Điểm danh hàng loạt 'ông lớn' buộc phải bán tài sản để trả nợ

Thời điểm cuối năm, các tổ chức tín dụng tiến hành đòi và siết nợ, nhiều 'ông lớn' một thời phải 'ba chân bốn cẳng' tìm cách trả.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang ngụp lặn trong khó khăn, dẫn tới khả năng trả nợ không hề dễ dàng, trong khi số nợ không nhỏ. Điển hình, khu vực phía Nam đang có hàng loạt ông lớn từng "làm mưa làm gió" một thời trên thị trường, nay phải "chạy đôn chạy đáo" để sắp xếp các khoản nợ.

Minh chứng rõ nhất là mới đây tòa nhà cao thứ ba TP.HCM, dù chưa hoàn thiện đã bị công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để siết khoản nợ lên đến 7.000 tỷ đồng.

Theo đó, tài sản đảm bảo này là của công ty Cổ phần Saigon One Tower (trước đây là công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C). Thực chất, công ty đại diện cho nhiều cổ đông và VAMC đã mua lại số nợ của nhóm này từ một số tổ chức tín dụng với tổng số nợ đến nay đã hơn 7.000 tỷ đồng.

VAMC yêu cầu Saigon One Tower nghiêm túc chấp hành, mọi hành vi cản trở việc thu giữ tài sản đảm bảo sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Theo tìm hiểu của PV, tòa cao ốc Saigon One Tower được xây dựng trên khu đất vàng tại 34 Tôn Đức Thắng (quận 1, TP.HCM) với tổng diện tích gần 7.000m². Dự án cao 41 tầng với tổng diện tích xây dựng vào khoảng gần 130.000m², có tổng mức đầu tư 238 triệu USD.

Trước đó, ngày 20/4, VAMC đã phát đi thông báo yêu cầu Saigon One Tower bàn giao tài sản đảm bảo cho VAMC trước ngày 5/5 để xử lý nợ. Thế nhưng đến nay, công ty vẫn không thực hiện.

Lần này, VAMC có vẻ quyết liệt hơn khi nhấn mạnh: “Công ty yêu cầu Saigon One Tower nghiêm túc chấp hành. Mọi hành vi cản trở việc thu giữ tài sản đảm bảo sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”.

Một vụ nợ nần "ngập đầu" khác gây ồn ào dư luận những ngày qua chính là “vua cá tra” Dương Ngọc Minh - ông chủ công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG). Chủ doanh nghiệp này đã và đang bán các tài sản để trả những khoản nợ nghìn tỷ.

Cụ thể, Hùng Vương đã bán khu đất số 765 Hồng Bàng (quận 6, TP.HCM) có diện tích trên 5,6.000m² thu về 375 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hiện, công ty đang dự định bán tiếp lô đất khác tại số 94 – 96 Phạm Đình Hổ (quận 6).

Theo tìm hiểu của PV, đến hết quý 3/2017, Hùng Vương vẫn còn nợ gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn trên 7.000 tỷ (đầu kỳ là 7.649 tỷ đồng) và nợ dài hạn chiếm gần 900 tỷ đồng.

Rõ ràng, số nợ ngắn hạn chiếm phần lớn trong cơ cấu nợ, buộc doanh nghiệp này phải tính toán lại các chiến lược kinh doanh. Thực tế, công ty này cũng vừa hoàn thành việc thoái vốn tại công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC).

Ông Minh cũng thừa nhận phải thoái vốn từng bước nhằm đảm bảo hoạt động cho các đơn vị mà Hùng Vương thoái vốn và công ăn việc làm cho 16.000 lao động.

Một ông lớn khác là công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (gọi tắt công ty 584). Công ty vừa bị ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) siết nợ tại dự án 584 Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Theo đó, BIDV đã có thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ với tổng giá trị gần 1.100 tỷ đồng (cả gốc và lãi, tính đến ngày 31/7/2017) đối với dự án.

Định hướng đầu tư và lựa chọn chiến lược kinh doanh không chính xác đã dẫn đến hệ lụy lớn và kéo dài khiến công ty 584 không thể vực dậy trong nhiều năm.

Dù vẫn còn một số BĐS có giá trị tương đối lớn và đều có thể phát sinh lợi nhuận nhưng công ty 584 không còn khả năng trả nợ, bởi: “Nguồn tài chính của công ty đã cạn kiệt, do đó khả năng hoàn thành dự án để kinh doanh thu hồi và trả nợ ngân hàng gần như không thể. Hiện nay, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hoàn toàn đình trệ, chủ yếu tập trung khắc phục các sai phạm hành chính tại các dự án theo chỉ đạo của UBND TP.HCM”, báo cáo của HĐQT nêu.

Theo đánh giá của HĐQT và ban điều hành doanh nghiệp, “định hướng đầu tư và lựa chọn chiến lược kinh doanh không chính xác đã dẫn đến hệ lụy lớn và kéo dài khiến công ty không thể vực dậy trong nhiều năm”.

Một cái tên khác mới bị VAMC ra thông báo siết nợ bằng việc thu giữ tài sản chính là công ty Cổ phần tập đoàn Hoàn Cầu. Theo tìm hiểu của PV, tài sản đảm bảo là 8 khu đất với tổng diện tích trên 51.000m² do nhóm Hoàn Cầu làm chủ đầu tư tại quận 7 để vay 2.400 tỷ đồng.

Nhóm Hoàn Cầu cũng đang bị siết nợ với khoản tiền lên đến 2.400 tỷ đồng.

Các tài sản này đều thuộc công ty Cổ phần Hoàn Cầu Khánh Hòa (tên cũ công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa) và công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang (đều là công ty con của Hoàn Cầu). Hợp đồng thế chấp tài sản cũng được 2 đơn vị này ký với ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vào ngày 20/12/2014. 8 khu đất của Hoàn Cầu nói trên được Sacombank định giá khi cho vay là 2.418 tỷ đồng. Khoản nợ này đã được VAMC mua lại của Sacombank.

Từ đây, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải xử lý các "ông lớn", bởi nếu bơm thêm vốn dễ dẫn tới hậu quả là nợ chồng thêm nợ.

“Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân, nếu họ làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm. Một khi có dấu hiệu là phải công khai, minh bạch. Đồng thời, phải tính đến phương án cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không hiệu quả. Tránh để tình trạng chết từ từ sẽ càng gây ra nhiều hệ lụy và thiệt hại sẽ lớn hơn”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, trường đại học Nông Lâm TP.HCM phân tích.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/diem-danh-hang-loat-ong-lon-buoc-phai-ban-tai-san-de-tra-no-a346668.html