'Điểm danh' một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12.2016

Theo Bộ Công Thương, từ tháng 12.2016, nhiều chính sách mới sẽ chính thức có hiệu lực. Trong đó, bao gồm: Ban hành mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Hỗ trợ sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu; Chương trình điều tra thống kê quốc gia...

Ban hành mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Kể từ 1.12.2016, Nghị định 154/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, Chính phủ quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1 m3 nước sạch chưa bao gồm thuế VAT.

Trường hợp cần thiết áp dụng mức thu cao hơn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định mức cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng (trừ hộ gia đình thuộc trường hợp được miễn phí) thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1 m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.

Chương trình điều tra thống kê quốc gia

Từ ngày 1.12.2016 Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg Về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình điều tra thống kê quốc gia, gồm 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và 47 cuộc điều tra thống kê. Ba cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế.

Các cuộc điều tra thống kê gồm: Điều tra về đất đai, dân số, lao động, việc làm; Điều tra về tài khoản quốc gia, tài chính tiền tệ; Điều tra về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Điều tra về công nghiệp, vốn đầu tư, xây dựng; Điều tra về thương mại, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, CNTT; Điều tra về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; Điều tra về giá; Điều tra về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; Điều tra về y tế, giáo dục, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, mức sống dân cư.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.12.2016, thay thế Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 28/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

Bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh

Từ ngày 01.12.2016, Thông tư 31/2016/TT-BTNMT về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hiệu lực thi hành.

Thông tư yêu cầu bảo vệ môi trường cụm công nghiệp từ khâu lập quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp. Cụ thể, quy hoạch các khu chức năng và loại hình sản xuất trong cụm công nghiệp phải bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng của các loại hình sản xuất gây ô nhiễm với các loại hình sản xuất khác; thuận lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Quy hoạch xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp phải có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường bảo đảm yêu cầu theo quy định. Diện tích cây xanh trong phạm vi cụm công nghiệp tối thiểu chiếm 10% tổng diện tích của toàn bộ cụm công nghiệp.

Ngoài ra, Thông tư quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quản lý nước thải, chất thải rắn, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ và các yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chuyển giao nước thải không nguy hại để xử lý.

Phương án bảo vệ môi trường là một trong các căn cứ để đối tượng thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường và là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra.

Hỗ trợ sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu

Từ 15.12.2016, Quyết định 47/2016/QĐ-TTg quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7.10.2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản bắt đầu có hiệu lực.

Theo Quyết định, đối tượng được hỗ trợ sau đầu tư là tổ chức, cá nhân (chủ tàu) đặt hàng đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên. Nhà nước chỉ hỗ trợ sau đầu tư đối với tàu đóng mới đã hoàn thành là tàu khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ; tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép.

Trong trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thì tàu đóng mới đã được hưởng chính sách hỗ trợ đóng mới tàu của Nhà nước thì không được hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại Quyết định này.

Quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu

Kể từ ngày 1.12.2016, Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro thấp tiến hành lập dự án cải tạo và phục hồi môi trường theo phương án kiểm soát khu vực bị ô nhiễm.

Đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro trung bình và mức độ rủi ro cao tiến hành lập dự án xử lý ô nhiễm theo phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường.

Ưu tiên thực hiện xử lý ô nhiễm đối với khu vực bị ô nhiễm có mức độ rủi ro cao. Ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện môi trường, chi phí xử lý thấp. Việc lập phương án xử lý ô nhiễm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

T.H

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/diem-danh-mot-so-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-122016-616908.bld