Điểm chuẩn xét tuyển bổ sung không được thấp hơn đợt 1

Bộ GD&ĐT lưu ý các trường xét tuyển bổ sung phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1 và xét tuyển theo quy trình như đợt 1, xét điểm từ cao xuống thấp.

Sau khi hoàn tất xét tuyển đợt 1, kể từ ngày 10/10, nếu trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu (có thể do ít hồ sơ nộp vào hoặc có thể do nhiều thí sinh đỗ nhưng không xác nhận nhập học) thì có thể xét tuyển bổ sung các đợt tiếp theo. Xét tuyển đợt tiếp theo có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT cho biết thí sinh trúng tuyển đợt 1 phải xác nhận nhập học đợt 1 trước 17h ngày 10/10 (theo dấu bưu điện).

Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể căn cứ vào các thông tin do trường công bố để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung vào trường (nộp tại trường, qua chuyển phát nhanh, hoặc theo quy định của từng trường); thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau để xét tuyển.

Khuyến khích trường top đầu xét tuyển bổ sung đến khi đủ chỉ tiêu (ảnh minh họa)

Khuyến khích trường top đầu xét tuyển bổ sung đến khi đủ chỉ tiêu (ảnh minh họa)

Như vậy, năm 2020, sau khi xét tuyển đợt 1 hoàn thành, các trường có thể bắt đầu triển khai xét tuyển đợt bổ sung từ sau ngày 10/10 đến hết năm 2020, sau đó báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 28/2/2021.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường còn tuyển thiếu chỉ tiêu nên tiếp tục xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10 để có thời gian chuẩn bị.

Để xét tuyển bổ sung, các trường phải công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ, thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển,…, và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các trường cần đảm bảo thời gian công bố thông tin đủ để thí sinh tiếp nhận thông tin, ra quyết định, và nộp hồ sơ.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1. Các trường cũng phải đảm bảo điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) các đợt sau không được thấp hơn đợt 1, quy trình xét tuyển các đợt bổ sung cũng phải tuân thủ quy chế như quy trình xét tuyển đợt 1, nguyên tắc xét tuyển phải từ xét từ điểm cao xuống thấp cho đến khi hoặc đủ chỉ tiêu, hoặc đã chạm “sàn” (là điểm chuẩn đợt 1).

Những trường hợp vi phạm nguyên tắc trên, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định đang và sẽ nắm bắt để kịp thời nhắc nhở, cảnh cáo, đảm bảo quyền lợi thí sinh và công bằng tuyển sinh.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT cả nước có 308 trường (trên tổng số 312 trường) sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Kết quả sau khi lọc ảo cho thấy, có 165 trường xác định được mức điểm trúng tuyển mà số thí sinh có nguyện vọng đạt điểm chuẩn trở lên đạt từ 100% chỉ tiêu trở lên; 40 trường đạt từ 70% đến dưới 100% chỉ tiêu; 24 trường đạt từ 50% đến dưới 70% chỉ tiêu và 83 trường đạt dưới 50% chỉ tiêu.

Sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ ngày 15/10 đến hết năm 2020. Số trường này chủ yếu là các trường ngoài công lập; các trường thuộc tỉnh, vùng sâu, vùng xa; các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/diem-chuan-cac-truong-dh-xet-tuyen-bo-sung-dot-tiep-theo-the-nao-266082.html