Điểm danh các món mắm miền Tây nổi tiếng ăn một lần nhớ mãi

Mảnh đất miền Tây hiền hòa không chỉ có những địa danh đẹp, địa điểm du lịch nổi tiếng mà nơi đây còn có những món ăn từ mắm thơm ngon hấp dẫn... níu chân thực khách khó tính bởi chất vị đậm đà.

Lẩu mắm là món mắm được nhiều người yêu thích vào ngày mưa, tiết trời se lạnh. Người miền Tây thường chuẩn bị món ăn này để tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Mắm cá sặc hoặc cá linh là 2 nguyên liệu ưa dùng khi chế biến nước lẩu bởi vị đậm, thơm nồng.

Lẩu mắm là món mắm được nhiều người yêu thích vào ngày mưa, tiết trời se lạnh. Người miền Tây thường chuẩn bị món ăn này để tiếp đãi khách quý đến chơi nhà. Mắm cá sặc hoặc cá linh là 2 nguyên liệu ưa dùng khi chế biến nước lẩu bởi vị đậm, thơm nồng.

Nước lẩu mắm phải được ninh từ xương heo. Để tăng vị thơm, ngậy, người miền Tây thường cho thêm nước dừa tươi khi ninh. Ngoài ra, nước dùng còn có cà tím, mướp đắng...

Khi ăn, thực khách sẽ nhúng thịt ba chỉ, tôm, mực, cá... cùng nhiều loại rau như cải, bông súng, điên điển... vào nồi lẩu đang sôi. Hương vị của lẩu miền Tây là sự hòa quyện giữa vị đắng của rau, béo bùi từ thịt, cá và cay nồng, đậm đà bởi ớt, mắm.

Mắm kho là món ăn quen thuộc trong mâm cơm hàng ngày của người miền Tây. Nồi mắm kho chuẩn bị phải có đầy đủ cá, tôm, cà tím, rau củ, sả, hành, ớt... Để làm món ăn này, bạn phải kho rục cá, tôm trong nước cốt vắt ra từ mắm. Sau đó, thêm cà tím, rau củ vào để tăng vị ngọt, bùi.

Các nguyên liệu sả, hành, ớt giúp món ăn thêm thơm ngon, dậy vị. Nồi mắm được kho đến khi nước sền sệt là tắt bếp. Nước mắm kho thường dùng để nhúng rau hoặc chan cùng cơm nóng.

Mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon, mùi thơm đặc trưng của mắm hòa quyện vị cay của ớt, the của sả, béo béo của thịt ba rọi, vị ngọt của tép đồng, giòn của bông súng và mùi thơm của các loại rau sống tạo nên hương vị tuyệt vời, đậm chất đồng quê làm cho chúng ta không khỏi nuốt nước miếng mỗi khi nhắc đến.

Bún mắm là một trong những món ăn thơm, ngon, lạ, được nhiều thực khách yêu thích khi tới miền Tây. Sự kết hợp giữa nhiều loại đặc sản của vùng sông nước đã tạo ra món ăn giản đơn mà ấn tượng. Nước dùng trong bát bún mắm được nấu bằng mắm cá linh hoặc cá sặc. Đây là các loại cá có nhiều ở miền Tây.

Hương thơm của nước dùng là sự hòa quyện giữa 3 nguyên liệu mắm, hành và sả. Mỗi suất ăn thường có bún, cá, tôm, mực, heo quay. Bát bún thường đi dùng kèm đĩa rau thơm, bông súng, bắp chuối...

Mắm chưng: Nếu không quen với vị đậm mùi đặc trưng của những món ăn miền Tây, bạn có thể lựa chọn mắm chưng để thưởng thức.

Nguyên liệu để làm mắm chưng không quá cầu kỳ. Nó là sự kết hợp giữa mắm cốt, thịt băm, trứng, củ hành, nấm mèo và gia vị.

Hỗn hợp sau khi trộn đều sẽ được đựng trong chén và đem hấp cách thủy. Món ăn này thường được dùng cùng cơm nóng. Ở một số nơi, mắm chưng còn được cho thêm trứng muối để tăng độ béo. Ảnh: Internet.

Mời độc giả theo dõi video "Về Xứ Dừa Thưởng Thức Món Ngon". Nguồn: VTV Review.

Thảo Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/diem-danh-cac-mon-mam-mien-tay-noi-tieng-an-mot-lan-nho-mai-1472591.html