Điểm danh các vua chúa tuổi Tý vang danh lịch sử Việt Nam

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020,xin giới thiệu tới bạn đọc sự nghiệp của các vị vua chúa tuổi Tý nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Trong số các vị vua chúa tuổi Tý nổi tiếng sử Việt phải kể đến Trần Thánh Tông (Canh Tý, 1240-1290) là vua thứ hai nhà Trần. Ông ở ngôi 21 năm, truyền ngôi cho con là Trần Nhân Tông rồi làm Thái thượng hoàng. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần 2 và 3 ông cùng vua con lãnh đạo cuộc kháng chiến thắng lợi. Sau đó, ông lui về Bắc cung tu Phật, chuyên tâm soạn kinh sách Phật.

Trần Anh Tông (Bính Tý, 1276-1320) là vua thứ tư nhà Trần. Ông lên ngôi lúc 17 tuổi. Khi làm vua ông đặc biệt ưu đãi các cựu thần có công trong cuộc đánh đuổi quân Nguyên Mông, và trân trọng sử dụng các bậc nhân tài. Việc chính trị, văn hóa, quân sự đời ông đều mở mang, tiến triển tốt đẹp. Sau khi truyền ngôi cho con, ông về chăm việc tu Phật, sáng tác thơ văn.

Trần Minh Tông (Canh Tý, 1300-1357) là vua thứ 5 nhà Trần. Ông lên ngôi khi mới 14 tuổi. Triều đại ông cũng tốt đẹp về văn hóa, chính trị, tôn giáo. Về nông nghiệp cũng phát triển thuận lợi, qua chính sách kêu gọi các vương hầu trả lại ruộng tư hữu đã lấn chiếm, giúp nông dân có ruộng cày.

Trần Duệ Tông (Bính Tý, 1336 - 1377) là vua thứ 9 nhà Trần. Là vị vua có tính cách quyết đoán, năm 1377 ông thân chinh đi đánh Chiêm Thành và chết tại trận, hưởng dương 41 tuổi. Ông có tài văn thơ, tác giả một số thơ văn, nhưng phần lớn bị thất lạc.

Lê Kính Tông (Mậu Tý, 1588- 1619) là vị vua thứ năm của nhà Lê Trung hưng và thứ 16 của nhà Hậu Lê. Lên ngôi lúc mới 11 tuổi, ông là vua đầu tiên chứng kiến cuộc tranh hùng giữa hai họ Trịnh - Nguyễn, bị áp lực của Bình An vương Trịnh Tùng rất nặng và không có thực quyền.

Nguyễn Phúc Thái (Mậu Tý 1648- 1691) là chúa thứ 5 thời Nguyễn sáng nghiệp. Sử chép ông là người khoan hòa, yêu kẻ sĩ, khi lên ngôi thì nhẹ hình phạt và xâu thế, nên nhân dân đương thời gọi ông là Nghĩa vương hay chúa Ngãi. Trong sự nghiệp của mình ông đã khiến Chân Lạp quy phục và cho mở các khoa thi Chính đồ, Hoa văn nhằm kén chọn nhân tài cho đất nước.

Nguyễn Phúc Chú (Bính Tý, 1696 - 1738) là chúa thứ 7 thời Nguyễn sáng nghiệp. Ông là người có tài văn võ, có công trạng lớn trong việc khai khẩn vùng đất Vĩnh Long và bảo vệ biên thùy phía Tây Nam tổ quốc.

Trịnh Doanh (Canh Tý, 1720- 1767) là chúa thứ bảy thời vua Lê chúa Trịnh. Thời ông cầm quyền, trong nước nhiều biến loạn, ông phải nhọc lòng xếp đặt lại mọi việc, hạn chế bớt việc xây dựng chùa chiền, trả ruộng đất lại cho nông dân, ưu đãi các tướng sĩ... Ông cũng là một nhà thơ giỏi với nhiều tác phẩm đề lại cho hậu thế.

Duy Tân (Canh Tý, 1900-1945) là vua thứ 11 của nhà Nguyễn. Ông lên ngôi lúc còn bé khi vua cha Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi đày. Là người yêu nước, ông tỏ thái độ bất hợp tác với quân cướp nước và tán thành cuộc khởi nghĩa 1916. Việc đại nghĩa thất bại, ông bị bắt ngày và bị đày sang đảo Reuion ở châu Phi. Ông mất vì một tai nạn máy bay ở Bắc Phi.

Mời quý độc giả xem video: Đi tìm Tết Việt. Nguồn: VTC14.

T.B (tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/diem-danh-cac-vua-chua-tuoi-ty-vang-danh-lich-su-viet-nam-1327505.html