Điểm chuẩn ĐH năm 2018: Trường Công an, Quân đội, Y dược giảm 2-9 điểm

Điểm chuẩn trung bình của 5 trường Công an tiếp tục dẫn đầu cả nước với 24,4, dù giảm 2,27 so với năm ngoái, tức mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt 8,1.

Ngày 5-6/8, hơn 200 đại học, học viện đã công bố điểm trúng tuyển năm 2018. So với năm ngoái, mức điểm chuẩn có nhiều biến động.

Với đặc thù tuyển sinh đồng thời bố trí việc làm sau tốt nghiệp, chỉ tiêu giảm hơn 300 so với năm trước, còn 1.190, khối trường Công an có sự cạnh tranh gay gắt nhất trong 5 năm qua. Điểm chuẩn trung bình của 5 trường Công an vì thế tiếp tục dẫn đầu cả nước với 24,4, dù giảm 2,27 so với năm ngoái, tức mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt 8,1.

Trong bức tranh xét tuyển năm 2017 của trường công an, điểm trúng tuyển lên đến 30,5 ở khối D01, đối với nữ dự thi ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh Nhân dân. Năm nay, điểm chuẩn hạ còn 26,1 điểm.

Ở khối quân sự, hai trường có điểm chuẩn 30 trong năm 2017, năm nay có số điểm tương ứng là 25,1 (Học viện Kỹ thuật Quân sự ) và 26,35 điểm (Học viện Quân y).

Như vậy "nghịch lý 30 điểm trượt đại học" không còn xuất hiện trong đợt tuyển sinh năm nay.

Năm 2018, đề thi được đánh giá là khó hơn năm trước rất nhiều, điểm 10 giảm rõ rệt, điểm chuẩn của các trường quân đội cũng giảm mạnh. Năm nay, điểm chuẩn cao nhất của Học viện Kỹ thuật quân sự là 25,10 điểm (giảm gần 5 điểm so với năm 2017).

Năm 2017, khối trường Y - Dược xếp thứ ba về điểm chuẩn cao chót vót sau trường công an, quân đội. Trong đó, ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn đứng đầu là 29,25 với ngành Y đa khoa (tăng 3,25 điểm so với năm 2016). Đây là điểm chuẩn cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018, ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội có mức trúng tuyển 24,75, giảm 4,5 điểm.

Ngành Răng hàm mặt năm 2017 lấy 28,75 điểm, năm nay còn 24,3 điểm, giảm 4,45 điểm.

Ngành Y đa khoa của các trường Y dược khác cũng có điểm chuẩn giảm 4,3-5 so với năm 2017.

“Đề thi THPT quốc gia 2018 khó và dài nên phổ điểm chủ yếu ở mức 6-7, điểm 8-10 hiếm. Mặt khác, điểm cộng ưu tiên đối tượng và khu vực giảm từ tối đa 3,5 xuống 2,75. Đây là hai lý do chính khiến điểm chuẩn các trường thấp”, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú giải thích.

Thông tin Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành Công nghệ thông tin vào năm 2020 và đến mốc thời gian này vẫn thiếu khoảng 500.000 người khiến thí sinh đổ dồn vào thi, điểm chuẩn do đó rất cao.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018.

Đại học Bách khoa Hà Nội, trường top đầu cả nước trong khối kỹ thuật, có điểm chuẩn năm 2018 dao động từ 18 đến 25,35, thấp hơn mức trần năm ngoái gần 3 điểm, nhưng vị trí dẫn đầu không thay đổi, vẫn thuộc về Công nghệ thông tin. Xếp thứ hai là Khoa học máy tính với 25 điểm.

GS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho hay các ngành "hot" của trường là Công nghệ Thông tin, Điều khiển Tự động hóa, Cơ - Điện tử... vì liên quan cách mạng công nghiệp 4.0.

ĐH Ngoại thương Hà Nội công bố điểm trúng tuyển chiều 4/8. Theo đó, nhóm ngành Kinh tế, Kinh tế Quốc tế và Luật (NTH01), nhóm ngành Kinh doanh Quốc tế và Quản trị Kinh doanh Quốc tế (NTH02), nhóm ngành Kinh tế và Quản trị Kinh doanh của cơ sở TP.HCM (NTS01) có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 cao nhất, tương ứng 24,1; 24,1 và 24,25. Những ngành này đều có truyền thống điểm trúng tuyển cao.

Trong khi điểm chuẩn của các trường top trên có xu hướng giảm, thì đối với trường top dưới và trung, điểm chuẩn năm nay không có biến động nhiều. Thậm chí nhiều trường có điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn xét tuyển đã công bố trước đó. Có trường vừa công bố điểm chuẩn đợt 1 đã đăng thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 vì chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Nhiều ngành của ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Đại học Nha Trang lấy điểm chuẩn là 14 (trung bình chưa đến 5 điểm/môn thi).

Dự đoán cuộc đua xét tuyển năm nay sẽ còn hấp dẫn với cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các trường top dưới.

Thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên tại Hà Nội - nhận định nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là do đề thi năm nay quá khó, đặc biệt là ở những câu vận dụng và vận dụng cao.

Nếu như năm ngoái cả nước có hơn 4.200 điểm 10, thì năm nay con số này chỉ khoảng hơn 40, giảm tới hơn 100 lần. Đó là chưa kể một số điểm 10 do thí sinh gian lận thi cử ở địa phương đã và sẽ còn điều chỉnh sau công bố.

Nguyên nhân thứ hai góp phần làm điểm chuẩn các trường giảm mạnh, đặc biệt ở top đầu, là Bộ GD&ĐT giảm mức điểm cộng khu vực chỉ còn 1/2 so với trước.

Nguyên nhân thứ ba là thiếu các tư vấn, phân tích, hỗ trợ chính xác, tin cậy nên nhiều học sinh đánh giá chưa đúng về mặt bằng điểm chuẩn năm nay. Nhiều thí sinh không hiểu rõ các nguyên tắc ưu tiên xét tuyển nên chưa tối ưu hóa được điểm số của mình trong xét tuyển.

Chính vì thế, rất ít đại học đưa ra dự báo chính thức về mức điểm chuẩn của các nhóm ngành của trường mình, mức điểm sàn tiếp nhận hồ sơ thực tế không có nhiều ý nghĩa.

Anh Vũ (TH)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/y-te-giao-duc/diem-chuan-dh-nam-2018-truong-cong-an-quan-doi-y-duoc-giam-2-9-diem