dân địa phương tên là Lilia giải thích: “Kesha không phải là con mèo duy nhất. Còn có thêm nhiều mèo ở trong làng nhưng các chủ nhân tránh để mèo ra khỏi căn hộ của mình do họ sợ giới chức Na Uy sẽ bắt”.

Những tòa nhà mới ở các khu định cư Nga này tương phản rõ rệt với những ngôi nhà của thế kỷ 20, chẳng hạn như nhà của nhà khí tượng học thường trú.

Kargashin nói tiếp: “Khu định cư được xây từ năm 1946 đến đầu thập niên 1990. Việc xây dựng tạm ngưng vào năm 1998 nhưng ngày nay nơi này đang dần được khôi phục, và có cả các kế hoạch cho cả một thập kỷ phía trước”.

Có một số công trình hư hại đến mức không thể sửa chữa được nữa nhưng chúng sẽ không bị phá hủy mà sẽ được giữ lại làm chứng tích lịch sử.

Svalbard, trong đó có các khu định cư Nga, vẫn là nơi duy nhất trên Trái đất chưa có một trường hợp nào mắc Covid-19, theo lời xác nhận của Kargashin.

Tuy nhiên, kề từ mùa xuân năm 2020, tất cả các quán bar và nhà hàng ở đây đã áp dụng các quy tắc an toàn như các nơi khác. Các cơ sở này được vệ sinh cứ hai tiếng một, khách hàng và nhân viên đều đeo khẩu trang, và trên mọi bàn đều có lọ nước rửa tay khô. Hiện nay, chỉ có người Na Uy và những người đã được cách ly kiểm dịch trong 10 ngày trên đất liền Na Uy mới được lên bán đảo này./.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Russia Beyond

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/he-lo-cuoc-song-thu-vi-o-2-khu-dinh-cu-cua-nga-trong-vung-bac-cuc-cua-na-uy-830216.vov